Mỹ phẩm made in Việt Nam xuất hiện trên Amazon
Mỹ phẩm mang thương hiệu Việt đã đến với tay người tiêu dùng toàn cầu nhờ việc xuất khẩu qua Amazon.
Cơ hội của mỹ phẩm Việt
Ngày 4/12, Bộ Công Thương và Amazon Global Selling đã phối hợp tổ chức Hội nghị thượng đỉnh thương mại điện tử xuyên biên giới, với sự góp mặt của 2.500 cá nhân, doanh nghiệp.
Tại Hội nghị, tập đoàn Amazon đã lựa chọn 20 doanh nghiệp tiên phong để giới thiệu cùng khách mời với các dòng sản phẩm khác nhau như: May mặc, giày da, thủ công mỹ nghệ…, đáng chú ý trong số đó có sản phẩm son môi từ chocolate made in Việt Nam là đại diện cho một trong các nhãn hàng tiêu biểu bán hàng hiệu quả trên Amazon. Điều này cho thấy ngành công nghiệp mỹ phẩm tuy có "sinh sau, đẻ muộn" nhưng đang có những bước phát triển rõ rệt và đây cũng là một tín hiệu đáng mừng cho ngành mỹ phẩm Việt.
Từ đầu năm tới nay, Cục Xúc tiến thương mại bộ Công thương đã phối hợp cùng với Amazon hỗ trợ cho 100 doanh nghiệp của Việt Nam phát triển thương hiệu trên sàn TMĐT này. Thông qua đó, các mặt hàng mang thương hiệu Việt có thể tiếp cận được hơn 300 triệu tài khoản người mua trên toàn cầu, trong đó có hơn 100 triệu khách hàng thành viên cao cấp tại nhiều thị trường khác nhau cùng hàng triệu đại lý mua hàng sỉ ở Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.
Theo Báo cáo Chỉ số TMĐT Việt Nam, TMĐT xuyên biên giới đã trở thành một kênh quan trọng cho việc xuất khẩu và hiện có 32% DN nhỏ và vừa Việt Nam đã thiết lập quan hệ kinh doanh với đối tác nước ngoài thông qua các kênh trực tuyến. Theo đánh giá, nếu vẫn giữ tốc độ tăng trưởng 30% như hiện nay thì đến năm 2020, TMĐT Việt Nam sẽ đạt doanh thu lên tới 13 tỷ USD.
Tham dự và phát biểu tại Hội nghị ngày 4/12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, việc đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại qua TMĐT được coi là một kênh quan trọng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước. Việc hợp tác cùng đối tác quốc tế trong lĩnh vực TMĐT, trong đó có Amazon đã giúp cung cấp các giải pháp cũng như đào tạo doanh nghiệp ứng dụng CNTT trong việc xúc tiến thương mại, giúp DN hoạt động chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.
Còn đại diện của Tập đoàn Amazon cũng cho hay, việc ký kết biên bản hợp tác này Bộ Công Thương Việt Nam sẽ cùng Amazon sẽ cùng hỗ trợ doanh nghiệp VN trong việc phát triển xuất khẩu, đào tạo đội ngũ nhân viên và xây dựng thương hiệu VN trên toàn cầu cũng như đề xuất những chính sách quản lý hệ sinh thái TMĐT phù hợp.
Làm thế nào để xuất khẩu hàng hóa qua nền tảng TMĐT?
Là 1 trong 20 thương hiệu tiêu biểu được Amazon lựa để giới thiệu với 2.500 cá nhân, doanh nghiệp tại Hội nghị Thượng đỉnh xúc tiến TMĐT xuyên biên giới Amazon Global Selling, với dòng sản phẩm son môi độc đáo từ chocolate đen nguyên chất, ông Trần Văn Tuấn – Tổng Giám đốc Công ty TNHH TAME Việt Nam – Đơn vị chủ quản thương hiệu mỹ phẩm KYS nhận định: "Việc bán hàng trên các sàn TMĐT không chỉ ở Việt Nam mà còn các sàn TMĐT trên thế giới là xu thế và là cơ hội rất lớn giúp các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tăng trưởng doanh thu, quảng bá thông tin và tiếp thị cho thị trường toàn cầu với chi phí thấp".
Hội nghị Thượng đỉnh TMĐT Xuyên biên giới Amazon Global Selling thu hút được đông đảo cá nhân, doanh nghiệp
Amazon tuy được coi là "vùng đất màu mỡ" để các doanh nghiệp Việt Nam khai thác nhưng thực tế, bên cạnh việc nhiều doanh nghiệp chưa nắm bắt cơ hội để vận dụng TMĐT vào bán hàng thì cũng không ít doanh nghiệp chưa đáp ứng được những quy chuẩn về thương hiệu, chất lượng và nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm của Amazon.
Theo ông Tuấn, trước một thị trường mỹ phẩm hết sức cạnh tranh của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, để đưa sản phẩm mỹ phẩm Việt đến với quốc tế thông qua sàn TMĐT toàn cầu Amazon, không chỉ phải vượt qua mọi yêu cầu khắt khe về sản phẩm từ chất lượng đến bao bì mẫu mã, nghiên cứu nhu cầu sao cho phù hợp với thị hiếu của khách hàng quốc tế, mà còn phải nâng cao mọi quy trình vận hành trong tổ chức để phù hợp với việc kinh doanh trên thị trường thế giới.
"Chúng tôi cũng có thuận lợi khi được là 1 trong 100 doanh nghiệp được Bộ Công Thương hỗ trợ xúc tiến thương mại trên Amazon và sản phẩm của chúng tôi có một sự khác biệt và độc đáo nhất định nên được đông đảo khách hàng thế giới quan tâm" - ông Tuấn nói.
Sản phẩm son môi thương hiệu Việt được làm từ cacao của KYS được người tiêu dùng thế giới đón nhận
Đại diện thương hiệu mỹ phẩm KYS chia sẻ thêm, những hạt cacao của Việt Nam được đánh giá là loại nông sản chất lượng nhất thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam lại chỉ được biết đến là nơi trồng và sản xuất hạt cacao thô, chính vì thế thu nhập của người nông dân còn thấp, KYS mong muốn nâng cao giá trị của hạt cacao Việt qua từng sản phẩm, từ đó khôi phục lại hệ sinh thái cacao của Việt Nam góp phần nâng cao đời sống của người nông dân.
"Trong sản phẩm của chúng tôi, Chocolate đen nguyên chất chiếm đến 92% thành phần của những thỏi son socola của KYS có những ưu điểm nổi trội như khả năng triệt tiêu kim loại nặng khiến hàm lượng chì trong son gần như bằng 0 nên không gây thâm bợt môi, chất flavonoid có khả năng dưỡng và làm hồng môi sau một thời gian sử dụng, đặc biệt là mùi hương hạnh phúc khiến người phụ nữ giải tỏa stress. Đó cũng chính là những ưu điểm khác biệt khiến sản phẩm của chúng tôi có thể đi nhanh trên thị trường quốc tế" - ông Tuấn cung cấp thêm thông tin.
Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ngành công nghiệp mỹ phẩm của Việt Nam đang trên đà tăng trưởng tốt, năm 2016 doanh thu từ mỹ phẩm đạt trên 1,2 tỷ USD, năm 2018 con số này đã là 2,3 tỷ USD. Cùng với đó, châu Á được đánh giá là thị trường làm đẹp thuộc top tăng trưởng nhanh chỉ sau châu Âu, đây chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp mỹ phẩm của Việt Nam tiến sâu hơn vào thị trường thế giới.