Năm 2016, Jetstar đặt mục tiêu gia tăng đội máy bay thêm 50%
Trung tâm Hàng không Châu Á Thái Bình Dương (CAPA) vừa có một bài phân tích dài về lộ trình phát triển của hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific.
Sau nhiều năm quan sát, tổ chức này đánh giá lộ trình và chiến lược của hãng đang ngày một hợp lý, trong bối cảnh cạnh tranh nội địa ngày càng khốc liệt.
2015 là năm phát triển nhanh chưa từng có của Jetstar Pacific kể từ khi chuyển sang mô hình chi phí thấp. Lượng đường bay nội địa từ 13 lên 24. Đường bay quốc tế tăng từ hai lên bốn. Lượng khách cũng chứng kiến bước nhảy vọt 38% lên 3,6 triệu lượt người. Với mức tăng trưởng 40%, lần đầu tiên kể từ khi thành lập, hãng đã có lãi.
“Lộ trình hiện tại của Jetstar Pacific là khôn ngoan và tương tự với mô hình của Jetstar Asia”, CAPA đánh giá. Theo tổ chức này, sau khi Vietnam Airlines quyết định thúc đẩy sự tăng trưởng của Jetstar Pacific vào năm 2014, đến nay hãng hàng không đang đi đúng hướng.
Một trong những chính sách khôn ngoan nhất hiện nay của Jetstar, theo CAPA, là chuyển hướng tập trung sang thị trường nước ngoài.
Chính sách này được đưa ra sau khi hãng thúc đẩy mạnh mẽ thị trường trong nước hồi năm ngoái, mở thêm 6 điểm đến nội địa và nhận thêm một số đường bay ngắn từ Vietnam Airlines. Mặc dù vẫn gia tăng số ghế để duy trì thị phần trong năm nay, Jetstar Pacific nhận thấy đã đến lúc họ chuyển hướng khi sức cạnh tranh nội địa ngày càng gay gắt trong khi lợi nhuận trên đầu ghế đi xuống vì các hãng đua giảm giá vé.
CAPA nhận định, chính các chuyến bay quốc tế đến Trung Quốc đại lục và Macau đã góp công lớn trong phần lãi đầu tiên mà hãng có được năm vừa rồi. Đường bay Hà Nội - Hong Kong khai thác từ tháng 9/2015 cũng đã được chứng minh là rất hiệu quả.
Jetstar Pacific có nhiều ưu thế khi “xuất ngoại” nhờ những nền tảng sẵn có của thương hiệu Jetstar. Ví dụ, thị phần của hãng trên các đường bay giữa Việt Nam và Hong Kong tăng từ 6 lên 8% vào cuối tháng 3 khi đường bay Hà Nội - Hong Kong chuyển sang hoạt động thường nhật.
Sắp tới, hãng cân nhắc mở thêm đường bay Đà Nẵng - Hong Kong nhờ tận dụng ưu thế về giờ cất hạ cánh và marketing của tập đoàn Jetsar , nhất là khi đối thủ cạnh tranh Vietjet chưa tìm được slot ở vùng lãnh thổ này.
Ngoài ra, hãng cũng dự định hướng đến ba điểm đến quốc tế mới năm nay, bao gồm Nhật Bản và Bali. Đây là hai thị trường tiềm năng vì chưa có bất cứ hãng hàng không giá rẻ nào khai thác tuyến Việt Nam – Nhật Bản; còn Bali vốn là điểm đến hấp dẫn nhưng khách chưa thể bay thẳng từ Việt Nam. Nhật Bản và Bali cũng là hai địa điểm có sự hiện diện mạnh mẽ của Tập đoàn Jetstar.
Bên cạnh đó, Jetstar Pacific vẫn đang đối mặt với tình trạng cạnh tranh khốc liệt từ thị trường nội địa với các hãng hàng không giá rẻ khác. Mặc dù nhu cầu bay vẫn còn cao để tạo ra tăng trưởng nhưng doanh thu bình quân theo ghế thấp, khó tạo ra lợi nhuận cho Jetstar Pacific về trung hạn. Tuy vậy, Jetstar Pacific vẫn có cơ hội kinh doanh tốt nếu biết biết cách khai thác tần suất chuyến bay bằng cách tập trung vào các chặng bay nối chuyến và liên doanh.
Để chuẩn bị cho đà tăng trưởng nhanh chóng, Jetstar đặt mục tiêu gia tăng đội máy bay thêm 50% năm nay, cao hơn mức tăng mà Vietjet dự định là 40%.
Bên lề một sự kiện của CAPA tổ chức hôm 3/3 vừa rồi, ông Leslie Stephens, COO của Jetstar Pacific cho biết hãng sẽ có 18 chiếc máy bay vào năm 2016, với 8 chiếc A320 sắp nhận và hai chiếc A321 sắp trả cho Vietnam Airlines.
Không dừng lại ở đó, số lượng máy bay sẽ còn tăng thêm 12 chiếc trong hai năm 2017 và 2018 nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng. Trong kế hoạch kinh doanh đã được sự phê chuẩn từ hai cổ đông lớn Vietnam Airlines và Qantas, Jetstar sẽ cần một đội bay 30 chiếc vào đầu năm 2019.
Triển vọng từ thị trường quốc tế có vẻ hứa hẹn hơn. Việc mở rộng dần dần mạng bay quốc tế và độ tin cậy cao từ các chuyến bay thuê chuyến sẽ cung cấp cho Jetstar Pacific nền tảng tốt trong giai đoạn phát triển mới của Hãng. Điều này cho thấy chiến lược của Jetstar Pacific đang đúng hướng. CAPA nhận định.