Mỹ tiếp tục đưa vào “danh sách đen” nhiều nhà cung cấp linh kiện Trung Quốc
Hãng sản xuất camera O-Film là một trong số 11 công ty Trung Quốc bị Bộ Thương mại Mỹ đưa vào danh sách theo dõi trong ngày thứ Hai.
- 21-07-2020Đàm phán mở lại đường bay với Trung Quốc và các nước
- 20-07-202030 công ty Nhật Bản rời Trung Quốc: 15 công ty sang Việt Nam, 6 sang Thái Lan
- 19-07-2020Nhật Bản chi hơn 500 triệu USD để hỗ trợ các công ty rời khỏi Trung Quốc
Trong phán quyết mới nhất của mình, Washington đã đưa vào danh sách đen một nhà cung cấp quan trọng của Apple. Động thái này chắc chắn gây tổn hại đến chuỗi cung ứng sản phẩm điện tử tiêu dùng và khiến cho quá trình tách rời giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới ngày một diễn ra nhanh hơn.
Theo Nikkei, hãng sản xuất camera O-Film là 1 trong số 11 công ty Trung Quốc bị Bộ Thương mại Mỹ đưa vào danh sách theo dõi trong ngày thứ Hai bởi những cáo buộc công ty này xâm phạm đến nhân quyền tại khu vực của người Hồi giáo thiểu số Duy Ngô Nhĩ.
Công ty O-Film là một “ngôi sao đang lên” trong chuỗi cung ứng của ngành điện tử tiêu dùng và phụ tùng ô tô, công ty này cung cấp linh kiện, phụ tùng cho rất nhiều công ty Mỹ, trong đó có bao gồm Microsoft, HP, Dell, General Motors và Amazon cũng như Apple. O-Film cũng cung cấp cho cả Samsung Electronics, Huawei Technologies, Oppo và Sony.
Tuy nhiên theo quan điểm của Bộ Thương mại Mỹ, chi nhánh của công ty O-Film tại Nanchang có liên quan đến việc lao động cưỡng bức tại nhóm cộng đồng dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ và một số nhóm thiểu số khác tại một số tỉnh miền Tây Trung Quốc. Doanh nghiệp nào bị đưa vào danh sách theo dõi sẽ cần phải nộp hồ sơ xin phép xét duyệt nếu họ muốn tiếp cận với công nghệ Mỹ.
Cổ phiếu của O-Film giảm gần 4% trên thị trường Thâm Quyền trong ngày thứ Ba sau thông báo của chính phủ Mỹ.
2 công ty khác bị Mỹ đưa vào danh sách trong ngày thứ Hai bao gồm Tanyuan Technology và KTK Group, hai công ty này đều niêm yết cổ phiếu trên sàn Thượng Hải. Hai công ty này cũng khá có tên tuổi trong chuỗi cung ứng hàng điện tử tiêu dùng toàn cầu. Tanyuan sản xuất chất liệu giảm nóng cho điện thoại thông minh, máy tính bảng và laptop, còn KTK hiện đang bắt đầu sản xuất điện thoại thông minh tại Ấn Độ.
Động thái mới nhất từ Washington có thể ảnh hưởng đến cách lựa chọn đối tác/nhà cung cấp của rất nhiều công ty đa quốc gia cũng như công ty Mỹ, thậm chí nó có thể thay đổi cả khả năng cạnh tranh trong dài hạn của chuỗi cung ứng trong ngành công nghệ dù rằng doanh nghiệp Mỹ không chính thức bị cấm làm ăn kinh doanh với nhóm doanh nghiệp thuộc diện “bị theo dõi”.
BizLIVE