MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mỹ ưu ái ra mặt các nhà sản xuất nội địa, xe điện Nhật, Hàn, châu Âu đòi công bằng trong ngán ngẩm

05-10-2022 - 14:36 PM | Thị trường

Thậm chí, các quan chức ngoại giao từ những quốc gia này cũng đã phải lên tiếng để đòi công bằng cho các hãng ô tô từ Nhật Bản, Hàn Quốc hay châu Âu.

Kế hoạch thuế mới của Mỹ dành cho xe điện đã nhận được phản ứng giận dữ từ các đồng minh chủ chốt của họ ở châu Á và châu Âu.

Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc cho rằng các điều khoản trong luật mới được ký hồi tháng 8 của Mỹ nhằm thúc đẩy năng lượng sạch mang là “phân biệt đối xử” với các nhà sản xuất ô tô của họ và có thể vi phạm các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới về việc đối xử với các sản phẩm nhập khẩu khác sản phẩm nội địa.

“Các quốc gia đang làm việc cùng nhau để tăng cường chuỗi cung ứng”, Bộ trưởng thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yasutoshi Nishimura nói với các phóng viên. “Điều này đi ngược với các chiến lược đó”.

Mỹ ưu ái ra mặt các nhà sản xuất nội địa, xe điện Nhật, Hàn, châu Âu đòi công bằng trong ngán ngẩm - Ảnh 1.

Nếu không đáp ứng các tiêu chuẩn do Mỹ đề ra, xe điện bán tại quốc gia này sẽ không nhận được khoản trợ giá 7.500 USD/xe.

Valdis Dombrovskis – Phó chủ tịch điều hành Uỷ ban châu Âu cũng cho rằng điều luật về thuế mới của Mỹ gây bất lợi cho thương mại xuyên Đại Tây Dương, trái với các quy tắc thương mại quốc tế, gây ảnh hưởng đến các nhà sản xuất ô tô đầu tư vào Mỹ.

Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết châu Âu phải xem xét lại các chính sách hỗ trợ xe điện của mình để đáp lại các biện pháp của Mỹ.

Trong điều luật mới, để nhận được khoản trợ giá 7.500 USD cho mỗi chiếc xe điện bán ra tại Mỹ, các mẫu xe sẽ phải trải qua quá trình lắp ráp cuối cùng ở Bắc Mỹ - điều kiện mà hầu hết các loại xe điện từ nhà sản xuất không thuộc Mỹ hiện không thể đáp ứng. Đó là bởi vì chúng hiện chủ yếu được lắp ráp tại nước ngoài, sau đó nhập khẩu sang Mỹ - khác với nhiều mẫu xe xăng phổ biến hiện nay đều được sản xuất tại các nhà máy ở Bắc Mỹ.

Điều luật mới cùng yêu cầu xe điện phải có ít nhất 40% khoáng chất quan trọng bên trong pin có nguồn gốc từ Mỹ hoặc các quốc gia có hiệp định thương mại tự do với Mỹ, bắt đầu từ năm 2023. Ngưỡng này sẽ tăng lên 80% vào năm 2026.

Thậm chí trước đó, Mỹ từng đề xuất chỉ trợ giá cho xe do công nhân công đoàn Mỹ chế tạo - đồng nghĩa xe lắp ráp tại Mexico và Canada cũng không nhận được trợ giá. Tuy nhiên, đề xuất này sau đó bị bác bỏ.

Một số quan chức nước ngoài và các nhà phân tích thương mại cho rằng luật này có thể vi phạm quy định của WTO – cấm các quốc gia đối xử tệ hơn với hàng nhập khẩu so với sản phẩm nội địa hoặc sản phẩm được sản xuất tại một số quốc gia khác (trong trường hợp này là Mexico và Canada).

Luật mới cũng từ chối trợ giá đối với xe và pin có thành phần hoặc khoáng chất quan trọng có nguồn gốc từ “một số nơi có vấn đề”, chẳng hạn Trung Quốc, Nga, hay Iran.

Trung quốc hiện là nơi xử lý, tinh chế hơn một nửa lượng lithium, coban và graphite toàn cầu, các khoáng chất cực kỳ quan trọng với pin xe điện. Theo Jane Nakano của Chương trình An ninh Năng lượng và Biến đổi Khí hậu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, Trung Quốc chiếm khoảng 75% sản lượng pin lithium-ion và 70% công suất sản xuất cathode.

Mỹ ưu ái ra mặt các nhà sản xuất nội địa, xe điện Nhật, Hàn, châu Âu đòi công bằng trong ngán ngẩm - Ảnh 2.

Hyundai Ioniq 5 - một trong những mẫu xe điện rất được ưa chuộng tại Mỹ.

Người chỉ trích mạnh mẽ nhất đạo luật này chính là Hàn Quốc, nơi Hyundai Motor của họ đang đứng thứ 2 thị trường xe điện Mỹ, chỉ sau Tesla. Nếu không được sửa đổi, toàn bộ xe điện của nhà sản xuất này bán tại Mỹ sẽ không nhận được một đồng trợ giá nào vì được nhập khẩu hoàn toàn.

Trong khi đó, những người ủng hộ đạo luật của Mỹ cho rằng nó đóng vai trò thúc đẩy các nhà sản xuất ô tô lên kế hoạch mở rộng hoặc mở mới nhà máy tại Mỹ.

Đức Nam

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên