Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận với ZTE sau khoản phạt 1,4 tỷ USD
Hồi tháng 4, chính quyền Trump thông báo cấm các doanh nghiệp Mỹ bán linh kiện cho ZTE trong vòng 7 năm với lý do ZTE đã vi phạm lệnh cấm vận khi bán các sản phẩm công nghệ của Mỹ cho Iran và Triều Tiên.
- 12-07-2018Mỹ và ZTE ký thỏa thuận ký quỹ 400 triệu USD để gỡ bỏ cấm vận
- 29-05-2018ZTE: hàng Tàu hay hàng Mỹ?
- 14-05-2018Tổng thống Donald Trump bất ngờ đăng tweet "cứu lấy ZTE"
Bộ Thương mại Mỹ vừa quyết định dỡ bỏ lệnh cấm các doanh nghiệp của nước này bán sản phẩm cho tập đoàn ZTE của Trung Quốc, loại bỏ rào cản cuối cùng để ZTE có thể bắt đầu xây dựng lại hoạt động kinh doanh của mình.
Động thái nói trên được đưa ra sau khi ZTE hoàn tất việc trả khoản tiền phạt lên tới 1,4 tỷ USD bằng cách chuyển 400 triệu USD tiền đặt cọc vào 1 ngân hàng Mỹ. Trước đó ZTE đã nộp phạt 892 triệu USD cho Chính phủ Mỹ sau khi thừa nhận vi phạm các lệnh cấm vận.
Dỡ bỏ lệnh cấm đối với ZTE là một trong những yêu cầu chủ chốt của Chính phủ Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới leo thang nhanh chóng. Mặc dù các cuộc đàm phán đã bị ngưng trệ kể từ cuộc gặp cấp cao mới nhất hồi tháng 6, những ngày gần đây cả hai bên đã bày tỏ dấu hiệu sẵn sàng quay trở lại bàn đàm phán.
Hồi tháng 4, chính quyền Trump thông báo cấm các doanh nghiệp Mỹ bán linh kiện cho ZTE trong vòng 7 năm với lý do ZTE đã vi phạm lệnh cấm vận khi bán các sản phẩm công nghệ của Mỹ cho Iran và Triều Tiên. Sự kiện này đã khiến ZTE lao đao.
Đến tháng 5, ông Trump lại thay đổi thái độ khi tuyên bố đang xem xét lại lệnh trừng phạt ZTE và cuối tháng 5 tình hình tiến triển tốt hơn nữa khi hai bên nhắc đến khoản tiền nộp phạt.
Tháng trước, ZTE nhượng bộ thêm 1 bước khi sa thải toàn bộ ban điều hành và bổ nhiệm Chủ tịch mới. Bộ máy quản lý mới của tập đoàn này đối mặt với thách thức phải xây dựng lại niềm tin với các công ty điện thoại và các khách hàng doanh nghiệp. Theo ước tính ZTE có thể thiệt hại 3 tỷ USD vì những rắc rối vừa qua.