Mỹ thắt chặt tiền tệ có thể ảnh hưởng tiêu cực tới giá trị VND, nhưng Việt Nam đã có 3 yếu tố thuận lợi để ổn định
Dự trữ ngoại hối duy trì ở mức cao là một trong ba yếu tố quan trọng giúp Việt Nam ổn định tỷ giá trong năm 2022 khi việc thắt chặt chính sách tiền tệ của Mỹ có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị của VND.
- 12-02-2022Dragon Capital: Rủi ro từ việc FED tăng lãi suất tới Việt Nam không quá lớn, cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ dẫn dắt thị trường trong năm 2022
- 11-02-2022Goldman Sachs: Fed sẽ thực hiện 7 lần nâng lãi suất trong năm nay
- 10-02-2022Đánh giá việc FED tăng lãi suất chỉ mang tính chất tâm lý ngắn hạn, SSI Research đưa ra khuyến nghị mua 9 mã cổ phiếu
Theo báo cáo thị trường vĩ mô tháng 1 của Chứng khoán BSC, các chuyên gia phân tích đánh giá tình hình lạm phát đang được bình ổn. Cụ thể, CPI tháng 01/2022 tăng 1,94% so với cùng kỳ và tăng so với tháng trước chủ yếu do giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá thế giới, giá các loại hàng hóa và dịch vụ đều tăng theo nhu cầu mua sắm của dịp Tết Nguyên Đán
CPI cơ bản tăng 0,66% trong tháng 01. Lạm phát tuy tăng trở lại nhưng vẫn nằm ở mức ổn định, tạo điều kiện giữ định hướng chính sách theo hướng tiếp tục nới lỏng trong giai đoạn tới. Dẫu vậy, việc nền kinh tế mở cửa trở lại cùng với việc giá dầu tăng mạnh sẽ khiến lạm phát tăng mạnh trong quý I/2022.
BSC dự báo ước tính CPI năm 2022 đạt mức 3,0% trong kịch bản tích cực và 4,5% trong kịch bản tiêu cực. Các giả định chính là giá dầu Brent dao động trong vùng 70-80 USD/thùng; giá lợn giao dịch trong vùng từ 40.000 – 80.000 VND/kg; giá dịch vụ y tế, giá điện tăng trở lại, sẽ tăng mạnh trong kịch bản tiêu cực và đi ngang trong kịch bản tích cực.
Thanh khoản hệ thống tiền tệ vẫn khá dồi dào. Lãi suất liên ngân hàng trung bình đạt 1,39% trong tháng 1 do nhu cầu tín dụng tăng cao trong dịp Tết Nguyên Đán, tiếp nối đà tăng từ cuối năm ngoái. Nhóm phân tích đánh giá, Thông tư 14/2021/TT-NHNH về cơ cấu lại các khoản nợ sẽ là sự trợ giúp tích cực trong quá trình hồi phục kinh tế kể từ quý IV. Tính tới tháng 01/2022, tín dụng tăng 1,9%.
Trên thị trường ngoại hối, sau khi giảm mạnh vào cuối năm, giá trị VND tăng mạnh trở lại trong tháng 01. Việc thắt chặt chính sách tiền tệ của Mỹ trong năm 2022 có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị của VND.
Tuy nhiên, có 3 yếu tố có thể giúp tỷ giá ổn định: Dự trữ ngoại hối duy trì ở mức cao 108 tỷ USD, kiều hối dự tính duy trì ở mức 17-18 tỷ USD, cán cân thương mại dự kiến sẽ xuất siêu khoảng 5,2-6,9 tỷ USD trong năm.