Mỹ tốn 7,5 tỷ và 2 năm mới xây được 7 trạm sạc xe điện, trong khi Trung Quốc dựng lên 330.000 trạm chỉ trong 4 năm
Cơ chế hành chính rườm rà đang khiến hiệu quả sử dụng vốn ngân sách xây trạm xe điện ở Mỹ kém hơn rất nhiều so với Trung Quốc.
- 21-05-2024Trader lãi gần 200% trong 4 tháng: Tôi giao dịch từ năm 18 tuổi và đây là cách lọc cổ phiếu để thành công tìm ra ‘ngôi sao sáng giá’
- 20-05-2024Châm ngòi cuộc chiến giảm giá, các hãng xe điện Trung Quốc bị Tesla bỏ xa về khoản 'được lòng' các nhà cung ứng vì điều này
- 20-05-2024Bi hài chuyện nước Mỹ thiếu điện: Tư nhân hóa ngành năng lượng để rồi nhìn cơ sở hạ tầng thành đồ cổ, đầu tư nghìn tỷ USD chạy đua công nghệ có nguy cơ đổ bể
Theo tờ Washington Post, Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết sẽ xây 500.000 trạm sạc xe điện từ vào năm 2030, qua đó giúp Mỹ lấy lại vị thế trong cuộc đua xe điện nói riêng và mảng công nghệ nói chung, hút trở về các nhà máy sản xuất cũng như việc làm cho người dân.
Thế nhưng đã hơn 2 năm trôi qua và Nghị viện đã giải ngân 7,5 tỷ USD nhưng nền kinh tế số 1 thế giới mới chỉ xây thêm được 7 trạm sạc nhanh mới.
Giờ đây ngày càng nhiều chuyên gia lo lắng sự thiếu hụt trạm sạc đang kìm hãm đà phát triển của ngành xe điện khi người mua không muốn vay nợ để dùng một phương tiện mà suốt ngày phải lo tìm chỗ sạc.
"Rất nhiều người đang theo dõi tiến trình xây trạm sạc này với thái độ lo lắng chậm tiến độ", chuyên gia Alexander Laska của Third Way cảnh báo.
Trái ngược lại, Trung Quốc chính thức bắt đầu chương trình phát triển hệ thống trạm sạc xe điện diện rộng trong đô thị từ năm 2014 nhưng đến năm 2018 đã có khoảng 330.000 trạm sạc công.
Hiện nay nước này đã có hơn 1,2 triệu trạm sạc công trên toàn quốc (chiếm 51% toàn cầu về mảng trạm sạc công) và khoảng 1 triệu trạm sạc tư nhân, qua đó trở thành một trong những nền kinh tế có mạng lưới sạc xe điện phát triển nhất thế giới.
Tốn tiền thuế?
Theo Đạo luật cơ sở hạ tầng (BIL) được Tổng thống Joe Biden ký thông qua tháng 11/2021, nước này đã chi đến 7,5 tỷ USD để xây dựng hệ thống trạm sạc nhanh dọc các đường cao tốc nhằm phục vụ chiến lược phát triển xe điện.
Tuy nhiên số liệu của Cơ quan quản lý đường cao tốc liên bang (FHA) cho thấy sau hơn 2 năm, chỉ 7 trạm sạc với 38 điểm sạc cho xe điện là được hoàn thành theo chương trình này.
Trong khi đó ước tính của Tổ chức APP cho thấy với số tiền ngân sách trên, Mỹ đáng lẽ có thể xây 5.000 trạm sạc xe điện nhanh với 20.000 điểm sạc.
Thậm chí cho đến hiện tại, khoảng 17 bang tại Mỹ vẫn chưa thông qua các dự án xây dựng trạm sạc theo chương trình của liên bang và 12 bang khác mới bắt đầu ký hợp đồng xây dựng.
"Chúng tôi lo ngại tiền thuế của người dân Mỹ đang bị phung phí vì khả năng quản lý hành chính kém", bức thư của các nghị sĩ Đảng Cộng Hòa gửi lên Nhà Trắng đầu năm 2024 ghi rõ.
Nhà sáng lập Nick Nigro của APP cho biết các cơ quan vận tải nhà nước là bên nhận được tiền triển khai dự án nhưng gần như không có ai là chuyên gia trong mảng phát triển mạng lưới trạm sạc cả vì chúng còn quá mới mẻ.
Bên cạnh đó, những thủ tục hành chính rườm rà càng khiến tiến độ dự án bị chậm lại.
"Quy trình là các bang phải trình kế hoạch lên cho Tổng thống Joe Biden phê duyệt rồi đấu thầu và mới nhận được tiền từ ngân sách. Thế nhưng quá trình này quá mất thời gian để thông qua. Tôi kỳ vọng rằng dự án sẽ được triển khai nhanh hơn trong năm 2024", ông Nigro cho biết.
Ngoài ra, hàng loạt những tiêu chuẩn mới cho các trạm sạc cũng kìm hãm tiến độ xây dựng so với các dự án trạm sạc cũ trước đây.
Cụ thể dự án trạm sạc nhanh trên cao tốc yêu cầu các trạm sạc phải hoạt động 97% số thời gian và cung ứng tối thiểu 150KW điện cho mỗi lần khách hàng sử dụng cùng nhiều yêu cầu khác. Chính điều này càng làm giảm tiến độ thi công dự án.
Hiện Mỹ đang có khoảng 10.000 trạm sạc nhanh trên toàn quốc với hơn 2.000 là thuộc về Tesla.
Tuy nhiên sự chậm tiến độ trong dự án trạm sạc công đã khiến người mua xe điện phải phụ thuộc vào mạng lưới của Tesla.
"Ngân sách hỗ trợ xây dựng trạm sạc công tại Mỹ đi kèm với quá nhiều tiêu chuẩn và điều kiện", tờ Washington Post nhận định.
Chỉ có thể là Trung Quốc
Khác với Mỹ khi mạng lưới trạm sạc phụ thuộc vào Tesla, hệ thống trạm sạc của Trung Quốc hiện nằm dưới sự kiểm soát của Tổng công ty điện lực nhà nước (SGCC), qua đó cho thấy thành công của chính quyền Bắc Kinh trong việc phát triển các điểm sạc công thay vì chờ đợi doanh nghiệp.
Thêm vào đó, việc chính phủ xây dựng trạm sạc công cũng giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí đầu tư, qua đó dồn nguồn lực phát triển công nghệ, hạ giá thành xe điện.
Bên cạnh đó thay vì độc quyền mạng lưới sạc như Tesla, các hãng xe điện đã đồng ý để khách hàng sử dụng bộ chuyển đổi khi sạc xe điện dù không mua sản phẩm của họ, qua đó mở rộng tiềm năng của thị trường và giúp người mua không phải lo lắng tìm đúng điểm sạc.
"Trung Quốc đang phát triển nhiều sáng kiến để xe điện trở thành phương tiện phổ biến trên thị trường. Một trong những ý tưởng đó là mô hình trạm đổi pin xe điện vốn đang được áp dụng rộng rãi hiện nay", chuyên gia Mark Xu của AMT nhận định.
Rõ ràng, chính phủ Trung Quốc tận dụng rất tốt nguồn tiền ngân sách phát triển hệ thống trạm sạc và đây là một yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy ngành xe điện của nước này. Hàng loạt những startup xe điện mới không phải lo về điểm sạc giúp họ tiết kiệm được nguồn vốn đầu tư và hạ giá thành, trong khi người mua cũng hào hứng hơn vì mạng lưới trạm sạc quy mô lớn.
*Nguồn: Tổng hợp
An Ninh Tiền Tệ