Năm 2018, xe nhập khẩu từ Thái tính cả chi phí đóng gói vận chuyển vẫn rẻ hơn xe sản xuất tại Việt Nam
Sản lượng nhỏ, tỷ lệ nội địa hoá thấp khiến chi phí sản xuất xe ở Việt Nam đang cao hơn ở Thái Lan, Indonesia từ 10 – 20%.
- 10-08-2017Ô tô nhỏ 400 triệu vào Việt Nam: Dành tiền 2018 mua xe
- 09-08-2017Những mẫu ô tô đạt 'quán quân' về... ế ẩm
- 09-08-2017Giảm giá hàng trăm triệu đồng, ô tô vẫn ế
- 08-08-2017Thị trường ô tô sụt giảm do người Việt 'chờ đợi'
Đây là thông tin được ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng tiểu ban chính sách, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết tại Hội thảo “Phát triển cụm công nghiệp ô tô trên thế giới và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam”.
Đại diện VAMA cho biết thị trường ô tô Việt Nam rất tiềm năng, chỉ đứng sau Indonesia. Nguyên nhân thu nhập đầu người đang được cải thiện trong bối cảnh cơ sở hạ tầng phát triển nhanh, kích thích nhu cầu mua, sử dụng ô tô. Khảo sát cho thấy hiện có 2 – 3 triệu ô tô trên 100 triệu dân, nghĩa là chỉ 2 – 3% dân số sở hữu xe.
Tiềm năng của thị trường là có thật, tuy nhiên, ông Tuấn tái khẳng định sự thật ngành công nghiệp ô tô đang trong tình trạng khó khăn.
“Quy mô thị trường quá nhỏ, ngành công nghiệp chưa phát triển đã phải mở cửa thị trường. Đây là khó khăn rất lớn thách thức duy trì sản xuất của doanh nghiệp”, ông nói.
Vị đại diện VAMA cho biết so với Thái Lan, Indonesia, sản lượng của Việt Nam thấp hơn từ 4 – 5 lần, trong khi đó, thị trường ô tô lại thường xuyên bị biến động do những thay đổi liên tục về chính sách thuế phí.
“Thị trường nhỏ, sản lượng thấp, dẫn đến khấu hao đầu tư thiết bị lớn, chi phí sản xuất cao hơn khu vực khiến cho chi phí sản xuất linh kiện phụ tùng ở Việt Nam cao hơn nhiều so với Thái Lan.
Buộc phải nội địa hoá để cắt giảm chi phí
Vị đại diện VAMA cho biết trong hơn 30.000 linh kiện của chiếc xe ô tô, Việt Nam đang phải nhập khẩu từ 70 – 80% linh kiện. Như vậy tỷ lệ nội địa hoá đối với ô tô vẫn còn rất thấp.
“Các nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam đang phải chịu thêm các chi phí như đóng gói, vận chuyển và thuế nhập khẩu, dẫn đến tổng chi phí sản xuất cả chiếc xe ở Việt Nam sẽ cao hơn ở Thái Lan hay Indonesia”, ông Tuấn nói
Sản lượng nhỏ, tỷ lệ nội địa hoá thấp nên chi phí sản xuất xe ở Việt Nam đang cao hơn ở Thái Lan, Indonesia từ 10 – 20% mà như ông Tuấn cho biết: “Thậm chí xe nhập khẩu từ Thái đã bao gồm chi phí đóng gói vận chuyển vẫn thấp hơn xe sản xuất ở Việt Nam khi thuế nhập khẩu bằng 0% vào năm 2018”.
Để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất xe, Phía VAMA đề xuất hình thành các cụm công nghiệp bao quanh nhà sản xuất ô tô để giảm chi phí logistic. Bên cạnh đó, phải nâng cao quy mô thị trường, tăng cường nội địa hoá, nâng cao năng lực cạnh tranh.
“Công nghiệp ô tô có thể hình thành rất nhanh nhưng để có công nghiệp hỗ trợ thì cần cả quá trình. Việt Nam đã bắt đầu chú ý đến việc phát triển nhưng chính sách hiện tại chưa cụ thể”, ông Tuấn nói.
Ông cũng kiến nghị mong chính sách ổn định, tránh thuế điều chỉnh liên tục, gây ảnh hưởng đến thị trường, kéo theo việc sản xuất bị tác động. Đồng thời Nhà nước cũng cần có chính sách ưu đãi với nhà sản xuất trong nước để họ có đủ năng lực cạnh tranh cần thiết.