Na Uy: Từ bán cá đến bán dầu và câu chuyện đánh bại Anh trong cuộc đua vùng Biển Bắc
Khi Na Uy dùng số tiền dôi ra để đầu tư thì người Anh lại phung phí cho việc cắt giảm thuế.
- 03-10-2019Giá dầu giảm khiến Na Uy phải rút tiền từ quỹ lợi ích quốc gia “nghìn tỷ đô”
- 19-07-2017Mặt tối ở Na Uy: Quốc gia hạnh phúc, giàu có bậc nhất thế giới nhưng vẫn tồn tại cảnh đói nghèo
- 17-06-2017Tử tế như nhà tù Na Uy
Dầu thô Brent là một phân loại thương mại chính của dầu thô ngọt nhẹ, chúng đóng vai trò chính trong kiểm chuẩn giá mua dầu trên toàn thế giới. Loại dầu này được chiết xuất từ bùng Biển Bắc và Anh lẫn Na Uy là 2 quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất ở khu vực này.
Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến nền kinh tế Anh và Na Uy tăng tốc trong thập niên 1970. Tuy nhiên, cách sử dụng tài nguyên dầu lại khiến 2 quốc gia này có hướng đi hoàn toàn khác nhau.
Từ bán cá đến bán dầu
Cho đến tận Thế chiến II, việc khai thác dầu mỏ tại bờ biển Tây Âu vẫn khá khó khăn. Nhiều quốc gia đã cố gắng tìm kiếm dầu mỏ khu vực này nhưng sản lượng lại rất thấp, chỉ chưa đến 100 thùng/ngày và chẳng thấm vào đâu so với nguồn dầu mỏ tại Trung Đông.
Kinh tế Na Uy trước Thế chiến II vốn phụ thuộc vào ngư nghiệp và đóng tàu
Tại vùng Biển Bắc (North Sea), dầu mỏ không được phát hiện ra cho đến thập niên 1960 và những nước Bắc Âu như Na Uy vốn cũng chẳng giàu có gì. Trước Thế chiến II, nền kinh tế Na Uy khá nghèo nàn khi chỉ phụ thuộc vào ngư nghiệp lẫn đóng tàu. Chuyện này chẳng có gì lạ khi những người Na Uy vốn lành nghề đánh bắt cá và đóng tàu hàng trăm năm qua.
Trong khi đó, những người Anh đang bận bịu với việc tranh giành vị thế trên thế giới và vốn nổi tiếng về hải quân nên quốc gia này rất khát dầu mỏ. Trớ trêu thay Anh không có nhiều trữ lượng dầu mỏ mà phải phụ thuộc vào nhập khẩu. Đây là nguyên nhân họ hậu thuẫn những tập đoàn dầu như Shell hay BP mở rộng ảnh hưởng tại Trung Đông.
Khát dầu là thế nhưng suốt nửa đầu thế kỷ 20, không ai nghĩ rằng vùng Biển Bắc sẽ có dầu mỏ. Khu vực này là vùng biển rất nguy hiểm với gió to, biển động và thường xuyên có bão nên chẳng có mấy nhà khảo sát đến đây thăm dò. Mọi người đều cho rằng nếu có tìm được mỏ dầu cũng chẳng khai thác nổi với thời tiết nơi đây.
Mọi chuyện chỉ bắt đầu thay đổi khi Shell đang thăm dò dầu mỏ ở miền Bắc Hà Lan. Trên thực tế lúc này Shell đang tìm mỏ khí đốt và khi phát hiện ra vài mỏ khí đốt ở cùng độ sâu, các chuyên gia xác định họ đã tìm thấy một mỏ khí khổng lồ lớn nhất Châu Âu.
Điều thú vị là đặc điểm địa chất vùng bắc Hà Lan và Biển Bắc khá tương tự, nên việc phát hiện mỏ khí đốt ở Hà Lan có thể đồng nghĩa rằng vùng Biển Bắc có mỏ dầu. Ngay lập tức Shell bắt tay vào thăm dò và phát hiện mỏ dầu đầu tiên tại Biển Bắc vào năm 1962.
Thế nhưng, Na Uy không hề vội vã thăm dò theo các tập đoàn dầu của Anh mà chỉ cấp phép khai thác vào năm 1965. Chính phủ Na Uy chẳng hề vội vã bởi thời tiết xấu cùng công nghệ lạc hậu khiến họ gặp nhiều khó khăn cho khai thác dầu trên vùng biển này.
Các giàn khoan dầu Biển Bắc cần chống chịu với thời tiết khắc nghiệt
Những giàn khoan vùng Biển Bắc sẽ phải chống chọi lại các đợt sóng cao tới 15m và tốc độ gió lên tới 113 km/h. Bởi vậy phải mất vài năm cùng nhiều vụ tai nạn mới khiến ngành dầu khí trụ vững ở vùng biển này.
Năm 1969, mỏ dầu với trữ lượng khổng lồ đầu tiên được phát hiện ở vùng Biển Bắc thuộc hải phận Na Uy, để rồi 1 năm sau đó Anh cũng phát hiện mỏ dầu lớn của mình. Năm 1975, Nữ hoàng Anh Elizabeth đã đích thân khai trương mỏ dầu này và đây là tín hiệu cho 2 quốc gia Châu Âu là Na Uy và Anh giàu lên nhờ dầu mỏ.
Đánh bại Anh
Sau khi phát hiện trữ lượng dầu mỏ lớn ở vùng Biển Bắc, Na Uy khá kiên nhẫn chứ không vội vàng khai thác ngay. Nền chính trị nơi đây ổn định, Đảng lao động là đảng phái lớn nhất tại đây kể từ năm 1927 và chẳng có lý do gì cần quá nhiều tiền để cải thiện kinh tế ngay lập tức nhằm thu hút phiếu bầu.
Thậm chí, chính phủ Na Uy khá khắt khe với những hãng dầu mỏ tư nhân. Phần lớn các mỏ dầu được cấp phép chỉ được bán 50% cổ phần cho tư nhân, còn lại đều thuộc chính phủ. Năm 1972, Na Uy còn thành lập tập đoàn dầu mỏ quốc gia để cạnh tranh với những hãng dầu mỏ tư nhân nước ngoài, chủ yếu là Shell và BP của Anh.
Như vậy, Na Uy không chỉ đánh thuế cao vào khai thác dầu mỏ mà còn sở hữu lượng lớn mỏ dầu chứ không bán đứt cho tư nhân. Động thái này khiến ngân sách dư dả hơn. Tuy nhiên việc Na Uy làm gì với số tiền khổng lồ từ dầu mỏ này mới khiến họ thực sự đánh bại người láng giềng Anh. Đó là thay vì chi tiêu kích thích kinh tế, Na Uy tiết kiệm và thậm chí đem số tiền đó đi đầu tư.
Năm 1990, Na Uy thành lập quỹ đầu tư công với mục đích tiết kiệm và sinh sôi thêm nguồn thu khổng lồ từ dầu mỏ. Họ bỏ phần lớn số tiền này vào chứng khoán, bất động sản hay bất cứ kênh đầu tư nào sinh lời. Hiện đây đang đang là quỹ đầu tư lớn nhất thế giới với hơn 1 nghìn tỷ USD tài sản, tương đương với mỗi người Na Uy có khoảng 195.000 USD trong quỹ này.
Nhờ số tiền khổng lồ này mà chính phủ và người Na Uy sống rất thoải mái. Chất lượng cuộc sống cũng được đảm bảo khi họ có nguồn thu cố định từ quỹ đầu tư mà chẳng lo sợ các mỏ dầu cạn kiệt như Ả Rập Xê Út. Dù người dân không trực tiếp chi tiêu được số tiền trên nhưng lợi nhuận từ đó cũng đóng góp lớn cho ngân sách, các dự án đầu tư và dịch vụ công, qua đó tạo nên chất lượng cuộc sống cao trong xã hội.
Quỹ đầu tư công Na Uy
Trong khi Na Uy sử dụng nguồn thu từ dầu mỏ một cách khôn ngoan thì Anh lại phí phạm chúng. Sự trỗi dậy của các mỏ dầu Biển Bắc của Anh đi cùng với cái tên vô cùng nổi tiếng: Cựu thủ tướng Anh- Bà đầm thép Margaret Thatcher.
Cầm quyền vào năm 1979, Thủ tướng Anh khi đó là Thatcher đã không thành lập quỹ đầu tư như Na Uy mà sử dụng chúng cho các chương trình cải tổ nền kinh tế. Đầu tiên, Anh cho cổ phần hóa hàng loạt công ty bất kể có hoạt động tốt hay xấu, đồng thời cắt giảm thuế nhằm kích thích tiêu dùng trong bối cảnh tăng trưởng giảm tốc. Nhờ nguồn tiền lớn từ dầu mỏ, chính phủ Anh đảm bảo được những biện pháp cải tổ này diễn ra mà không nợ công quá nhiều.
Nhờ các chính sách cải tổ của Thủ tướng Thatcher mà nền kinh tế Anh tăng trưởng mạnh trở lại, qua đó tạo nên danh tiếng cho bà và thu hút cử tri. Thế nhưng chúng chỉ mang tính tạm thời. Khi nguồn thu từ dầu mỏ suy giảm, kinh tế Anh lại lâm vào vũng lầy và vị thế của Bà đầm thép cũng lung lay từ đó.
Tóm lại, trong khi Na Uy dùng số tiền dôi ra để đầu tư thì người Anh lại phung phí cho việc cắt giảm thuế. Đây cũng chính xác là những gì nhiều tỷ phú khuyên người dân, có tiền thì đem đầu tư chứ đừng dùng phung phí.
Tổ Quốc