Mỹ sắp vượt Saudi Arabia để trở thành nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới
“Cách đây 10 năm, không ai nghĩ điều này có thể xảy ra”, một chuyên gia nhận xét...
- 08-03-2019Thị trường ngày 08/03: Giá dầu và thép tăng trở lại, cao su giảm sâu
- 28-02-2019Thị trường ngày 28/02: Giá dầu tăng vọt gần 3%, vàng xuống thấp nhất gần 2 tuần
- 23-02-2019Thị trường tuần đến ngày 23/2: Giá dầu, vàng, cao su, đồng đều tăng ấn tượng
Nước Mỹ chuẩn bị vượt qua Saudi Arabia - thủ lĩnh không chính thức của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) - về lượng dầu xuất khẩu, trang CNN Business dẫn một báo cáo mới được công bố cho hay.
Theo báo báo từ Rystad Energy, Mỹ sẽ "soán ngôi" quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới của Saudi Arabia trong năm nay. Báo cáo này nói rằng, lượng xuất khẩu dầu thô, khí hóa lỏng và các sản phẩm hóa dầu như xăng của Mỹ trong 2019 sẽ lớn hơn của Saudi Arabia.
Cột mốc này - được thiết lập dựa trên sự phát triển bùng nổ của lĩnh vực khai thác dầu đá phiến ở Mỹ những năm gần đây - sẽ đánh dấu lần đầu tiên nước Mỹ dẫn đầu thế giới về xuất khẩu dầu kể từ khi Saudi Arabia bắt đầu bán dầu cho các quốc gia khác vào đầu thập niên 1950.
"Đây sẽ là một bước tiến quan trọng", chiến lược gia về năng lượng Ryan Fitzmaurice của Rabobank nhận định. "Cách đây 10 năm, không ai nghĩ điều này có thể xảy ra".
Những cú đột phá của Mỹ trên thị trường năng lượng những năm gần đây cho thấy công nghệ đã làm thay đổi bức tranh ngành năng lượng toàn cầu như thế nào. Những sáng kiến về khoan tìm dầu đã mở ra những giếng dầu và khí đốt quy mô lớn vốn bị mắc kẹt bấy lâu trong các mỏ ở Texas, North Dakota và những vùng khác của Mỹ.
Với sự dẫn đầu của dầu đá phiến, sản lượng khai thác dầu của Mỹ đã tăng gấp hơn 2 lần trong thập kỷ qua, đạt mức cao nhất mọi thời đại. Mỹ hiện đã là nước sản xuất nhiều dầu hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, hơn cả Nga và Saudi Arabia.
"Sự bùng nổ của lĩnh vực khai thác dầu đá phiến đã dẫn tới sự gia tăng sản lượng đáng kinh ngạc", ông Fitzmaurice nhận định. "Sản lượng dầu của Mỹ hiện nay là chưa từng có tiền lệ".
Do nguồn cung dầu trong nước trở nên dồi dào, Quốc hội Mỹ vào năm 2015 đã dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu đã duy trì trong 40 năm trước đó. Kể từ khi lệnh cấm được dỡ, lượng xuất khẩu dầu của Mỹ liên tục tăng mạnh. Hiện nay, nhiều cơ sở đang được xây dựng ở khu vực bờ Vịnh Mexico của Mỹ để đáp ứng nhu cầu mua dầu Mỹ ngày càng lớn của khách hàng nước ngoài.
"Lượng dầu dư thừa ở Mỹ sẽ tìm được nhiều khách mua ở khu vực châu Á, nơi đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng", chuyên gia Per Magnus Nysveen của Rystad Energy viết trong bản báo cáo ra ngày 7/3.
Saudi Arabia hiện xuất khẩu khoảng 7 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, cùng khoảng 2 triệu thùng khí hóa lỏng và các sản phẩm hóa dầu, theo Rystad. Trong khi đó, Mỹ xuất khẩu khoảng 3 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, cộng thêm 5 triệu thùng khí hóa lỏng và các sản phẩm hóa dầu.
Rystad dự báo khoảng cách trên sẽ biến mất trong năm nay, nhưng Saudi Arabia sẽ tiếp tục giữ được vị trí nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
Trung tâm trong sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực dầu đá phiến ở Mỹ nằm ở vùng Permian Basian thuộc miền Tây bang Texas. Những tiến bộ về công nghệ đã giúp cho các công ty khai thác dầu đá phiến ngày càng giảm giá thành của mỗi thùng dầu.
Exxon Mobil tuần này cho biết sản lượng dầu đá phiến tăng mạnh ở Permian Basin có thể giúp hãng đạt lợi nhuận trung bình hơn 10% từ việc khai thác loại dầu này, cho dù giá dầu có giảm về 35 USD/thùng. Exxon dự kiến đến năm 2024 sẽ sản xuất hơn 1 triệu thùng dầu/ngày ở Permian, tăng gần 80% so với hiện nay.
"Việc khai thác dầu đá phiến có lợi nhuận ngày càng cao và việc thế giới ngày càng chuộng loại dầu nhẹ và xăng sẽ giúp mang lại cho Mỹ vị thế thống lĩnh trên thị trường dầu lửa trong vài năm tới", ông Nysveen nhận xét.
Vị thế như vậy đồng nghĩa với việc Mỹ ngày càng phụ thuộc vào nguồn cung dầu trong nước và giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung dầu từ nước ngoài.
Đầu năm nay, Bộ Năng lượng Mỹ dự báo nước này sẽ xuất khẩu năng lượng nhiều hơn nhập khẩu mặt hàng này trong năm 2020. Đây là điều chưa từng xảy ra từ năm 1953.
Vneconomy