Năm 2018 xuất khẩu hạt tiêu sẽ khó khăn
Xuất khẩu hạt tiêu sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn khi cung đang vượt cầu. Diện tích tiêu tăng nhanh ở Việt Nam và một số nước khác đã làm sản lượng toàn cầu tăng mạnh.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), từ đầu tháng 1/2018 đến nay, giá hạt tiêu tại thị trường trong nước tiếp tục biến động theo xu hướng giảm. Hiện giá hạt tiêu trung bình từ 61.000 - 64.000 đồng/kg, giảm 7.000-8.000 đồng/kg so với đầu tháng và chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2017.
Năng suất hạt tiêu năm 2018 cũng giảm mạnh do mưa kéo dài trong năm 2017 dẫn đến việc không thể tiến hành cắt nước, kích hoa cho hồ tiêu và khiến nhiều vườn tiêu dễ bị sâu bệnh. Tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, sản lượng hồ tiêu chỉ đạt 60-70%.
Giá hạt tiêu giảm mạnh trong 2 năm vừa qua do diện tích trồng tăng mạnh. Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2010 cả nước chỉ trồng 51,5 ngàn ha hạt tiêu; năm 2014 tăng lên 85,591 ngàn ha; đến hết 2017 là 152.668 ha, tăng 196,3% so với năm 2010, tăng 22,5% so với năm 2016, vượt quy hoạch trên 100 ngàn ha.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 15 ngày đầu tháng 1/2018 lượng hạt tiêu xuất khẩu đạt 6.654 tấn, trị giá 28,16 triệu USD, tăng 71% về lượng và tăng 0,3% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu hạt tiêu trung bình trong kỳ ở mức 4.232 USD/tấn, giảm 41,3% so với mức giá xuất khẩu trung bình cùng kỳ năm 2017.
Theo ước tính, tháng 1/2018 lượng hạt tiêu xuất khẩu đạt 12 nghìn tấn, trị giá 51 triệu USD, tăng 43,5% về lượng, nhưng giảm 17,5% về trị giá so với tháng 1/2017. Giá xuất khẩu hạt tiêu trung bình tháng 1/2018 ở mức 4.250 USD/tấn, giảm 42,5% so với mức giá xuất khẩu trung bình tháng 1/2017.
Năm 2017, lượng hạt tiêu xuất khẩu đạt 214.855 tấn, trị giá 1,12 tỷ USD, tăng 20,9% về lượng, nhưng giảm 21,8% về trị giá so với năm 2016. Năm 2017, trong khi xuất khẩu hạt tiêu sang 2 thị trường lớn nhất là Hoa Kỳ, EU giảm thì xuất khẩu sang Ấn Độ, Pakixtan, Hàn Quốc... lại tăng mạnh.
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất của Việt Nam trong năm 2017 với lượng đạt 38.861 tấn, trị giá 221,2 triệu USD, giảm 1,9% về lượng và giảm 35,4% về trị giá so với năm 2016. Xuất khẩu hạt tiêu sang Hoa Kỳ giảm do chủ yếu do Hoa Kỳ dịch chuyển nhập khẩu từ nguồn cung khác như Braxin, Inđônêxia, Êcuađo; giá xuất khẩu giảm khiến kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh, mặc dù lượng xuất khẩu chỉ giảm nhẹ.
EU là thị trường xuất khẩu hạt tiêu lớn thứ 2 của Việt Nam trong năm 2017 với lượng đạt 25.739 tấn, trị giá 156,5 triệu USD, giảm 0,3% về lượng và giảm 39,9% về trị giá so với năm 2016. Lượng hạt tiêu xuất khẩu sang Ấn Độ năm 2017 đạt 16.262 tấn, trị giá 78,8 triệu USD, tăng 46,3% về lượng, nhưng giảm 6,4% về trị giá so với năm 2016.
Dự báo, năm 2018 xuất khẩu hạt tiêu sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn khi cung đang vượt cầu. Diện tích tiêu tăng nhanh ở Việt Nam và một số nước khác đã làm sản lượng toàn cầu tăng mạnh. Sản lượng tiêu thế giới năm 2016 đạt 434.000 tấn, đến năm 2017 đã tăng lên 510.000 tấn.
Theo nghiên cứu của Nedspice, nguồn cung đang bắt đầu vượt quá nhu cầu và dự trữ tồn kho ở các nước sản xuất tiêu trên thế giới đang tăng đáng kể. Trong giai đoạn 2012 – 2017, mức tăng sản xuất là 5,5%/năm trong khi mức tăng nhu cầu chỉ đạt 2,4%/năm. Dự báo trong giai đoạn tới 2017 – 2030, nguồn cung tiềm năng sẽ đạt thấp nhất là 420.000 tấn và cao nhất là 670.000 tấn.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, năm 2018, mặc dù năng suất hạt tiêu tại một số nước sản xuất lớn, trong đó có Việt Nam, có thể giảm, nhưng do diện tích cho thu hoạch vẫn tăng nên tổng nguồn cung toàn cầu vẫn sẽ cao hơn 2017 và cao hơn nhu cầu. Điều này khiến giá thế giới có xu hướng không tăng. Bên cạnh đó, xuất khẩu hạt tiêu Việt Nam sẽ khó khăn do rào cản kỹ thuật từ các nước nhập khẩu như Hoa Kỳ, EU...
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đang có kế hoạch xem xét nâng mức giới hạn tối đa cho phép MRLs một số hoạt chất gồm Arcrimnathril, Tricyclazole, Metalaxyl… đối với hồ tiêu Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Tương tự, cuối năm 2016 EC đã dự kiến nâng mức MRLs Metalaxyl đối với hồ tiêu nhập khẩu từ 0,1ppm lên 0,05ppm.
Tuy nhiên, trước phản đối của Việt Nam và Ấn Độ, sau quá trình đàm phán tích cực của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương, EC đã giữ nguyên mức MRLs Metalaxyl ở mức 0,1ppm đến hết năm 2018. Do đó, nếu không kiểm soát tốt về chất lượng, Việt Nam sẽ mất dần thị phần tại EU cũng như tại Hoa Kỳ, Ấn Độ.
Thời Đại