Năm 2021 là "cơ hội vàng" để mua bất động sản?
Nhiều người đặt câu hỏi, thời điểm này, nguồn thu nhập bị giảm, thậm chí mất việc vì dịch thì tiền đâu để mua BĐS?
Quả thực, dịch Covid-19 lần thứ tư kéo dài đã làm đảo lộn mọi thứ về mặt kinh tế - xã hội. Trong đó, lĩnh vực BĐS bị xáo trộn nghiêm trọng về cả nguồn cung lẫn sức cầu.
Theo báo cáo thị trường tháng 7/2021 của Batdongsan.com.vn, tại Tp,HCM, thị trường đang bùng phát dịch lớn nhất cả nước ghi nhận nhu cầu tìm mua nhà đất trong tháng 7 giảm rất mạnh. Đồng Nai và Bình Dương, hai thị trường có số ca nhiễm gia tăng liên tục trong tháng vừa qua cũng ghi nhận mức tìm mua nhà đất giảm 35% so với tháng trước.
Tổng lượng tin đăng rao bán bất động sản tại Tp.HCM giảm kỷ lục, với mức giảm lên đến 52% so với tháng trước. Lượng tin đăng bán nhà đất, nhà riêng và căn hộ tại Tp.HCM giảm trung bình từ 48-59% chỉ trong 1 tháng. Tương tự, nhu cầu tìm mua chung cư, đất nền và nhà riêng tại Tp.HCM cũng giảm mạnh ở mức từ 25-41%, mức giảm thấp kỷ lục trong các năm gần đây.
Theo các chuyên gia, Chỉ thị 16 kéo dài liên tục trong tháng qua đã khiến mọi hoạt động kinh tế của Tp.HCM bị đình trệ, hầu hết các phân khúc BĐS chịu ảnh hưởng nặng nề từ việc không thể trực tiếp tham gia mua bán và tìm kiếm nhà đất. Thị trường bất động sản Tp.HCM trong tháng 8 sẽ tiếp tục đối diện thách thức lớn khi lệnh giãn cách vẫn còn kéo dài.
Còn theo Savills Việt Nam, trong phân khúc đầu tư nhà ở, khảo sát gần đây cho thấy biến động kinh tế phức tạp khiến chi tiêu của đa số người dân thận trọng hơn trước, vì thế nhu cầu mua BĐS cũng de dè hơn.
Tuy nhiên, không có nghĩa là động thái mua BĐS của nhà đầu tư "tắt hẳn" trên thị trường BĐS.
Chia sẻ mới đây, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group cho rằng, câu hỏi "tiền đâu mua BĐS", chưa thể bao phủ hết các nhóm nhà đầu tư hiện có. Bởi nhận định này có thể xảy ra, khi nói về nhóm nhà đầu tư có nhu cầu mua để ở, họ sẽ tạm thời chưa đưa ra quyết định hay tạm dừng các hoạt động mua bán khi tình hình dịch bệnh còn căng thẳng, thu nhập bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên nhóm nhà đầu tư chuyên nghiệp, xác định đầu tư dài hạn thì họ đã có cho mình kế hoạch tài chính. Trong trường hợp phải bán đi trong danh mục mười bất động sản thì có phải chọn một hai cái thì người ta chọn cái kém ưu thế để bán đi. Trong trường hợp này thì kỳ vọng lợi nhuận của họ sẽ không cao hoặc họ có thể đẩy hàng bằng với mức giá đã mua vào. Hoàn toàn không có hiện tượng đẩy hàng lỗ đi ồ ạt.
"Chưa kể, giai đoạn khủng hoảng thì yếu tố lạm phát luôn là yếu tố mà mọi người nghĩ tới. Bất động sản là một loại hàng hóa mà người ta sẽ chuyển hóa từ tiền thành tài sản. Bất động sản do đó vẫn có thứ tự ưu tiên một, trong danh mục đầu tư vẫn phải luôn có bất động sản", ông Phúc nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho hay, trong guồng quay chung của nền kinh tế trong nước, lĩnh vực Bất động sản cũng chịu những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, sau những biến cố thì 2021 vẫn là một năm hứa hẹn sự phục hồi, tăng trưởng, hứa hẹn mang tới nhiều cơ hội và tiềm năng cho các nhà đầu tư.
Theo vị chuyên gia này, năm 2021 là năm nhiều khó khăn và thử thách chung, không chỉ cho riêng Việt Nam, mà còn của cả thế giới. Có thể kể ở đây các yếu tố chính là sự diễn biến phức tạp và khó lường của đại dịch Covid-19; căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và các nước lớn trên thế giới; rủi ro địa chính giữa các khu vực; và việc bất ổn tài chính toàn cầu.
Là một đất nước đang ngày một hòa nhập sâu vào nền kinh tế của thế giới, Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động chung này. Đặc biệt, 2021 còn là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Điều này đặt ra những thử thách lớn cho Chính phủ nước ta.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chưa thể sớm kết thúc, tác động tiêu cực có thể kéo dài, cùng với các ngành kinh tế trọng điểm khác như thương mại dịch vụ, vận tải, du lịch hàng không, đầu tư bất động sản cũng là lĩnh vực được dự đoán gặp nhiều khó khăn.
Mặc dù vậy, theo TS Khương, thị trường được dự đoán là sẽ không chứng kiến một sự suy sụp và giảm giá đáng kể như năm 2010 và 2011. Vào năm 2010 và 2011, thị trường đã chứng kiến việc rớt giá đến 30% trong cả nước, có thể kể đến một số lí do quan trọng như: thị trường đã tăng trưởng quá nóng trước đó, kế tiếp là tăng trưởng trong tín dụng quá nóng từ từ 30%-45%, cộng với việc tăng trưởng trong lãi suất qua đêm từ 10%-12% lên tới hơn 20%.
Tình hình hiện tại thì tuy là vẫn tồn đọng những khó khăn nhưng thị trường bất động sản khác trước rất nhiều. Với giả định rằng những mục tiêu về kinh tế thì tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ được ít nhất như năm 2020, lãi suất tiền gửi và lãi suất huy động như năm 2020, biên độ tăng trưởng tín dụng xấp xỉ 30%, tỷ giá hối đoái và tỷ giá ngoại tệ được kiểm soát tốt. Do vậy bức tranh xấu nhất của thị trường nhà ở trong năm 2021 là giá cả sẽ bằng năm 2020, ngoài ra giá chỉ có thể tăng nếu không xảy ra những biến cố khác.
Đối với các nhà đầu tư cá nhân, xu hướng đầu tư của họ cũng có những sự dịch chuyển và thay đổi nhất định. TS Khương phân tích, thường các nhà đầu tư cá nhân sẽ có xu hướng lựa chọn vàng và bất động sản là kênh trú ẩn an toàn. Trong quá khứ, vào những thời điểm bất ổn như chiến tranh và dịch bệnh thì thường nhà đầu tư sẽ chuyển từ những khoản đầu tư mạo hiểm với khả năng thanh khoản cao sang những khoản đầu tư ít rủi ro và thanh khoản thấp hơn. Nếu như thế hệ trước trong thời kì chiến tranh bất ổn tích trữ vàng thì giờ này được chuyển sang bất động sản. Với các nhà đầu tư cá nhân thì đầu tư bất động sản là kênh tốt để tích lũy thay cho gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng hay tích trữ vàng.
"Năm 2021 thật sự là một cơ hội cho các nhà đầu tư cá nhân xem xét lại hoạt động kinh doanh, cân nhắc thêm là nếu họ sử dụng đòn bẩy kinh tế thì liệu họ có còn khả năng chi trả cho đến lúc thị trường tốt như kì vọng để bán, còn không thì những khó khăn về tài chính mà nếu họ không vượt qua được thì họ sẽ ra sao. Đối với những người có năng lực tài chính dồi dào thì họ có thể lướt còn không thì cho thuê, vì đó là tài sản của họ. Nhưng nếu phải đang dùng đòn bẩy quá lớn thì nên cân nhắc kỹ lưỡng", TS Khương nhấn mạnh.
Cụ thể hơn, trong phân khúc đầu tư nhà ở, khảo sát gần đây cho thấy biến động kinh tế phức tạp khiến chi tiêu của đa số người dân thận trọng hơn trước, vì thế nhu cầu mua bất động sản vừa túi tiền như căn hộ vừa túi tiền đang chiếm ưu thế. Theo đại diện Savills, phân khúc này sẽ hoạt động tốt trong thời gian tới, bởi tình hình kinh tế tại Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng tốt trong bối cảnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và tác động nền kinh tế toàn cầu; lãi suất có xu hướng giảm; lượng hàng tồn thấp và nguồn cung mới còn hạn chế; và chủ đầu tư tiếp tục đẩy mạnh kích cầu với nhiều ưu đãi.
Nhìn chung về tổng quan thị trường năm 2021, các chuyên gia của Savills Việt Nam cho rằng thị trường BĐS vẫn ổn định và là một cơ hội tốt để nhà đầu tư cân nhắc chuyển đổi từ những khoản đầu tư khác sang đầu tư bất động sản để bảo toàn vốn, và vì giờ đây có nhiều lựa chọn trên thị trường hơn bao gồm những bất động sản có tính thanh khoản cao mà trước đây khó có thể tiếp cận.