MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỹ muốn đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực nào ở Việt Nam trong tương lai?

Mỹ muốn đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực nào ở Việt Nam trong tương lai?

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Thương Đỗ Thắng Hải, Hoa Kỳ được xác định là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên tất cả các trụ cột hợp tác. Hiện, các nhà đầu tư Hoa Kỳ cũng đầu tư vào hơn 20 lĩnh vực kinh tế, đứng thứ 11 trong số các nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam.

Sáng 8/3, Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam – Hoa Kỳ 2022 với chủ đề “Định hình tương lai quan hệ kinh tế song phương” được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Chia sẻ tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Việt Nam là quốc gia có kinh tế với độ mở lớn, phát triển nhanh.

Trên cơ sở phát huy tốt nội lực, Việt Nam đang đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phục hồi kinh tế, phát triển bền vững; tiếp tục sát cánh cùng các nước đối tác để hiện thực hóa tầm nhìn về một châu Á - Thái Bình Dương rộng mở, hòa bình, năng động, tự cường, vì sự thịnh vượng của mọi người dân và các thế hệ tương lai.

"Trong bối cảnh đó, Hoa Kỳ được xác định là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên tất cả các trụ cột hợp tác", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Hiện nay, các nhà đầu tư Hoa Kỳ cũng đầu tư vào hơn 20 lĩnh vực kinh tế, đứng thứ 11 trong số các nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam. Hầu hết các Tập đoàn lớn nhất của Hoa Kỳ đều đã có mặt tại Việt Nam như Exxon Mobil, Murphy Oil, Chevron, Boeing, Ford, Intel, Wal-Mart, Nike, Amazon và P&G… Theo khảo sát của Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham), có trên 80% doanh nghiệp, đối tác Hoa Kỳ đánh giá tích cực về thị trường Việt Nam.

"Nhiều nhà đầu tư Hoa Kỳ đánh giá Việt Nam sẽ trở thành địa điểm đầu tư lý tưởng, quan trọng và an toàn của chuỗi cung ứng toàn cầu", Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cho biết, những diễn biến bất ổn của thương mại toàn cầu và nguy cơ đình trệ gây ra bởi đại dịch Covid-19 thời gian qua đã gây nhiều bất ổn. Mặt khác, những vấn đề này cũng tạo sức ép, buộc các doanh nghiệp phải tính đến việc phát triển mô hình chuỗi cung ứng mới, trong đó có các hệ thống cung ứng dự phòng đặt tại nhiều địa điểm khác nhau để đảm bảo sự bền vững và tính liên tục.

"Trong khi đó, là một nền kinh tế có độ mở cao, tham gia ngày càng sâu vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tương lai của gần 100 triệu công dân của Việt Nam gắn kết ngày càng chặt chẽ với tương lai của khu vực, cũng như sự ổn định trong các quan hệ với các nền kinh tế lớn trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Công Thương đánh giá, hợp tác song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được mở rộng nhanh chóng ra nhiều lĩnh vực. Trong đó, kinh tế số, công nghệ, năng lượng và cơ sở hạ tầng được đánh giá rất tiềm năng và hứa hẹn sẽ trở thành những lĩnh vực trụ cột trong hợp tác kinh tế - thương mại tương lai.

Cho nên, để bảo đảm cho những tiềm năng trên trở thành hiện thực, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh 2 điểm quan trọng cần tập trung giải quyết trong thời gian tới.

Thứ nhất, hai nước sẽ cùng nhau hợp tác chặt chẽ để đưa quan hệ kinh tế - thương mại đi vào ổn định và tiếp tục là động lực của quan hệ song phương, trong đó cần phát huy cơ chế đối thoại chính sách của Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam – Hoa Kỳ (TIFA).

Thứ hai, những thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra đã đưa hai quốc gia chúng ta xích lại gần nhau hơn, khi chúng ta hỗ trợ lẫn nhau trong lúc khó khăn.

Từ một góc nhìn tích cực, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, những bất ổn gây ra bởi đại dịch Covid-19 lại giúp tạo ra những cơ hội chưa từng có để từng doanh nghiệp, từng ngành, từng lĩnh vực tự đánh giá lại năng lực, gợi mở nhiều hướng kinh doanh và cơ hội tiếp cận thị trường mới.

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, bà Virginia Foote, Phó Chủ tịch AmCham khẳng định, Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam – Hoa Kỳ lần thứ 5 là sự kiện chào mừng quan hệ đối tác Việt Nam Hoa Kỳ trong vòng 25 năm qua, cũng như hoạt động gắn kết của doanh nghiệp hai nước.

“Chúng tôi sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi và tăng trưởng của Việt Nam, thông qua các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần vào quá trình bình thường hóa quan hệ 2 quốc gia. Đồng thời mong muốn thúc đẩy quan hệ hai quốc gia với hàng trăm tỷ USD, tiếp tục thúc đẩy sự tăng trưởng thương mại giữa hai nước”, Phó Chủ tịch AmCham khẳng định.

"Chúng tôi mong muốn tiếp tục phát triển lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Chúng tôi cũng đã gắn kết với các cơ quan của Việt Nam trong đóng góp xây dựng quy hoạch điện VIII", bà Virginia Foote nói thêm.

Đặc biệt, vị Phó Chủ tịch AmCham cho biết, các doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng bày tỏ quan tâm đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển giáo dục và vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Chia sẻ tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay, song song với sự phát triển của Việt Nam, mối quan hệ của Việt Nam - Hoa Kỳ cũng tiến triển rất nhanh. 

“Chúng ta thấy khi chưa có Hiệp định thương mại tự do 2 nước, kim ngạch thương mại chưa tới 500 triệu USD/năm, tới năm 2021 thương mại hai chiều của hai nước đạt 110 tỷ USD trong bối cảnh khó khăn, Hoa Kỳ trở thành nước thứ hai có kim ngạch thương mại hai chiều trên 100 tỷ USD với Việt Nam”, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chia sẻ với các doanh nghiệp Hoa Kỳ, năm 2022 ngoài xác định 3 đột phá chiến lược, Việt Nam dành ngân sách 4% GDP để phục hồi phát triển kinh tế xã hội 2022-2023. Tập trung các lĩnh vực như năng lực kinh tế dự phòng, cơ sở; an sinh xã hội lấy người dân là trung tâm, động lực, chủ thể cho sự phát triển của xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp bằng lãi suất, bằng phí, giá điện, giá viễn thông các loại lệ phí cho doanh nghiệp và hồi phục…mục tiêu phục hồi nhanh và phát triển bền vững.

Về chống biến đổi khí hậu, là 1 trong những nước chịu tác động lớn nhất về biến đổi khí hậu, Việt Nam tiếp cận vấn đề này theo tính toàn cầu và cách đó là kêu gọi sự đoàn kết quốc tế để cùng chống biến đổi, kêu gọi công bằng công lý trong chống biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, liên quan đến chuyển đổi số, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định đây là tất yếu khách quan trong xu thế phát triển hiện nay, đặc biệt qua đại dịch Covid-19, chuyển đổi số là rất quan trọng.

Thủ tướng khẳng định mối quan hệ hợp tác của hai nước với những vấn đề mà Thủ tướng vừa nêu cũng là mối quan tâm của doanh nghiệp Hoa Kỳ. Đồng thời, quan hệ kinh tế thương mại giữa hai bên phải hài hòa về lợi ích.

https://cafef.vn/my-muon-day-manh-dau-tu-vao-linh-vuc-nao-o-viet-nam-trong-tuong-lai-20220308164242461.chn

Giang Anh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên