BĐS nghỉ dưỡng 2020, doanh nghiệp chịu áp lực về tài chính phải bán tài sản hoặc tìm kiếm đối tác đầu tư
Nhiều doanh nghiệp BĐS nghỉ dưỡng có thể sẽ gặp khó khăn hơn. Sự thiếu hụt dòng tiền này có thể khiến một số chủ sở hữu, đặc biệt là đối với các dự án có tính đòn bẩy cao, phải chịu áp lực về tài chính, dẫn đến tình trạng phải bán tài sản hoặc tìm kiếm đối tác đầu tư
Ngành du lịch nghỉ dưỡng Việt Nam đang phải chống chọi với những ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch covid-19. Mới đây, thông tin Hàn Quốc bùng phát dịch bệnh covid-19 đã tiếp tục ảnh hưởng nặng nề đến ngành này bởi khách đến từ xứ kim chi là thị trường lớn thứ 2 ở Việt Nam, chỉ sau duy nhất Trung Quốc với 645.000 lượt, chiếm 32,3% tổng lượng khách. Con số này cao hơn rất nhiều Nhật Bản, thị trường đứng ở vị trí thứ 3 khi chỉ đạt khoảng 80.000 lượt.
Đánh giá về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến thị trường Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bộ phận tư vấn Savills Việt Nam cho biết, những thiệt hại do dịch bệnh gây ra cho ngành du lịch là rất đáng kể và chưa thể lượng hóa hết được.
Nhiều doanh nghiệp BĐS cũng chia sẻ, họ đang phải hoãn kế hoạch ra hàng, bán hàng bởi thị trường đang rất xấu. Theo lãnh đạo một sàn giao dịch BĐS tại TP HCM cho biết, kế hoạch của công ty này là tổ chức mở bán một dự án BĐS nghỉ dưỡng ở Bình Thuận có diện tích 90 ha, được mở bán lần đầu vào tháng 9-2019 và nay tiếp tục mở bán các đợt tiếp theo. Tuy nhiên, do gặp phải dịch bệnh nên sự kiện bán hàng đang bị trì hoãn liên tục.
Một doanh nghiệp lữ hành kiêm chủ đầu tư một dự án lớn tại Ninh Thuận cũng cho biết hiện nay doanh nghiệp cũng mới bắt đầu chạy một chút truyền thông trở lại để "khách hàng đỡ quên". Xác định năm nay là năm cực kỳ khó của toàn thị trường nói chung nên bản thân doanh nghiệp này cũng đang nghe ngóng các chủ đầu tư khác.
Trao đổi với chúng tôi, chủ đầu tư đang triển khai chuỗi dự án bất động sản nghỉ dưỡng trải rộng từ Bắc vào Nam cũng khẳng định hiện tất cả các kế hoạch kinh doanh được phê duyệt từ cuối năm 2019 đều bị hoãn lại, doanh nghiệp đang tập trung hoàn thiện hồ sơ thủ tục pháp lý cho dự án để chờ hết dịch bung hàng trở lại.
Khi được hỏi về việc doanh nghiệp có tính đến chuyện sẽ giảm giá, kích cầu khách mua trong bối cảnh hiện tại thì đại diện một doanh nghiệp đang phát triển dự án nghỉ dưỡng quy mô tại Bình Thuận ví von "Ao có cá, thì mới thả mồi. Ao không có cá dù mồi ngon đến đâu cũng không ăn thua". Cũng theo vị này, hiện nay dịch covid-19 diễn biến phức tạp, nhà đầu tư chủ yếu muốn bảo toàn dòng vốn nên kêu gọi đầu tư vào BĐS nghỉ dưỡng lúc này rất khó.
Bàn về vấn đề này, ông Mauro Gasparotti - Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương phân tích: “Dịch bệnh do virus corona đã gây ra những tác động đáng kể đến nhiều ngành công nghiệp, trong đó bất động sản nghỉ dưỡng là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tuy nhiên, mức độ quan tâm của các nhà đầu tư về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ không thay đổi nhiều. Nhà đầu tư sẽ không vì dịch bệnh mà bỏ qua sự hấp dẫn của thị trường. Bởi, các nhà đầu tư dài hạn thường không bị chi phối bởi những biến động ngắn hạn như thiên tai, dịch bệnh.
Trong khi đó, phía người bán có thể sẽ gặp nhiều khó khăn hơn do tác động tiêu cực của dòng tiền hoạt động trong năm nay. Sự thiếu hụt dòng tiền này có thể khiến một số chủ sở hữu, đặc biệt là đối với các dự án có tính đòn bẩy cao, phải chịu áp lực về tài chính, dẫn đến tình trạng phải bán tài sản hoặc tìm kiếm đối tác đầu tư".
"Do đó, dự kiến trong năm nay sẽ xuất hiện nhiều dự án được chào bán tại Việt Nam và các nước lân cận, đặc biệt là ở các điểm đến ven biển vì những nơi này phải đối mặt với sự sụt giảm lượng khách du lịch nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, sẽ không có việc “bán tháo” tài sản, mà sẽ ở mức độ cân nhắc về giá”, ông Mauro Gasparotti nhấn mạnh