MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỹ trước cuộc chiến giá năng lượng tăng

19-02-2022 - 17:28 PM | Tài chính quốc tế

Mỹ trước cuộc chiến giá năng lượng tăng

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 16-2 tiếp tục thúc giục các quốc gia sản xuất dầu khác đẩy mạnh sản lượng nhằm giải quyết tình trạng giá năng lượng tăng ở Mỹ.

Tại một cuộc họp báo, khi được hỏi về việc giá dầu sắp đạt mức 100 USD/thùng, cao nhất kể từ năm 2014, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki trả lời: "Chúng tôi đã liên lạc với các đồng minh và đối tác, với các nhà cung cấp trên toàn cầu trong nhiều tuần qua để chuẩn bị cho một loạt tác động đối với khí đốt tự nhiên và giá dầu trên thị trường. Tổng thống Biden đã sử dụng khu bảo tồn dầu chiến lược của Mỹ nhằm giải quyết tình trạng giá năng lượng tăng".

Trước đó, ngày 15-2, Tổng thống Biden cảnh báo người dân Mỹ rằng giá năng lượng sẽ còn tăng cao hơn nữa nếu Nga tấn công Ukraine.

 Mỹ trước cuộc chiến giá năng lượng tăng  - Ảnh 1.

Công nhân làm việc tại một giàn khoan dầu ở bang Texas - Mỹ. Ảnh: BLOOMBERG

Đài ABC News cho biết các cuộc thăm dò chỉ ra rằng Tổng thống Biden bị đổ lỗi cho việc giá khí đốt tăng cao, một phần của cuộc lạm phát tồi tệ nhất trong gần 40 năm qua ở Mỹ. Đây được xem là vấn đề chính trị lớn đối với Tổng thống Biden và Đảng Dân chủ trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tháng 11 tới.

Giá trung bình 1 gallon khí đốt đạt mức 3,51 USD vào ngày 16-2, tăng từ 1 USD/gallon cách đây 1 năm và là mức cao nhất kể từ tháng 10-2014. Một số thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ đã giới thiệu dự luật tạm thời đình chỉ thuế khí đốt liên bang 18,5 cent/gallon để giảm giá năng lượng song bị các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa cho là không cần thiết.

Theo FOX Business, các nhà sản xuất năng lượng ở Mỹ yêu cầu Washington cho phép họ tham gia và đáp ứng nhu cầu về nhiên liệu sau khi Nhà Trắng tăng cường quy định và sản xuất nhưng không mang lại kết quả khả quan.

Chủ tịch Liên minh Các nhà sản xuất năng lượng bang Texas Jason Modglin cho rằng chuyến đi của Tổng thống Biden tới châu Âu là cơ hội để Washington mở rộng xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng, qua đó giải quyết những thách thức toàn cầu.

Ngoài ra, Mỹ cần đưa ra cam kết mới để làm việc với các quốc gia và nhà sản xuất nhằm tối đa hóa sản xuất, không nhượng lại thị trường cho Nga và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Trong khi đó, The Wall Street Journal tiết lộ nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới - Ả Rập Saudi - đã từ chối yêu cầu bơm nhiều dầu hơn bất chấp lời kêu gọi từ chính Tổng thống Biden. Giải thích cho sự từ chối này, Ả Rập Saudi nhắc lại cam kết của mình đối với OPEC và Nga.

Theo Phạm Nghĩa

NLĐ

Trở lên trên