Mỹ muốn gì khi liệt nhiều cơ sở nghiên cứu của Huawei vào danh sách đen?
Song song với việc hoãn lệnh cấm với Huawei thêm 90 ngày, chính phủ Mỹ đưa thêm 11 cơ sở nghiên cứu của công ty này trên toàn cầu vào danh sách cấm vận thương mại...
Chính phủ Mỹ mới đây đưa hơn 20% các trung tâm sáng tạo và nghiên cứu phát triển toàn cầu của Huawei Technologies vào danh sách đen cấm vận thương mại. Đây là động thái mới nhất của Mỹ nhắm vào hãng công nghệ Trung Quốc, được cho là sẽ gây cản trở khả năng sáng tạo đổi mới của Huawei.
Ít nhất 11 cơ sở nghiên cứu chính của Huawei, bao gồm các cơ sở tại Anh và Italy, bị đưa vào danh sách mới gồm 46 thực thể mà các công ty Mỹ không được phép giao dịch thương mại nếu chưa được chính phủ thông qua.
Song song với đó, ngày thứ Hai (19/8), Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố hoãn lệnh cấm đối với Huawei thêm 90 ngày, đồng nghĩa nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới này có thể tiếp tục mua hàng hóa và dịch vụ của các công ty Mỹ.
Gia tăng áp lực
Theo các nhà phân tích, việc Washington liệt các cơ sở nghiên cứu toàn cầu của Huawei vào danh sách cấm sẽ làm gia tăng áp lực lên tập đoàn này, trong bối cảnh hãng công nghệ Trung Quốc đang phải ứng phó với những trở ngại khi bị đưa vào danh sách cấm vận thương mại lần đầu tiên hồi tháng 5. Trong công bố trước đó, chỉ có một cơ sở nghiên cứu tại Bỉ của Huawei bị liệt vào danh sách đen.
"Động thái này cho thấy chính phủ Mỹ đang tăng cường áp lực đối với Huawei", Chiu Shih-fang, nhà phân tích công nghệ của Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan, nhận định. "Việc bị cấm vận thương mại có thể làm chậm lại hoạt động nghiên cứu và phát triển của Huawei bởi những cơ sở này sẽ không thể tiếp cận với các công nghệ của Mỹ"
Việc bị đưa vào danh sách đen "làm hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ Mỹ của Huawei. Việc hoãn lệnh cấm thêm 90 ngày không phải là dấu hiệu cho thấy chính phủ Mỹ có ý định nới lỏng kiểm soát với công ty này", Dan Wang, nhà phân tích công nghệ tại Gavekal Dragonomics, cho biết.
11 cơ sở nghiên cứu mới bị đưa vào danh sách đen của Huawei bao gồm trung tâm tại Milan (Italy) và một trung tâm khác ở Anh. Trong đó, trung tâm ở Milan là cơ sở nghiên cứu toàn cầu đầu tiên của Huawei, nơi một trong những nhà khoa học xuất sắc nhất của công ty - Renato Lombardi - đang nghiên cứu công nghệ siêu âm sử dụng trong liên lạc vệ tinh và di động. Còn cơ sở tại Anh chuyên nghiên cứu các thiết bị quang tử.
Danh sách này cũng bao gồm các cơ sở nghiên cứu tại Trung Quốc của Huawei, bao gồm ở Bắc Kinh - nơi Huawei gọi là cơ sở thử nghiệm thiết bị định tuyến lớn nhất thế giới và Trung tâm Nghiên cứu Thành Đô - nơi phát triển công nghệ lưu trữ.
Ngày 20/8, Huawei lên tiếng chỉ trích động thái của Bộ Thương mại Mỹ mang động cơ chính trị. Công ty này nói rằng "việc Washington cố gắng để kìm hãm hoạt động kinh doanh của Huawei cũng không giúp Mỹ đạt được vị trí dẫn đầu về công nghệ".
Không chừa lối thoát
Trong khi đó, phía Mỹ nói rằng danh sách cấm vận thương mại mới là cần thiết để đảm bảo những biện pháp hạn chế được áp dụng trước đó có hiệu quả.
"Bộ Thương mại Mỹ đưa thêm các trung tâm nghiên cứu của Huawei vào danh sách để ngăn chặn việc tập đoàn này tìm cách lách lệnh cấm", Timothy Heath, nhà nghiên cứu quốc phòng quốc tế tại RAND Corp nhận định. "Động thái này sẽ kìm hãm hơn nữa khả năng tiếp cận công nghệ và dịch vụ Mỹ của Huawei".
Theo các nhà phân tích, Mỹ có vẻ đang muốn mở rộng phạm vi chiến dịch chống lại công nghệ của Huawei khi lần đầu tiên "thúc giục người tiêu dùng thôi dùng các thiết bị của Huawei" trong thông cáo của Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross hôm 19/8. Đến nay, Washington mới chỉ coi thiết bị viễn thông của Huawei là mối đe dọa cho an ninh quốc gia nhưng chưa nhắm tới di động thông minh và các sản phẩm điện tử tiêu dùng khác.
Trước động thái hôm thứ Hai, vào ngày Chủ nhật (18/8), Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh rằng Huawei là mối đe dọa cho an ninh quốc gia và nói rằng Mỹ "không muốn làm ăn với Huawei".
Theo luật sư, nhà tư vấn rủi ro chính trị Ross Darrell Feingold, chắc chắn chính phủ Mỹ sẽ khuyến khích người tiêu dùng dừng mua các thiết bị của Huawei. Mỹ sẽ không dễ dàng từ bỏ các biện pháp cấm vận lên Huawei - công ty đại diện cho sự phát triển nhanh chóng về công nghệ của Trung Quốc, Feingold nhận định.
"Kể cả khi Mỹ và Trung Quốc đạt được một thỏa thuận thương mại trong ngắn hoặc trung hạn, vị trí của Huawei trong mắt chính phủ Mỹ vẫn sẽ không thay đổi trong dài hạn", ông Feingold nhận xét. "Các tiếp cận vấn đề Trung Quốc của chính quyền ông Trump đồng nghĩa với việc gây áp lực trên nhiều mặt trận, bao gồm thương mại, nghiên cứu phát triển, quân sự… Huawei là một trong số nhiều điểm áp lực mà Mỹ nhắm vào Trung Quốc".
Động thái mới nhất của Washington được dự báo sẽ gây tác động lớn tới Huawei khi tập đoàn này mới rót hàng tỷ USD vào các cơ sở nghiên cứu tại Italy và Anh.
Những đầu tư vào nghiên cứu và phát triển đã giúp Huawei vượt xa nhiều đối thủ, thúc đẩy mở rộng mảng kinh doanh điện thoại thông minh và thiết bị viễn thông của công ty này. Việc nghiên cứu và phát triển cũng đóng vai trò quan trọng với Huawei nhằm tự chủ và giảm sự phụ thuộc vào công nghệ của Mỹ. Hiện tại, các cơ sở nghiên cứu của Huawei đang có gần 90.000 lao động, chiếm khoảng 45% lực lượng lao động của tập đoàn này.
Năm ngoái, Huawei đầu tư 101,5 tỷ Nhân dân tệ (14,37 tỷ USD) cho hoạt động này, tương đương 14,1% doanh thu. Trong 10 năm qua, công ty này đã đầu tư hơn 480 tỷ Nhân dân tệ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển. Theo số liệu trong cuốn sách được Huawei xuất bản vào năm 2017, tập đoàn này sở hữu 15 trung tâm nghiên cứu và 28 trung tâm chuyên môn trên toàn cầu.
VnEconomy