Mỹ trừng phạt Ả Rập Saudi
Chính quyền Tổng thống Joe Biden hôm 26-2 công bố các lệnh trừng phạt và cấm thị thực nhằm vào một số công dân Ả Rập Saudi, ngoại trừ Thái tử Mohammed bin Salman, sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi năm 2018.
- 26-02-2021Đề cử nội các gặp khó khăn, Biden đối mặt thất bại đầu tiên kể từ khi nhậm chức
- 26-02-2021Mỹ không kích ở Syria: Thông điệp từ hành động quân sự đầu tiên của chính quyền TT Biden
- 26-02-2021Cảnh báo đáng sợ về ngày Tổng thống Biden đọc thông điệp liên bang
- 26-02-2021Mỹ bất ngờ không kích Syria theo lệnh của ông Biden
- 19-02-2021Trung Quốc tiếp tục vỡ mộng với chính quyền Tổng thống Biden
Theo hãng tin Reuters, Bộ Tài chính Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đối với ông Ahmed al-Asiri, cựu phó chủ tịch cơ quan tình báo Ả Rập Saudi, và Lực lượng can thiệp nhanh của Saudi Arabia (RIF). RIF bị cho là có liên quan trong vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi trong báo cáo tình báo giải mật của Mỹ.
Những người có tên trong danh sách trừng phạt sẽ bị đóng băng tài khoản ở Mỹ và không được thực hiện các giao dịch ở Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng thông báo lệnh cấm nhập cảnh đối với 76 người Ả Rập Saudi.
Thái tử Mohammed bin Salman không có tên trong danh sách trừng phạt của Mỹ. Ảnh: EPA-EFE
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng những đối tượng liên quan đến vụ giết hại nhà báo Khashoggi phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình.
Khi được hỏi về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Thái tử Mohammed bin Salman, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết Mỹ không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với "lãnh đạo cao nhất của Ả Rập Saudi".
Các hành động của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong những tuần đầu tiên nhậm chức dường như thực hiện lời cam kết của ông trong chiến dịch tranh cử nhằm điều chỉnh lại quan hệ với Ả Rập Saudi sau khi người tiền nhiệm Donald Trump bị chỉ trích "làm ngơ" việc đồng minh này vi phạm nhân quyền.
Một quan chức cấp cao của chính quyền ông Biden giấu tên cho biết cách tiếp cận này nhằm tạo ra một bước khởi đầu mới cho mối quan hệ hai bên mà không phá vỡ mối quan hệ cốt lõi ở Trung Đông.
Động thái trừng phạt của Mỹ được đưa ra sau khi báo cáo tình báo Mỹ hôm 26-2 chỉ ra rằng Thái tử Mohammed bin Salman đã phê chuẩn kế hoạch sát hại nhà báo Jamal Khashoggi, 59 tuổi, hồi năm 2018 ở Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ.
Báo cáo cho rằng căn cứ vào tầm ảnh hưởng lớn của Thái tử Mohammed, không thể có chuyện vụ sát hại nhà báo xảy ra vào năm 2018 mà không nhận được sự đồng ý từ thái tử. Hồi tháng 10-2018, ông Khashoggi đến Lãnh sự quán của Thổ Nhĩ Kỳ tại Istanbul để làm thủ tục kết hôn, sau đó ông bị giết hại và đến nay, các phần thi thể cũng chưa được tìm thấy.
Phản ứng về báo cáo tình báo giải mật của Mỹ về vụ sát hại nhà báo Khashoggi, Ả Rập Saudi cho rằng đó là bản đánh giá "tiêu cực, sai trái và không thể chấp nhận". Trong thông cáo phát đi về sự việc, Bộ ngoại giao Ả Rập Saudi nhấn mạnh bản báo cáo tình báo của Mỹ "chứa những thông tin và kết luận không chính xác".
NLĐ