Mỹ hoang mang vì bom thư trước bầu cử
Nhà chức trách Mỹ đang truy tìm những kẻ đứng sau hành động gửi một loạt bom ống trong bưu kiện đến các nhân vật nổi bật của Đảng Dân chủ.
Theo báo The Washington Post, chiến dịch này bắt đầu từ đêm 23-10 (giờ địa phương) sau khi Sở Mật vụ Mỹ lần lượt phát hiện bom ống trong bưu kiện gửi đến địa chỉ nhà cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ở TP New York và cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama ở thủ đô Washington. Theo giới chức thực thi pháp luật, không có quả bom nào đến gần mục tiêu và không có thông điệp nào kèm theo.
Dù vậy, phát hiện này dẫn đến 1 thiết bị nổ khác được tìm thấy tại trụ sở đài CNN tại TP New York (với người nhận là cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương John Brennan). Ngoài ra, một bưu kiện chứa bom ống ghi tên người nhận là cựu Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder Jr nhưng được gửi trả về địa chỉ gửi được ghi trên đó - văn phòng của Hạ nghị sĩ Debbie Wasserman Schultz ở bang Florida.
Thành viên lực lượng phá bom bên ngoài văn phòng hạ nghị sĩ Debbie Wasserman Schultz ở bang Florida hôm 24-10 Ảnh: REUTERS
Đến cuối ngày 24-10 và trong ngày 25-10, thêm một số bưu kiện tương tự hoặc đáng ngờ bị phát hiện với địa chỉ người nhận là nữ nghị sĩ Đảng Dân chủ Maxine Waters, diễn viên Robert de Niro và cựu Phó Tổng thống Joe Biden. Trước đó, một bưu kiện chứa thiết bị nổ cũng được tìm thấy trong hòm thư bên ngoài ngôi nhà ở TP New York của tỉ phú George Soros, người thường xuyên quyên góp cho các chủ trương của Đảng Dân chủ, hôm 22-10.
Nhà chức trách đã gọi đây là hành động khủng bố và cảnh báo số lượng bom ống được tìm thấy có thể không dừng lại ở con số nói trên. Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray cho biết vụ án "bom thư" đang là ưu tiên điều tra, đồng thời kêu gọi công chúng cung cấp thông tin giúp truy bắt hung thủ và cảnh báo người dân không chạm vào những bưu kiện khả nghi.
Hãng tin AP nhận định vụ việc trên chắc chắn làm gia tăng căng thẳng chính trị và nỗi sợ hãi trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào ngày 6-11 tới. Đáng chú ý, mục tiêu của "bom thư" dường như là các nhân vật nổi bật của cánh tả thường bị các chính trị gia bảo thủ chỉ trích, trong đó có cả Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Phản ứng trước vụ việc trên, ông chủ Nhà Trắng tuyên bố "những hành động hoặc đe dọa bạo lực chính trị không có chỗ ở Mỹ cũng như cam kết chính phủ liên bang sẽ đưa những kẻ liên quan ra trước công lý. Dù vậy, những lời lẽ mạnh mẽ này không làm hài lòng chủ tịch đài CNN Jeff Zucker, người ra tuyên bố chỉ trích gay gắt thái độ của chính quyền hiện nay đối với giới truyền thông.
Người Lao động