MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỹ sẽ bị rơi vào tình trạng lạm phát “không thể ngăn cản được”?

15-05-2021 - 19:09 PM | Tài chính quốc tế

Mỹ sẽ bị rơi vào tình trạng lạm phát “không thể ngăn cản được”?

Vào hôm thứ Tư, Thomas Peterffy, nhà tiên phong của Phố Wall, nói với CNBC rằng dựa trên kinh nghiệm cá nhân của mình khi còn trẻ ở Hungary sau Thế chiến thứ hai, ông lo ngại về viễn cảnh lạm phát sẽ gây ra thiệt hại ở Mỹ.

Tỷ phú sáng lập và chủ tịch của Interactive Brokers đã đưa ra nhận xét của mình trong chương trình Squawk Box ngay sau khi dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng "nóng hơn mong đợi" của tháng 4 được công bố.

"Bất cứ khi nào nghe những con số như thế này, tôi đều nhìn lại thời thơ ấu của mình ở Hungary, nơi tôi đã chơi với những tờ giấy bạc trị giá hàng tỷ forint (forint là đơn vị tiền tệ chính thức của Hungary), vì vậy giá trị của đồng tiền chẳng có nghĩa lý gì", Peterffy, người di cư từ Hungary đến Mỹ năm 1965, nói.

"Tôi rất lo lắng rằng đây là một tình huống ‘không thể ngăn cản được’ vì càng chờ đợi lâu thì Fed càng phải tăng lãi suất", Peterffy nêu quan điểm, đồng thời cho rằng điều này có thể khiến cho khối nợ công của mình ngày càng trở nên thách thức hơn. "Vì vậy, về cơ bản, chúng ta đang tự nhốt mình vào một chiếc hộp và tôi không biết chúng ta sẽ thoát ra khỏi nó như thế nào".

Theo Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 4 đã tăng 4,2% so với một năm trước. CPI vốn là chỉ số dùng để đo lường hàng hóa, năng lượng và chi phí nhà ở, nên mức tăng này đã khiến mọi người chú ý, vì đây là tốc độ tăng nhanh nhất trong hơn 12 năm qua.

Mức nhảy vọt này xảy ra khi việc triển khai tiêm chủng phòng Covid-19 đang được triển khai khá tốt, giúp nền kinh tế Mỹ phục hồi mạnh sau đại dịch.

Một yếu tố cần xem xét khi đánh giá dữ liệu CPI của tháng 4 là những so sánh (theo cùng kỳ năm) bị ảnh hưởng bởi sự bùng phát của đại dịch virus corona vào năm 2020. Cuộc khủng hoảng sức khỏe và tác động kinh tế của nó đã khiến giá tiêu dùng trong tháng 04/2020 giảm nhiều nhất kể từ tháng 12/2008.

Do đó, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang, bao gồm cả Chủ tịch Jerome Powell, đã đưa ra lời khuyên rằng lạm phát vào mùa xuân này sẽ có vẻ cao hơn do những gì được gọi là tác động cơ bản. Mặc dù vậy, dữ liệu CPI hôm thứ Tư đã cho thấy một mức tăng 0,8% so với tháng trước, cao hơn nhiều so với mức 0,2% mà các nhà kinh tế mong đợi.

Powell đã nhiều lần nhấn mạnh ông tin rằng việc tăng giá sẽ chỉ là tạm thời trong quá trình phục hồi của Covid và không phải là sự khởi đầu của lạm phát không thể kiểm soát được một cách "có vấn đề" như Mỹ đã trải qua trong những năm 1960 và 70. Đó là lý do tại sao Powell và các lãnh đạo ngân hàng trung ương khác cảm thấy vẫn cần thiết phải duy trì chính sách tiền tệ có tính thích nghi cao để đối phó với đại dịch.

"Chúng ta vẫn chưa thoát khỏi đại dịch. Một khi chúng ta thoát khỏi đại dịch, tôi nghĩ đó sẽ là lúc để xem xét liệu chính sách tiền tệ có thể thay đổi hay không", James Bullard, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang chi nhánh St. Louis, nói với CNBC hôm thứ Ba.

Peterffy không phải là người duy nhất không đồng ý với cách tiếp cận hiện tại của Fed. Nhà đầu tư - tỷ phú Stanley Druckenmiller đã chỉ trích ngân hàng trung ương này vào hôm thứ Ba trên CNBC, khi cho rằng sức khỏe dài hạn của đồng USD đang bị đe dọa.

"Tôi không thể tìm thấy bất kỳ giai đoạn nào trong lịch sử mà chính sách tiền tệ và tài khóa lại khác biệt với hoàn cảnh kinh tế như thế này, nhiều chính sách chứ không phải một", Druckenmiller nói.

Lê Thanh Hải

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên