Mỹ tung chiến lược nóng hổi: Giữa lúc căng thẳng ở Ukraine, vẫn cần "khóa tay" Trung Quốc
Các nhà quan sát ngoại giao nhận định, chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới của Washington có thể ảnh hưởng tới Bắc Kinh trong thời gian dài.
Các nhà quan sát ngoại giao nhận định, chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới của Washington có thể khiến Bắc Kinh khó sử dụng sức ảnh hưởng về kinh tế của mình trong khu vực hơn trong thời gian dài, ngay cả khi các cuộc khủng hoảng trước mắt khiến Mỹ phân tâm.
CHIẾN LƯỢC TRỌNG TÂM
Các quan chức cấp cao của Mỹ đã cảnh báo rằng, trong khi cuộc chiến tranh giữa Ukraine và Nga có thể "bắt đầu bất cứ lúc nào", khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vẫn là trọng tâm quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ.
Trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã được chờ đợi từ lâu, mới được công bố hôm 11/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden tái khẳng định nhu cầu gắn bó lâu dài trong khu vực, bao gồm việc mở rộng sự hiện diện của Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Mỹ và các liên minh mạnh mẽ hơn trong khu vực, để chống lại những gì họ coi là hành vi gây hấn và ép buộc từ phía Bắc Kinh ở một số khu vực biển cũng ở Đài Loan.
Tổng thống Mỹ Joe Biden
"Sự tập trung ngày càng mạnh mẽ này của Mỹ một phần là do Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương phải đối mặt với những thách thức ngày càng lớn, đặc biệt là từ Trung Quốc," Nhà Trắng cho biết.
"[Trung Quốc] đang kết hợp sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ khi theo đuổi phạm vi ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và tìm cách trở thành cường quốc có ảnh hưởng nhất thế giới. Mỹ sẽ bảo vệ lợi ích của mình và các đồng minh cũng như đối tác - bao gồm cả trên eo biển Đài Loan - và thúc đẩy an ninh khu vực bằng cách phát triển các khả năng mới, hoạt động quân sự, các sáng kiến công nghiệp quốc phòng và một lực lượng kiên cường hơn."
Giáo sư quan hệ quốc tế Shi Yinhong của Đại học Renmin cho biết chiến lược được công bố đưa ra tín hiệu rằng trọng tâm chiến lược của Mỹ vẫn ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
"Áp lực của Mỹ đối với Trung Quốc có thể giảm bớt trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài, chính Trung Quốc - chứ không phải Nga - mới được coi là đối thủ nặng kí nhất với Mỹ," ông Shi nói.
Thành viên nghiên cứu tại Tổ chức Tiến bộ Châu Á - Thái Bình Dương ở Metro Manila, ông Aaron Rabena nói rằng, xung đột ở Iraq và Afghanistan đã cướp đi "tài nguyên và băng thông" của Mỹ.
"Sau nhiều thập kỷ kiệt quệ ở Trung Đông, Mỹ nhận ra rằng họ đã bỏ qua Châu Á," chuyên gia Rabena nói.
"Mỹ nên thấy rằng, bất chấp căng thẳng hoặc xung đột ở Ukraine, chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vẫn đứng vững và các nguồn lực của Mỹ sẽ duy trì tập trung vào chiến lược này."
KHÓ KHĂN CHO TRUNG QUỐC
Kể từ khi tiếp quản Nhà Trắng hơn 1 năm nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tăng cường củng cố các liên minh của Mỹ trong khu vực, bao gồm với nhóm Bộ tứ kim cương (QUAD - Ấn Độ, Nhật, Úc và Mỹ).
Chính quyền cũng đã thiết lập quan hệ đối tác quân sự ba bên với Úc và Anh - liên minh Aukus mà Bắc Kinh cho rằng đó là hành động phá hoại nghiêm trọng hòa bình khu vực và tăng cường chạy đua vũ trang trong khu vực."
Giờ đây, trọng tâm dường như cũng tập trung vào việc giải quyết ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc - vốn đã tăng lên trong thập kỷ qua khi cam kết của Mỹ đối với khu vực chưa rõ ràng.
Chiến lược mới bao gồm khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để bao quát được mọi lĩnh vực từ thương mại kỹ thuật số, tiêu chuẩn lao động và môi trường, đến việc tạo thuận lợi trong thương mại và khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng.
Giáo sư Shi cho biết: "Mỹ đã nói rằng họ sẽ không tìm cách thay đổi Trung Quốc, có nghĩa là họ sẽ không tìm cách thay đổi hệ thống chính trị của Trung Quốc mà xây dựng một môi trường chiến lược có lợi cho các đồng minh và đối tác của mình.", ông cho hay, "Điều đó sẽ mang lại khó khăn cho Trung Quốc."
Doanh nghiệp và tiếp thị