Năm 2022 sẽ rất khác: Trẻ em được tiêm chủng, 100% dân số trên 18 tuổi tiêm mũi 2, có thể tiêm mũi 3 vắc xin phòng Covid-19
Ngành y tế bớt quá tải, bớt bi kịch do Covid đồng nghĩa với việc dịch dần dần không còn là nỗi ám ảnh trong đời sống xã hội nữa. Đó chính là mục tiêu Việt Nam sẽ phải đạt được trong năm 2022, chuyên gia nói.
- 17-09-2021Chủ tịch FPT hứa mở trường cho 1.000 trẻ nhỏ mồ côi cha mẹ bởi dịch Covid-19, cam kết nuôi dạy và đào tạo liên tục 20 năm
- 16-09-2021Công việc gì sẽ "hot" hậu COVID-19? Dưới đây là 10 ngành nghề hàng đầu trong tương lai được nhận định dễ kiếm việc và có tiền
- 15-09-2021Mẹ Việt ở Anh chia sẻ cách con đi học thời Covid-19: Nhìn con được đến lớp vui lắm, yên tâm tuyệt đối với mô hình "trường bong bóng"
GS.TS. Lê Thị Hương - Viện trưởng Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội - đã chia sẻ với phóng viên nhiều thông tin về phòng chống dịch Covid-19 sau cuộc họp lập kế hoạch chiến lược ứng phó với Covid-19 trong năm 2022 của Bộ Y tế. Những thông tin này bao gồm bắt đầu nghiên cứu để khởi động tiêm cho trẻ từ 12 - 17 tuổi, 100% dân số trên 18 tuổi trên cả nước được tiêm hết mũi 1 ngay trong năm 2021, hướng đến tiêm toàn bộ mũi 2 cũng như tính đến phương án tiêm nhắc lại mũi 3 vắc xin Covid-19 cho nhân dân vào đầu năm 2022...
01. MỤC TIÊU CỦA NĂM 2022: DỊCH KHÔNG CÒN LÀ NỖI ÁM ẢNH TRONG ĐỜI SỐNG
Thanh An: Thưa Giáo sư, điều gì khiến bà ấn tượng sau cuộc họp giữa lãnh đạo Bộ Y tế với các nhà khoa học để bàn về giải pháp phòng chống dịch cho năm 2022?
GS Lê Thị Hương: Tôi ấn tượng khi thấy mỗi nhà khoa học đều có những chia sẻ, đóng góp rất xây dựng.
Giáo sư Đính (GS Vũ Văn Đính) nhận định, với điều kiện kinh tế xã hội cũng như năng lực của ngành y tế Việt Nam lúc này thì phát hiện sớm, cách ly sớm, khoanh vùng dập dịch sớm là giải pháp cần được tôn trọng trong năm 2022. Thầy cũng nhất trí với quan điểm không thể phong tỏa các cộng đồng dân cư một cách cơ học mãi được. Người dân cần được làm việc, giao lưu để duy trì cuộc sống vật chất và tinh thần... Phương án "Vắc xin 5K" được thầy coi như chìa khóa giúp Việt Nam có thể kiểm soát dịch trong năm 2022.
Liên quan đến vấn đề phát triển vắc xin phòng Covid-19 trong nước, GS.TS Trương Việt Dũng - Chủ tịch Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia khẳng định Việt Nam phát triển vắc xin với nguyên tắc bỏ thủ tục hành chính nhưng không bao giờ bỏ qua các bước thử nghiệm khoa học chuẩn mực. Bởi vì vắc xin liên quan đến tính mạng con người. Chính xác hơn là liên quan đến tính mạng cả cộng đồng. Triển vọng cho các ứng viên vắc xin của Việt Nam đều đang rất khả quan, đang theo đúng đề cương nghiên cứu đã được phê duyệt.
Trên tất cả, sau cuộc họp đó chúng tôi đã có thể hy vọng về một năm 2022 ổn hơn rất nhiều so với 2021.
Thanh An: Cơ sở nào giúp bà nhận định rằng năm 2022 sẽ ổn hơn rất nhiều so với 2021?
GS Lê Thị Hương: Đầu tiên và tiên quyết là bởi vì từ người dân cho đến lãnh đạo đất nước đều đã có cho bản thân mình những bài học hết sức thiết thực với Covid-19.
Tiếp theo đó, chìa khóa để giải quyết vấn nạn quá tải y tế do Covid-19 gây ra đang được chúng ta tích lũy ngày một nhiều hơn, dồi dào hơn. Lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định chiến lược vắc xin cho Việt Nam từ giờ đến cuối năm chắc chắn sẽ tiêm toàn bộ mũi 1 và một phần mũi 2 cho người dân từ 18 tuổi trở lên.
Mới đây, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có buổi làm việc, trao đổi với các nhà khoa học, các chuyên gia của các Hội đồng khoa học bàn bạc và chuẩn bị chiến lược phòng chống dịch năm 2022 trên cơ sở tổng kết những bài học kinh nghiệm trong suốt thời gian qua. Chiến lược này là tổng thể các giải pháp nâng cao năng lực hệ thống y tế và những vấn đề liên quan khác mang tính chuyên môn như xét nghiệm, điều trị, vaccine, thuốc… trong phòng chống dịch COVID-19.
Đầu năm 2022, Chính phủ sẽ cân đối các nguồn vắc xin để tiêm mũi 2 cho người dân trong cả nước. Rút ra bài học kinh nghiệm của các nước đi trước về vấn đề tiêm nhắc lại, không loại trừ khả năng năm 2022, Việt Nam sẽ tiêm bổ sung mũi thứ 3.
Tiếp theo nữa, Việt Nam cũng theo xu thế của thế giới, lên phương án tính đủ liều vắc xin cho trẻ em để có thể bắt đầu khởi động kế hoạch tiêm cho trẻ từ 12 - 17 tuổi. Từ đó đảm bảo quyền lợi cho học sinh đến trường, hòa nhập với xã hội.
Nhiều nghiên cứu cho thấy so sánh người không tiêm vắc xin với người tiêm vắc xin tỷ lệ tử vong cao gấp 11 lần. Tại sao chúng ta không làm việc đấy để giảm số người tử vong? Rồi giữa không tiêm vắc xin với tiêm vắc xin cho thấy tỷ lệ mắc gấp 5 - 6 lần. Tiêm vắc xin còn giúp giảm nguy cơ bệnh nhân Covid phải vào ICU điều trị...
Một khi giảm tỷ lệ lây, giảm tỷ lệ bệnh nhân nặng, giảm tỷ lệ bệnh nhân tử vong là chúng ta đã thành công rất nhiều. Ngành y tế bớt quá tải, bớt bi kịch do Covid gây nên đồng nghĩa với việc dịch dần dần không còn là nỗi ám ảnh trong đời sống xã hội nữa. Đó chính là mục tiêu Việt Nam sẽ phải đạt được trong năm 2022. Như vậy năm 2022 sẽ rất khác so với hiện tại.
02. LÀM SAO ĐỂ AN TOÀN NẾU GIA ĐÌNH TÔI CÓ F0?
Thanh An: Bộ Y tế đang đưa ra các hướng dẫn F0, F1 điều trị và theo dõi tại nhà. Với sự chuẩn bị này, có thể hình dung năm 2022 chúng ta sẽ sống chung với Covid-19 như thế nào thưa Giáo sư?
GS Lê Thị Hương: Tất cả mọi mối quan hệ chung sống đều cần phải có nguyên tắc lý thuyết và kỹ năng thực hành giúp các đối tượng trong mối quan hệ đó trở nên an toàn.
Ta cứ hình dung trong gia đình ngoài những đứa con ngoan ra vẫn còn những đứa trẻ chưa vâng lời, thích gây rối. Làm bố mẹ đương nhiên cần có biện pháp giáo dục để đưa con mình vào khuôn khổ nhất định của cả gia đình.
Bây giờ cứ tạm coi con SARS-CoV-2 là đứa con hư đi. Mình phải có nguyên tắc, luật lệ và kỹ năng để nó định hướng nó, giúp chính bản thân mình cũng có thời gian, không gian giải quyết các vấn đề khác ngoài nó.
Trong hệ thống chiến lược phòng chống Covid-19 năm 2022, tôi cho rằng hoạt động đào tạo tập huấn, truyền thông, phổ biến kiến thức sống chung an toàn với Covid-19 cho từng người dân là vô cùng quan trọng.
Mục tiêu là để từng người dân đều có thể tự tin trả lời câu hỏi: Làm sao giúp gia đình mình an toàn khi có F0 trong nhà?
Thanh An: Câu hỏi rất quan trọng đấy ạ. Nếu gia đình tôi có F0, phải làm như thế nào để tất cả mọi người an toàn thưa Giáo sư?
GS Lê Thị Hương: Trước đây đơn giản lắm, có F0 thì bốc cả nhà đi.
Nhưng khi dịch bùng lên như ở thành phố Hồ Chí Minh, các cơ sở cách ly tập trung quá tải nên có bốc đi đâu được nữa đâu. Vào trường hợp đó chúng ta phải xử lý như thế nào?
Để mặc kệ người dân được không? Thảm họa nhân đạo bùng phát ngay!
Với bài học kinh nghiệm nhãn tiền vừa qua, trách nhiệm của chiến lược phòng chống Covid-19 trong năm 2022 là phải cung cấp kiến thức, hướng dẫn thực hành cho toàn bộ người dân Việt Nam trở nên bình tĩnh và an toàn trước Covid. Bài toán đặt ra ở đây là ngành y tế phải nâng cao năng lực của tuyến y tế cơ sở.
Trong trường hợp hệ thống y tế cơ sở được phát triển tốt, việc đầu tiên cần làm là một trong số các thành viên của gia đình phải thông báo ngay với y tế cơ sở. Từ hành động thông báo này, gia đình sẽ nhận được hướng dẫn NGAY LẬP TỨC của y tế phường/xã sở tại . Đồng thời y tế cơ sở cũng nắm bắt được và đưa thông tin F0 vào diện kiểm soát dịch bệnh của địa phương.
Nếu F0 đấy do tình cờ phát hiện mà ra, không triệu chứng lại tiêm đủ 2 mũi vắc xin rồi thì nên ở nhà cách ly với người thân. Người thân trong gia đình đã tiêm hay chưa tiêm vắc xin cũng cần thông báo ngay với y tế cơ sở đồng thời cách ly với cộng đồng để theo dõi.
Điều kiện cho F0 cách ly cũng cần được nêu rất cụ thể: phòng riêng thoáng mát, vệ sinh riêng biệt, có người chăm sóc.
Người chăm sóc và F0 cần nắm rõ các biện pháp phòng vệ, khử khuẩn để bảo vệ cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Y tế cơ sở hàng ngày liên lạc thu thập thông số thân nhiệt và biểu hiện bệnh của F0 để có phương án xử lý lúc cần thiết. Với tất cả các tiêu chí gạch đầu dòng đó, cách ly F0 tại nhà là hoàn toàn hợp lý.
Thanh An: Hướng dẫn trên dường như dành cho các hộ gia đình ở thành phố, có điều kiện sinh hoạt động rãi và riêng biệt. Còn ở các khu dân cư nghèo, phòng trọ chật chội... thì phải làm sao thưa Giáo sư?
GS Lê Thị Hương: Đúng là nói đi thì cũng phải nói lại.
Xã hội Việt Nam đang tồn tại thực tế cả một xã/phường hơn mấy chục nghìn dân mới có 1 trạm y tế với biên chế 6 người. Cho nên, vô cùng khó để cách ly F0 ở nhà trên phạm vi cả nước. Và đúng là cho đến nay, chúng ta chưa dám tự tin.
Đừng lấy ví dụ về chính sách chống dịch của nước ngoài một cách đẹp đẽ thông qua dịch nghĩa các thuật ngữ. Chúng ta cần phân tích tất cả các yếu tố dẫn đến hệ thống chính sách đó. Các nước đang phát triển lựa chọn hình thức để F0 tại nhà là bởi người ta có sẵn hệ thống bác sĩ gia đình.
Hệ thống đó cho biết chính xác rằng trong khoảng 50 gia đình ở thị trấn này, hay ở khu phố nọ đều có một ông bác sĩ, bà điều dưỡng quản lý. Họ vốn dĩ đã trực tiếp liên hệ, phối hợp với nhau một cách rất sát sao. Khi sát sao rồi thì hiệu quả kiểm soát tốt là đương nhiên.
Còn Việt Nam, thứ nhất, ý thức người dân chưa hoàn toàn tốt. Thứ hai, kiến thức của người dân về bệnh chưa hoàn toàn đầy đủ. Thứ ba, điều kiện môi trường sống, nhà ở để cách ly F0 với các thành viên còn lại của gia đình chưa phải nơi nào cũng đáp ứng được.
Rất nhiều khu dân cư của Việt Nam đang tồn tại thực tế căn phòng rộng từ 15 - 40m2 có đến 4 - 5 người ở cùng nhau, chung nhau một nhà vệ sinh. Cách ly F0 trong những khu nhà như vậy thì họ lây nhau hết. Vậy nên cách ly F0 tại nhà an toàn chỉ có thể diễn ra khi y tế cơ sở đủ mạnh và chính quyền cơ sở đủ sát sao.
Đà Nẵng thời gian vừa qua đã làm rất triệt để, rất hiệu quả mô hình này. Đấy là những bài học rất nên tổ chức diễn đàn để từng tỉnh có thể chia sẻ với nhau cách làm của địa phương mình. Tuy nhiên, sẽ rất khó có một công thức chung cho tất cả.
Một khi đã xác định rằng không thể loại bỏ hết F0 trong cộng đồng thì chúng ta cũng phải xác định vấn đề đã không dừng lại ở phạm vi của ngành y tế hay BCĐ phòng chống dịch mà phải trở thành nhiệm vụ, hành động của từng người dân, từng chính quyền địa phương cấp nhỏ nhất.
03. CƠ SỞ DỮ LIỆU - ƯỚC MƠ LỚN NHẤT CỦA NGÀNH Y TẾ
Thanh An: Khó để có được một công thức chung trong xử lý từng vấn đề chống dịch, nhưng rõ ràng chúng ta cần một cơ sở dữ liệu thống nhất trong toàn quốc để hoạch định chiến lược chung chứ thưa Giáo sư?
GS Lê Thị Hương: Chính xác đấy! Cơ sở dữ liệu hay chính xác hơn là cơ sở dữ liệu cho hệ thống giám sát bệnh tật của Việt Nam chính là thực thể "bất biến" giúp chúng ta ứng phó với "vạn biến" cấp độ dịch ở từng địa phương cụ thể.
Hệ thống này phải được coi là hệ thống giám sát trọng điểm, cung cấp dữ liệu tình trạng bệnh nhân, mức độ lây lan... giúp chính quyền địa phương có cơ sở đưa ra quyết định về tần suất xét nghiệm, tổ chức cách ly, chuẩn bị hệ thống điều trị...
Nói thì tưởng vĩ mô đâu đâu nhưng chúng ta phải nhớ rằng mình đang có hệ thống y tế dự phòng được xây dựng từ thôn/bản, xã/ phường lên đến trung ương. Ứng dụng CNTT để vận hành hệ thống dữ liệu của y tế dự phòng một cách liên thông sẽ có ngay số liệu về điều tra dịch tễ, về tiêm chủng, về xét nghiệm, về điều trị (thông qua các mã ID bệnh án điện tử)...
Chúng ta hoàn toàn có thể có được một bức tranh toàn cảnh và cập nhật về diễn biến dịch của cả đất nước trong mỗi ngày, trong cả đợt bùng phát, trong cả năm hay cả thập kỷ để nghiên cứu.
Giống như hệ thống giám sát Cúm toàn cầu đã giúp thế giới phát hiện ra những biến động lạ ở Trung Quốc ngay từ lúc mới chớm bắt đầu xuất hiện Covid-19 hồi cuối 2019. Các nhà khoa học hồi đó đã cảnh báo ngay và cả thế giới biết được để ứng phó.
Tại thời điểm này Trung Quốc đang ứng phó với dịch bệnh bằng cách dựa vào cơ sở dữ liệu của từng ca bệnh, từng chùm bệnh được phát hiện ra ở từng thôn, từng khu phố. Một ca sốt, ho, khó thở được phát hiện là hiện ngay dữ liệu đỏ lừ ở trung ương. Hệ thống giám sát của người ta tốt như thế nên đừng hỏi vì sao người ta có được nhiều giải pháp thần tốc để kiểm soát dịch.
Còn mình, trạm y tế xã đang báo cáo tình hình bệnh tật hàng ngày bằng giấy lên y tế huyện. Một chuyên viên ở huyện ngồi xem xét, lọc ra rồi mới báo lên tỉnh. Sở Y tế tỉnh nắm được thì trung ương mới được biết.
Lúc đấy nguồn bệnh đã lan rộng ra rồi còn đâu nữa. Cho nên công nghệ và sự liên thông một cửa rất quan trọng đối với hệ thống giám sát bệnh tật của Việt Nam. Chỉ có cách này mới có thể giúp phát hiện sớm ca bệnh. Từ đấy, y tế dự phòng mới phát huy được vai trò của mình trong khoanh vùng dập dịch.
Hệ thống này có thể coi là mơ ước lớn nhất của ngành y tế. Nếu làm thành công không chỉ Covid-19 đâu, rất hiệu quả trong kiểm soát nhiều loại bệnh tật, các vấn đề y tế khác./.
Doanh nghiệp & Tiếp thị