Mỹ quyết liệt can thiệp, OPEC+ chốt được thỏa thuận lịch sử
Vào cuối tuần trước, các cuộc đối thoại đã suýt đổ vỡ khi mà Mexico phản đối. Tuy nhiên sau một tuần các nỗ lực ngoại giao được đưa ra, cuối cùng các bên đã đi đến được thỏa thuận.
- 12-04-2020Thế giới nỗ lực tìm thỏa thuận cứu giá dầu
- 10-04-2020Mexico thoát khỏi cuộc đàm phán trực tuyến của OPEC+, thỏa thuận dầu mỏ Nga - Ả rập Xê út bị đe dọa
- 07-04-2020Lý do đặc biệt khiến Nga và Ả Rập Xê Út sẵn sàng để giá dầu lao dốc
Các nước sản xuất năng lượng hàng đầu thế giới mới đây đã chốt được một thỏa thuận lịch sử để giảm sản lượng nhằm chấm dứt cuộc chiến giá dầu giữa Saudi Arabia và Nga.
Trong một tuần dài vừa qua, các nước trong nhóm nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới và nhóm các nước G-20 đã có nhiều cuộc gọi video song phương, cuối cùng, họ đã chốt được thỏa thuận nhằm giảm tác động của đại dịch lên nhu cầu năng lượng.
Tuy nhiên, thỏa thuận giảm sản lượng mới nhất, dù rằng mức giảm chưa từng có tiền lệ, vẫn không đủ để làm tăng giá dầu như kỳ vọng khi mà nhà đầu tư tính toán lại về các yếu tố nguồn cung dầu.
Vào cuối tuần trước, các cuộc đối thoại đã suýt đổ vỡ khi mà Mexico phản đối. Tuy nhiên sau một tuần các nỗ lực ngoại giao được đưa ra, cuối cùng các bên đã đi đến được thỏa thuận. Tổng thống Mỹ Donald Trump đồng thời nỗ lực can thiệp nhằm đi đến được thỏa thuận cuối cùng.
Trưởng bộ phận phân tích hàng hóa tại Citigroup, ông Ed Morse, nhận xét: “Các biện pháp chưa từng có tiền lệ mới được áp dụng cho khoảng thời gian chưa từng có tiền lệ. Các bên đã có các cuộc đối thoại chưa từng có tiền lệ về giảm sản lượng dầu, Mỹ đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa Saudi Arabia và Nga nhằm có được thỏa thuận mới của OPEC+”.
Cụ thể, OPEC+ sẽ cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng dầu/ngày, thấp hơn chút so với đề xuất ban đầu là 10 triệu thùng dầu/ngày.
Thái tử và là Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, ông Abdulaziz bin Salman, nói với Bloomberg: “Chúng tôi đã thể hiện rất rõ ràng rằng OPEC+ vẫn đang tồn tại. Tôi vô cùng hạnh phúc với thỏa thuận mới này”.
Thỏa thuận mới nhất đã khép lại 1 tháng đầy biến động sau khi giá dầu Brent, giá dầu chuẩn của thế giới, rớt xuống mức thấp nhất trong gần 2 thập kỷ, rơi xuống gần mức 20USD/thùng. Trước đó đã có lúc giá dầu lên trên mức 70USD/thùng. Các bộ trưởng thuộc OPEC+ đã cố gắng hết sức để chốt được thỏa thuận, chỉ chưa đầy 4 tiếng trước khi thị trường mở cửa trở lại.
Khi mà đại dịch Covid-19 đang làm tê liệt giao thông đi lại bằng đường hàng không và đi lại đường bộ, nhu cầu với các sản phẩm năng lượng cũng đồng loạt giảm. Điều này đe dọa đến tương lai của ngành dầu đá phiến Mỹ, sự ổn định của các nước phụ thuộc vào năng lượng cũng như bóp nghẹt dòng tiền kinh doanh xăng dầu trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm.
BizLive