MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỹ sắp tung 2 cú đấm sấm sét, Trung Quốc sẽ càng đơn thương độc mã?

13-06-2019 - 12:11 PM | Tài chính quốc tế

"Các trung tâm bồi dưỡng hoàn toàn không giống một số hãng thông tấn mô tả như là nơi ngược đãi học viên, hạn chế tự do. Trung tâm giống như trường học nội trú, mà học viên được ăn ở miễn phí, học ngôn ngữ, pháp luật và các kỹ năng," chủ tịch Tân Cương nói trong cuộc họp báo.

Cây gậy “nhân quyền”

Trong khi giới chuyên gia, học giả Trung Quốc vẫn đang loay hoay có nên sử dụng đất hiếm, bán trái phiếu chính phủ Mỹ làm quân bài trả đũa Mỹ hay không, gần đây, nhiều cơ quan truyền thông quốc tế đưa tin về khả năng Mỹ trừng phạt 5 công ty Trung Quốc đầu tư sản xuất thiết bị giám sát, trong đó có công ty thiết bị giám sát Hikvision - với cáo buộc sản phẩm của các công ty này bị cáo buộc “giúp” chính phủ Trung Quốc hạn chế tự do của người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Nếu thông tin trên là được xác nhận, điều đó có nghĩa chính quyền Donald Trump chuẩn bị tung quân bài mới kiềm chế Trung Quốc: Cây gậy “nhân quyền”.

Đầu tiên vào ngày 22/5, tờ New York Times đưa tin chính quyền Trump đang xem xét khả năng đưa Hikvision vào danh sách đen, ngăn chặn doanh nghiệp này mua công nghệ Mỹ.

Tiếp đó vào ngày 23/5, hãng Bloomberg đưa tin phía Mỹ dự định sẽ trừng phạt 5 hãng công nghệ sản xuất kinh doanh thiết bị giám sát. Những cái tên được nhắc tới ngoài Hikvision còn có Dahua ở Chiết Giang, Meiya Pico ở Hạ Môn, Megvii ở Bắc Kinh và Iflytek ở Hợp Phì.

Chuyện không phải bỗng dưng mà có, nhất là khi nó được hai cơ quan truyền thông lớn của Mỹ đăng tải dựa trên thông tin có được từ nguồn tin khả tín. Nếu thông tin trên là thật thì đây sẽ là lần đầu tiên kể từ khi chiến tranh thương mại bùng nổ vào năm 2018 tới nay, phía Mỹ áp dụng biện pháp trừng phạt doanh nghiệp Trung Quốc với lý do xâm phạm nhân quyền.

Trên thực tế, khi mới lên cầm quyền, ông Trump rất ít khi đề cập tới vấn đề tự do và nhân quyền. Nhưng từ đầu năm 2018, tình hình đã thay đổi khi Nhà Trắng tuyên bố: Thúc đẩy nhân quyền là điều không thể thiếu trong nghị trình “Nước Mỹ trên hết”. Sau đó vào tháng 6/2018, Nhà Trắng lại kêu gọi Liên hợp quốc tiến hành “cải cách có ý nghĩa” về nhân quyền và nếu điều đó được thực hiện, Mỹ sẽ tham gia trở lại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Đáng chú ý là khi chính quyền Donald Trump bất ngờ coi trọng vấn đề nhân quyền, va chạm thương mại Mỹ-Trung đang trong giai đoạn “tích lũy về lượng” chuẩn bị “chuyển đổi về chất”. Dường như giữa chúng tồn tại mối quan hệ khá tế nhị. Nhận định này đã được chứng minh bằng thực tế diễn ra sau đó.

Ngày 6/7/2018, chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chính thức bùng nổ với việc Mỹ bắt đầu áp thuế trừng phạt 25% đối với 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc đầu tiên còn Bắc Kinh lập tức trả đũa tương xứng. 10 ngày sau, trong một cuộc hội thảo ở Washington, Dialogue China - một cơ quan tư vấn mới thành lập ở Mỹ, đã chỉ rõ vấn đề nhân quyền Trung Quốc có quan hệ chặt chẽ với chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.

Không thể phủ nhận chiến tranh thương mại là “con dao hai lưỡi”, hại người những cũng khiến chính mình bị tổn thương, do đó gây ra không ít tranh cãi. Nhưng nếu lấy lý do “bảo vệ nhân quyền” mà trừng phạt kinh tế, Washington sẽ có điểm tựa đạo đức để thuyết phục dư luận.

Đó là chưa nói tới lâu nay vấn đề nhân quyền luôn là bất đồng lớn giữa Trung Quốc và phương Tây. Cho nên, việc đưa cây gậy “nhân quyền” vào rổ công cụ kiềm chế Trung Quốc sẽ giúp Mỹ có thêm được đồng minh, hình thành mặt trận chung chống Trung Quốc.

Mỹ sắp tung 2 cú đấm sấm sét, Trung Quốc sẽ càng đơn thương độc mã? - Ảnh 1.

Bí thư Tân Cương Trần Toàn Quốc (trái) và chủ tịch Khu tự trị Shohrat Zakir trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh, tháng 3/2019 (Ảnh: EPA-EFE)

Trước khi xuất hiện đồn đoán về việc Mỹ sẽ trừng phạt một số hãng công nghệ Trung Quốc vì lý do nhân quyền, vào tháng 8/2018, thượng nghị sĩ bang Florida Marco Rubio thuộc đảng Cộng hòa cùng 16 nghị sĩ thuộc 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ đã gửi thư tới Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin yêu cầu chính phủ Mỹ phải quan tâm tới vấn đề “trại giáo dục cải tạo” ở Tân Cương, tiến hành trừng phạt kinh tế đối với Trung Quốc để ngăn chặn nước này tiếp tục hạn chế tự do của người Duy Ngô Nhĩ.

Chính phủ Trung Quốc bác bỏ toàn bộ báo cáo của phương Tây và khẳng định ở khu tự trị này chỉ có các trung tâm bồi dưỡng, mà học viên không bị hạn chế tự do.

Tham dự kỳ họp Lưỡng hội (họp Quốc hội và Chính hiệp Trung Quốc) thường niên hồi tháng 3, người đứng đầu chính quyền khu tự trị Tân Cương Shohrat Zakir nói "hoan nghênh các phóng viên từ nước ngoài tự mình đến trải nghiệm, cảm nhận và du lịch ở Tân Cương".

Theo ông này, kể từ cuối năm 2018 đã có hơn mười đoàn khách nước ngoài thăm Tân Cương và được tham quan các "trung tâm giáo dục đào tạo kỹ năng nghề" mà nhà chức trách lập ra, cũng như giao lưu với học viên tại đây.

"Các trung tâm bồi dưỡng hoàn toàn không giống một số hãng thông tấn mô tả như là nơi ngược đãi học viên, hạn chế tự do. Trung tâm giống như trường học nội trú, mà học viên được ăn ở miễn phí, học ngôn ngữ, pháp luật và các kỹ năng," chủ tịch Tân Cương nói trong cuộc họp báo.

Nhà Trắng và Đồi Capitol có thể đã sớm đạt được nhận thức chung ngầm về việc sử dụng vấn đề nhân quyền trong chiến tranh thương mại. Cho nên, có thể dự đoán nếu chính quyền Donald Trump thực sự sẽ trừng phạt kinh tế Trung Quốc với lý do bảo vệ tự do cho tín đồ đạo Hồi ở Tân Cương, trong tương lai cây gậy “nhân quyền” sẽ được tăng cường sử dụng để kiềm chế Trung Quốc. Nhưng nó sẽ khiến quan hệ Mỹ-Trung càng trở nên mù mịt hơn.

Trong phản ứng mới nhất liên quan đến những phát ngôn của ngoại trưởng Pompeo về các "trại cải huấn" người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 11/6 tuyên bố hành động phát tán thông tin không có thực của ông Pompeo cho thấy ông "thiếu nhận thức và hiểu biết cơ bản nhất về Tân Cương, Trung Quốc".

Ông Cảnh chỉ trích ngoại trưởng Mỹ có ý định "ngông cuồng viện cái mũ nhân quyền, tôn giáo để can thiệp công việc nội bộ của Trung Quốc". Ông tái khẳng định không có sự tồn tại các "trại cải huấn" ở Tân Cương, đồng thời người dân các dân tộc khác nhau ở đây được hưởng đầy đủ quyền tự do và tín ngưỡng tôn giáo, trong khi văn hóa của người Duy Ngô Nhĩ được gìn giữ và phát triển có hiệu quả.

Hồi tháng 4, ông Cảnh Sảng cũng tuyên bố Bắc Kinh "kiên quyết phản đối bất kỳ bên nào lợi dụng nhân quyền làm cái cớ để can thiệp nội chính của Trung Quốc".

Mỹ sắp tung 2 cú đấm sấm sét, Trung Quốc sẽ càng đơn thương độc mã? - Ảnh 2.

Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer (phải) cùng các quan chức chính quyền Trump tiếp xúc đoàn đại biểu Trung Quốc do phó thủ tướng Lưu Hạc (trái) dẫn đầu tại Nhà Trắng, tháng 1/2019 (Ảnh: Andrew Harnik/AP Photo)

Cú đấm “tỷ giá”

Theo một đạo luật vào năm 1988, Bộ Tài chính Mỹ cứ 6 tháng một lần trình Quốc hội nước này một báo cáo xác định xem có quốc gia nào thao túng tiền tệ để giành lợi thế cạnh tranh với Mỹ hay không. Việc một quốc gia nào đó bị gắn mác “thao túng tiền tệ” có thể dẫn tới các biện pháp trừng phạt thương mại.

Trong báo cáo trình lên Quốc hội ngày 28/5 vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ đã bỏ Ấn Độ và Thụy Sỹ ra khỏi danh sách các quốc gia bị theo dõi về tỷ giá, trong khi Trung Quốc vẫn tiếp tục nằm trong danh sách này.

Như vậy, trải qua 5 kỳ báo cáo, chính quyền Trump vẫn chưa coi Trung Quốc là nước “thao túng tiền tệ” dù trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, ông Trump thề rằng sẽ công bố Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ ngay sau khi lên cầm quyền. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Mỹ tiếp tục làm ngơ trước sự mất giá của đồng Nhân dân tệ (NDT) trong chiến tranh thương mại.

Theo tờ Federal Register, Bộ Thương mại Mỹ đang nghiên cứu cho phép các doanh nghiệp đóng trụ sở ở Mỹ tìm kiếm khả năng áp thuế chống trợ cấp đối với các sản phẩm nhập khẩu từ các nước bị Bộ Tài chính Mỹ xác nhận là đã phá giá đồng nội tệ để giành lợi thế cạnh tranh. Tới nay, chưa có nước nào bị Bộ Tài chính Mỹ cho vào danh sách “thao túng tiền tệ”, nhưng trong tương lai tiêu chuẩn xác định hành vi “thao túng tiền tệ” sẽ được nới rộng hơn.

Và sự thay đổi này, theo Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross, sẽ khiến các nhà xuất khẩu nước ngoài phải ý thức được rằng Bộ này có thể trả đũa chính sách tỷ giá gây tổn hại cho ngành công nghiệp Mỹ. Đồng thời, các nước sẽ không thể tiếp tục lợi dụng chính sách tiền tệ để đẩy công nhân và doanh nghiệp Mỹ vào thế bất lợi.

Tuy phía Mỹ không nói rõ những thay đổi nêu trên nhằm vào ai, nhưng ông Trump nhiều lần đe dọa liệt Trung Quốc vào danh sách các nước “thao túng tiền tệ” và Trung Quốc là nước có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ.

Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, thặng dư thương mại Trung-Mỹ năm 2018 tăng 17%, đạt 323,32 tỷ USD, là mức thặng dư thương mại cao nhất của Trung Quốc với Mỹ dựa trên số liệu được hãng tin Reuters lưu giữ từ năm 2006. Cho nên, dư luận cho rằng động thái nêu trên chủ yếu là nhằm vào Trung Quốc.

Soi rọi với các tiêu chuẩn hiện nay của phía Mỹ, Trung Quốc chưa bị Mỹ đưa vào danh sách các nước “thao túng tiền tệ”. Nhưng trong trường hợp tiêu chuẩn xác định hành vi “thao túng tiền tệ” được mở rộng, diễn biến có thể sẽ trở nên bất lợi hơn với Trung Quốc. Một khi thương chiến mở rộng sang lĩnh vực tài chính, mức độ ảnh hưởng của nó rất khó kiểm soát.

Theo Gia Hân

Trí thức trẻ

Trở lên trên