MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỹ ra 'tối hậu thư' với đồng minh NATO: Hạn chế xuất khẩu quân sự sang Nga hoặc đối mặt hậu quả

08-08-2024 - 15:36 PM | Tài chính quốc tế

Mỹ đã cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ rằng sẽ có "hậu quả" nếu không hạn chế xuất khẩu sang Nga các mặt hàng liên quan đến quân sự của Mỹ, vốn rất quan trọng với cỗ máy chiến tranh của Moscow.

Tờ Financial Times (Anh) ngày 7/8 đưa tin, Matthew Axelrod - Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Mỹ phụ trách việc ngăn chặn công nghệ nhạy cảm rơi vào tay các đối thủ của Mỹ - gần đây đã gặp các quan chức và giám đốc điều hành Thổ Nhĩ Kỳ tại Ankara và Istanbul như một phần của nỗ lực ngăn chặn hoạt động buôn bán bất hợp pháp những hàng hóa này.

Mỹ ra 'tối hậu thư' với đồng minh NATO: Hạn chế xuất khẩu quân sự sang Nga hoặc đối mặt hậu quả- Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: Getty

Theo quan chức cấp cao của Bộ thương mại Mỹ này, thông điệp của ông là Thổ Nhĩ Kỳ phải nỗ lực hơn nữa để hạn chế hoạt động buôn bán chip có nguồn gốc từ Mỹ và các mặt hàng khác đóng vai trò then chốt đối với cuộc chiến của Nga tại Ukraine.

"Chúng tôi [Mỹ] cần Thổ Nhĩ Kỳ giúp chúng tôi ngăn chặn dòng chảy bất hợp pháp của công nghệ Mỹ vào Nga", ông Axelrod cho biết trong một tuyên bố với Financial Times.

"Chúng tôi cần thấy sự tiến triển và nhanh chóng từ chính quyền và ngành công nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ, nếu không chúng tôi sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc áp đặt hậu quả đối với những bên trốn tránh biện pháp kiểm soát xuất khẩu của chúng tôi", ông Axelrod nói thêm.

Theo Financial Times, cảnh báo của Washington là dấu hiệu mới nhất cho thấy quyết định duy trì quan hệ thương mại chặt chẽ với Nga của Thổ Nhĩ Kỳ đã ảnh hưởng xấu tới mối quan hệ giữa hai đồng minh NATO là Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Mỹ, EU và các đối tác phương Tây khác đã áp đặt các lệnh trừng phạt toàn diện đối với Nga kể từ khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào năm 2022; nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đã né tránh các lệnh trừng phạt và tăng cường thương mại với Nga kể từ khi xung đột nổ ra.

Nguồn cung cấp lớn thứ hai thế giới

Theo Financial Times, Mỹ đặc biệt lo ngại rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành một trung tâm quan trọng mà qua đó các thiết bị điện tử do phương Tây sản xuất, bao gồm bộ xử lý, thẻ nhớ và bộ khuếch đại, đang được đưa đến Nga để lắp đặt vào tên lửa và máy bay không người lái, né tránh các biện pháp kiểm soát xuất khẩu. Máy công cụ cũng là một lĩnh vực đáng quan tâm khác.

Brian Nelson - Thứ trưởng Tài chính Mỹ phụ trách khủng bố và tình báo tài chính - từng bày tỏ sự thất vọng về hoạt động buôn bán hàng hóa liên quan đến quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trong chuyến thăm nước này vào cuối năm ngoái.

Mỹ, EU, Anh và Nhật Bản đã cùng nhau nhắm mục tiêu vào hoạt động buôn bán khoảng 50 loại sản phẩm dân sự có ứng dụng quân sự, mà các nước này coi là ưu tiên hàng đầu đối với chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.

Theo Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Mỹ Axelrod, Thổ Nhĩ Kỳ là nguồn cung cấp lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc, về hàng hóa có nguồn gốc từ Mỹ được ưu tiên gửi đến Nga.

Ông Axelrod cho biết, ông đã nói với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ rằng hoạt động buôn bán này là một "vấn đề cấp bách", đồng thời kêu gọi Ankara "áp dụng và thực thi lệnh cấm vận chuyển các mặt hàng do Mỹ kiểm soát sang Nga". Ông nói thêm rằng Moscow đang "cố gắng lợi dụng chính sách thương mại của Thổ Nhĩ Kỳ" để tiếp cận các linh kiện của Mỹ.

Vì hoạt động buôn bán này, Bộ Thương mại Mỹ đã thêm 18 công ty Thổ Nhĩ Kỳ vào một "danh sách các thực thể" mà công ty Mỹ phải có giấy phép đặc biệt mới có thể giao thương, liên quan tới các sản phẩm linh kiện nhạy cảm.

Ông Axelrod cho biết: "Có thể sẽ có nhiều hơn thế nữa trừ khi và cho đến khi có tiến triển".

Theo Financial Times, Bộ Tài chính Mỹ đã áp dụng lệnh trừng phạt riêng đối với nhiều công ty Thổ Nhĩ Kỳ vì bị cáo buộc cung cấp hàng hóa cho ngành công nghiệp quốc phòng Nga.

Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ từ chối bình luận về các cáo buộc của Mỹ.

Mỹ ra 'tối hậu thư' với đồng minh NATO: Hạn chế xuất khẩu quân sự sang Nga hoặc đối mặt hậu quả- Ảnh 2.

Trong 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa liên quan đến quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đạt 85 triệu USD. Ảnh: Getty

Một phần của 'hoạt động buôn bán ma'

Hoạt động xuất khẩu hàng hóa liên quan đến quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, được gửi đến Nga hoặc đến các bên trung gian bị nghi ngờ giúp cho Moscow như Azerbaijan và Kazakhstan, đã tăng trưởng mạnh kể từ khi xung đột bắt đầu. Theo tính toán của Financial Times dựa trên dữ liệu hải quan Thổ Nhĩ Kỳ, trong 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu đạt 85 triệu USD, cao hơn nhiều so với mức 27 triệu USD trong cùng kỳ năm 2022.

Theo Financial Times, phần lớn trong số các luồng hàng này có thể là một phần của "hoạt động buôn bán ma" khi hàng hóa bị mất tích và không bao giờ được nhập vào thị trường được cho là chúng sẽ đến. Sự gia tăng lớn trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa nhạy cảm của Thổ Nhĩ Kỳ sang Azerbaijan, Kazakhstan và Kyrgyzstan không dẫn đến sự gia tăng nhập khẩu các mặt hàng như vậy được báo cáo tại các quốc gia đó.

Tuy nhiên, xuất khẩu hàng hóa liên quan đến quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ dường như đã giảm bớt phần nào so với mức cao nhất vào năm 2023. Bộ Tài chính Mỹ đã quy sự sụt giảm này cho một sắc lệnh hành pháp của chính quyền Tổng thống Joe Biden cho phép Mỹ đối xử với bất kỳ công ty tài chính nước ngoài nào giao dịch với một thực thể Nga bị trừng phạt như thể họ đang làm việc trực tiếp với cơ sở công nghiệp quân sự của Nga.

Theo ông Axelrod, lập trường cứng rắn này cũng làm tăng mạnh chi phí mà Nga phải trả để nhập khẩu hàng hóa có nguồn gốc Mỹ từ Thổ Nhĩ Kỳ. Ông nói thêm: "Đã có một số tiến bộ gần đây… nhưng vẫn chưa đủ, vì số lượng vẫn còn quá lớn."

Theo Hữu Hiển

Đời sống Pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên