MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỹ hứng chịu khủng hoảng kép

01-06-2020 - 09:42 AM | Tài chính quốc tế

Những cuộc biểu tình quy mô lớn thể hiện sự giận dữ liên quan đến cái chết của người đàn ông da màu George Floyd đang làm dấy lên lo ngại về làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới tại Mỹ.

Lệnh giới nghiêm đã được ban bố tại nhiều thành phố lớn của Mỹ hôm 30-5 (giờ địa phương) trong bối cảnh tình trạng bất ổn dân sự gia tăng khi hàng chục ngàn người biểu tình tiếp tục xuống phố, thể hiện sự giận dữ liên quan đến cái chết của ông George Floyd - 44 tuổi, người đàn ông da màu - sau khi bị một cảnh sát da trắng ghì gối vào cổ ở TP Minneapolis, bang Minnesota.

Theo Reuters, từ Los Angeles đến Miami và Chicago, đám đông biểu tình hô vang "Làm ơn, tôi không thở được" - những lời cuối cùng của ông Floyd. Các cuộc biểu tình bắt đầu một cách ôn hòa rồi chuyển sang bạo lực khi những người quá khích chặn đường, đốt phá cửa hàng và đụng độ với cảnh sát chống bạo loạn.

Ngay khi lệnh giới nghiêm từ 20 giờ đến 6 giờ hôm sau có hiệu lực, cảnh sát Minneapolis bắt đầu bắt giữ người biểu tình, ném khí cay và bắn đạn cao su nhằm vãn hồi an ninh. Theo tờ The New York Times, đám đông biểu tình tối 30-5 (sáng và chiều 31-5, giờ Việt Nam) gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ hơn từ phía cảnh sát so với 4 tối trước đó.

Mỹ hứng chịu khủng hoảng kép - Ảnh 1.

Cảnh sát và người biểu tình đụng độ tại TP New York - Mỹ hôm 30-5 Ảnh: REUTERS

Lần đầu tiên kể từ Thế chiến II, toàn bộ lực lượng Vệ binh Quốc gia Minnesota được triển khai và Thống đốc bang Minnesota, ông Tim Walz, cho rằng động thái này là cần thiết vì những phần tử quá khích đang lợi dụng cái chết của ông Floyd để gieo rắc hỗn loạn vì động cơ chính trị.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 30-5 khẳng định nếu những người biểu tình tụ tập đêm trước tại Công viên Lafayette Square, ngay trước Nhà Trắng, phá rào chắn bao quanh Nhà Trắng, "họ có thể đã được chào đón bằng những con chó dữ tợn nhất và những vũ khí nguy hiểm nhất mà tôi từng thấy".

Sau đó cùng ngày, tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy, bang Florida, Tổng thống Donald Trump dịu giọng hơn khi thông báo một cuộc điều tra dân quyền, nói rằng ông là "một người bạn, một đồng minh của mọi công dân Mỹ tìm kiếm công lý". Trong khi đó, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr cảnh báo những phần tử cực đoan lợi dụng tình hình để châm ngòi bạo loạn có thể đối mặt với các cáo buộc liên bang.

Trong một nước đi bất thường, Lầu Năm Góc tuyên bố đã đặt các đơn vị quân sự trong trạng thái báo động kéo dài 4 giờ để sẵn sàng tác chiến nếu Thống đốc Tim Walz yêu cầu hỗ trợ. Các đơn vị của lực lượng Vệ binh Quốc gia cũng đã được huy động bởi các thống đốc bang Ohio, Missouri, Wisconsin và Tennessee.

Tình trạng bất ổn nêu trên diễn ra trong bối cảnh phần lớn người dân Mỹ trước đó đã ở nhà suốt nhiều tháng trời vì những nỗi lo liên quan đến đại dịch Covid-19, do "kẻ thù vô hình" virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra.

Theo hãng tin AP, những cuộc biểu tình quy mô lớn nêu trên đang làm dấy lên lo ngại về làn sóng lây nhiễm SARS-CoV-2 mới tại quốc gia này, đặc biệt là khi lệnh phong tỏa đang được nới lỏng tại nhiều thành phố và các bãi biển cũng như doanh nghiệp đã được mở cửa trở lại.

"Nếu tham gia biểu tình vào đêm qua, các bạn có lẽ cần xét nghiệm Covid-19 trong tuần này" - Thị trưởng TP Atlanta Keisha Lance Bottoms khẳng định, đồng thời cảnh báo "vẫn còn một đại dịch ở Mỹ đang khiến nhiều người da màu thiệt mạng hơn".

Giới chuyên gia y tế lo ngại những người mắc virus nhưng chưa biểu hiện triệu chứng có thể vô tình lây nhiễm cho những người khác trong lúc tham gia biểu tình.

Theo giới chức y tế bang Minnesota, các cuộc biểu tình gần như chắc chắn khiến số ca mắc Covid-19 gia tăng. "Chúng ta đang hứng chịu khủng hoảng kép" - Thị trưởng TP Minneapolis Jacob Frey bày tỏ.

Theo thống kê của Trường ĐH Johns Hopkins, tính đến ngày 30-5, số người mắc và thiệt mạng vì Covid-19 trên toàn thế giới đã hơn 6 triệu và hơn 369.000 người. Mỹ là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 1,8 triệu ca mắc và hơn 105.000 ca tử vong, tăng thêm lần lượt 1,7% và 1,2% trong 24 giờ.

Theo Cao Lực

Người Lao động

Trở lên trên