Năm 2018, Việt Nam đối mặt với nhiều vụ điều tra chống lẩn tránh thuế
Năm 2018 là năm Việt Nam phải đối mặt với nhiều vụ phòng vệ thương mại nhất từ trước tới nay.
Trong năm 2018, một số thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã tăng cường sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại như: chống bán phá giá, chống trợ cấp để bảo vệ ngành sản xuất của Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của WTO, chỉ trong thời gian chưa đầy 6 tháng, từ tháng 5 đến tháng 10/2018), các nước thành viên G20 đã khởi xướng tổng cộng 85 vụ việc phòng vệ thương mại, trong đó có 63 vụ chống bán phá giá, 19 vụ chống trợ cấp và 3 vụ việc tự vệ.
Cũng theo tổ chức này, các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam đang có xu hướng gia tăng. Tính đến tháng 11/2018, đã có 19 vụ điều tra chống lẩn tránh được khởi xướng đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam.
Những sản phẩm bị điều tra nhiều nhất là: sắt thép, sợi, đồ gia dụng, đồ điện tử... Một số mặt hàng xuất khẩu khác đang đứng trước nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh là ván ép xuất khẩu sang Hoa Kỳ, lốp xe tải và xe khách xuất khẩu sang EU.
Thép là một trong những mặt hàng bị điều tra chống bán phá giá nhiều nhất. (Ảnh minh họa: KT)
Do Hoa Kỳ và một số nước khác cho phép nhà nhập khẩu được tự khai, tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa nên không loại trừ khả năng hành vi gian lận xảy ra bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Trên cơ sở theo dõi diễn biến của các biện pháp phòng vệ thương mại trên thế giới, Bộ Công Thương đã trao đổi với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam cho hàng xuất khẩu, đặc biệt lưu ý tới một số mặt hàng có nguy cơ cao trong việc làm giả xuất xứ Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ cũng đã và đang phối hợp với Tổng cục Hải quan để theo dõi, nắm bắt những biến động bất thường trong hoạt động xuất khẩu sang một số thị trường để từ đó có biện pháp kiểm tra, xác minh và xử lý phù hợp đối với các hành vi gian lận xuất xứ Việt Nam nhằm lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, làm ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam nói chung và lợi ích của các doanh nghiệp chân chính nói riêng.
Trước tình hình trên, Bộ Công Thương khuyến nghị, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ. Đồng thời, phối hợp theo dõi sát thị trường để kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý khi thấy có dấu hiệu bất thường, tránh để các ngành sản xuất - xuất khẩu trong nước bị liên lụy và bị ảnh hưởng bởi các biện pháp chống lẩn tránh tại một số thị trường nhập khẩu./.
VOV