Mỹ lo Trung Quốc thâu tóm đất nông nghiệp
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang nỗ lực giảm bớt phụ thuộc kinh tế vào Bắc Kinh, nhất là trong các ngành đóng vai trò thiết yếu đối với chuỗi cung ứng.
- 20-07-2021Lũ cuốn phăng đập nước, chính phủ Trung Quốc thừa nhận điều đáng sợ ở 98.000 hồ chứa
- 19-07-2021Sốt bất động sản kiểu mới ở Trung Quốc: Người già sẵn sàng chi hơn 200.000 USD để thuê căn hộ trong khu dưỡng lão
- 19-07-2021"Cỗ máy" 2.000 tỉ USD bị đe dọa: Trung Quốc muốn chặn đường doanh nghiệp IPO tại Mỹ
Nhiều nghị sĩ thuộc cả 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ ở Mỹ đang xem xét những biện pháp nhằm ngăn người nước ngoài, nhất là Trung Quốc, thâu tóm hoạt động của các trang trại và nhận trợ cấp từ chính phủ.
Theo trang Politico, một số hạ nghị sĩ Mỹ đang thúc đẩy dự luật liên quan đến vấn đề trên, cùng với lời cảnh báo rằng sự hiện diện của Trung Quốc trong hệ thống lương thực đất nước là nguy cơ đối với an ninh quốc gia.
Tại Thượng viện, một số thành viên chủ chốt cũng quan tâm đến nỗ lực ngăn trang trại Mỹ rơi vào tay người nước ngoài. Nhiều chính khách Mỹ cũng kêu gọi siết chặt luật lệ về người sở hữu các trang trại trong nước.
"Nước Mỹ không thể cho phép Trung Quốc kiểm soát nguồn cung lương thực của mình" - cựu Phó Tổng thống Mike Pence nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Quỹ Di sản (trụ sở ở thủ đô Washington) hôm 14-7, đồng thời thúc giục quốc hội và Tổng thống Joe Biden "chấm dứt mọi trợ cấp nông nghiệp dành cho đất đai thuộc sở hữu người nước ngoài".
Một trang trại tại TP Malvern, bang Iowa - Mỹ Ảnh: REUTERS
Trong thập kỷ qua, các công ty Trung Quốc đã tăng cường hiện diện trong nền nông nghiệp Mỹ bằng cách mua đất chăn nuôi, trồng trọt và thâu tóm công ty nông nghiệp lớn, như Công ty Chế biến thịt heo Smithfield Foods.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, tính đến đầu năm 2020, các chủ sở hữu Trung Quốc kiểm soát gần 78.000 ha đất nông nghiệp ở Mỹ, ước tính trị giá khoảng 1,9 tỉ USD. Diện tích nói trên chiếm tỉ lệ nhỏ trong tổng số gần 365 triệu ha đất nông nghiệp của Mỹ.
Tuy nhiên, Washington đang ngày càng lo ngại về xu hướng người Trung Quốc tăng cường mua đất nông nghiệp tại Mỹ và mối liên hệ tiềm tàng giữa họ và Bắc Kinh.
Ủy ban Phân bổ ngân sách Hạ viện Mỹ gần đây thông qua đề xuất sửa đổi dự luật chi tiêu nông nghiệp, theo đó ngăn công ty do chính phủ Trung Quốc kiểm soát hoàn toàn hoặc một phần mua đất nông nghiệp hoặc công ty nông nghiệp ở Mỹ. Ngoài ra, theo đề xuất, các trang trại thuộc sở hữu Trung Quốc bị cấm tham gia chương trình hỗ trợ liên bang. Hạ viện Mỹ dự kiến thảo luận đề xuất này vào cuối tháng 7.
Bước đi trên diễn ra giữa lúc quốc hội và chính quyền Tổng thống Biden đang nỗ lực giảm bớt phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, nhất là trong các ngành đóng vai trò thiết yếu đối với chuỗi cung ứng, như lương thực, chất bán dẫn, khoáng sản...
Ông Biden và Bộ trưởng Nông nghiệp Tom Vilsack thời gian qua có một loạt động thái nhằm củng cố chuỗi cung ứng lương thực theo sau những gián đoạn nghiêm trọng do đại dịch Covid-19 gây ra.
Vấn đề an ninh lương thực
Một báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ hồi năm 2018 cho biết đầu tư của Trung Quốc vào nông nghiệp tại các quốc gia khác đã tăng hơn 10 lần kể từ năm 2009.
Trong khi đó, theo thống kê của Tổ chức Giám sát đất đai Land Matrix, doanh nghiệp Trung Quốc đã kiểm soát 6,48 triệu ha đất nông nghiệp, lâm nghiệp và mỏ trên thế giới trong giai đoạn 2011-2020. Con số này vượt xa tổng diện tích đất cùng loại đang được các công ty Anh, Mỹ, Nhật Bản nắm giữ.
Theo trang Nikkei Asia (Nhật Bản), việc tăng cường thu mua đất đai ở nước ngoài giúp doanh nghiệp Trung Quốc bảo đảm nguồn cung tài nguyên nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng trong nước giữa lúc nguồn cung trên thế giới trở nên eo hẹp.
Dù vậy, xu hướng này đã làm dấy lên quan ngại về vấn đề an ninh lương thực và sự phụ thuộc vào Bắc Kinh của các nước chấp nhận đầu tư từ Trung Quốc. Một số quốc gia đã có bước đi nhằm xoa dịu nỗi lo liên quan đến xu hướng trên.
Chẳng hạn như quốc hội Nhật Bản hồi tháng 6 ban hành đạo luật mới nhằm thắt chặt quy định về vấn đề thâu tóm và sử dụng đất ở những nơi được xem là quan trọng đối với an ninh quốc gia. Đạo luật này nhằm ngăn chặn các giao dịch đất đai đáng ngờ của doanh nghiệp nước ngoài.
Người Lao động