Mỹ đưa máy bay ném bom tàng hình tới đảm Guam, sẵn sàng tấn công hạt nhân chiến thuật vào Triều Tiên?
Việc Mỹ đưa máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-2 tới đảo Guam khiến nhiều người nghĩ tới khả năng Washington chuẩn bị sẵn sàng ném bom hạt nhân chiến thuật xuống Triều Tiên trong bối cảnh Bình Nhưỡng nhiều lần đe dọa tấn công nước Mỹ.
Mỹ đã âm thầm tập trung hỏa lực ở Thái Bình Dương trong suốt thời gian căng thẳng với Triều Tiên. Tuy nhiên, sự hiện diện của B-2 bên cạnh những phi cơ ném bom chiến lược B-1 và B-52 đã được đưa tới khu vực này từ nhiều tháng qua cho thấy Lầu Năm Góc đang có những tính toán rất xa xôi.
Ở thời điểm hiện tại, B-2 và B-52 vẫn được coi là một phần trong bộ ba hạt nhân chiến lược của Mỹ. Cả hai mẫu máy bay ném bom chiến lược này đều có khả năng trang bị tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân và các loại bom hạt nhân chiến thuật và chiến lược. Với sự hiện diện của B-2 và B-52, Mỹ có thể chọn tấn công hạt nhân những như vực nhất định bằng những loại vũ khí sức công phá không quá lớn như vũ khí hạt nhân chiến lược.
Hiện tại, mẫu bom hạt nhân chiến thuật mà B-52 có thể mang tới 16 quả là B-61. Trong thời gian gần đây, quân đội Mỹ liên tiếp cải tiến B-61 để nó có độ chính xác cao hơn hay có thể tấn công được những mục tiêu nằm sâu dưới lòng đất. Dù vũ khí hạt nhân đã phát triển mạnh mẽ nhưng may mắn, hai quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Nhật Bản năm 1945 vẫn là những vũ khí hạt nhân duy nhất được dùng trong chiến tranh.
Những biến đổi giúp B-61 trở nên lý tưởng để tiêu hủy các hệ thống hầm ngầm của Triều Tiên, bao gồm cả các cơ sở hạt nhân hay nơi trú ẩn của các nhà lãnh đạo cấp cao. Trong khi đó, những điều chỉnh nhằm giảm bớt sức tàn phá giúp hạn chế phóng xạ lan ra môi trường sau vụ tấn công hạt nhân. Vũ khí hạt nhân của Mỹ, dù được triển khai từ trên không, trên biển hay trên đất liền, đều có khả năng tấn công mục tiêu chính xác.
Tuy nhiên, sự bí mật của các cơ sở hạt nhân là thách thức lớn với những cuộc tấn công của Mỹ. Nếu không thể vô hiệu hóa hoàn toàn các cơ sở hạt nhân của Bình Nhưỡng, việc Mỹ tấn công có thể gây ra thảm họa hạt nhân bởi sự đáp trả của Triều Tiên. Chính quyền Tổng thống Donald Trump cần cân nhắc nhiều trước quyết định tấn công Bình Nhưỡng.
Mỹ tăng cường gây sức ép với Triều Tiên trong bối cảnh quốc gia này liên tiếp tiến hành các vụ thử tên lửa và hạt nhân với những tiến bộ vượt bậc. Theo đó, quả bom hạt nhân mà Bình Nhưỡng thử lần gần nhất được đánh giá là mạnh chưa từng có trong khi tên lửa đạn đạo mà quốc gia này mới thử nghiệm cũng có thể chạm tới gần như toàn bộ lãnh thổ Mỹ.
Phía Triều Tiên cũng nhiều lần khẳng định họ phát triển tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân nhằm vào Mỹ đồng thời tuyên bố sẽ chỉ từ bỏ chương trình vũ khí, khiến họ bị nhiều năm cấm vận, nếu Mỹ từ bỏ chính sách thù địch với Bình Nhưỡng. Trong khi đó, người Mỹ yêu cầu Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân vô điều kiện.