Năm 2025 sẽ đưa vào khai thác cảng cạn tân cảng Mộc Bài
Dự án này là động lực thúc đẩy kinh tế biên mậu, dịch vụ logistics, góp phần hoàn chỉnh hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài và sự phát triển kinh tế của địa phương.
Cảng cạn tân cảng Mộc Bài nằm trong khu kinh tế cửa khẩu cảng Mộc Bài, thuộc địa phận xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh; có tổng diện tích 16,52 ha, do Công ty CP Tân Cảng Tây Ninh làm chủ đầu tư với tổng kinh phí 552 tỉ đồng vừa khởi công ngày 24-11.
Dự án được đầu tư xây dựng gồm bãi container, kho CFS, kiểm soát, bãi đỗ và lưu xe... với các trang thiết bị hiện đại gồm 3 cẩu RTG 6+1, 5 xe nâng hàng/rỗng, 50 xe đầu kéo, 50 rơ-moóc…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tây Ninh Võ Đức Trong cho biết Tây Ninh đang tập trung lập đồ án điều chỉnh quy hoạch để phát triển Mộc Bài là trung tâm công nghiệp, đô thị, trung tâm thương mại, du lịch, dịch vụ logistics trong thời gian sớm nhất.
Dự án đi vào hoạt động sẽ đáp ứng một phần nhu cầu của khu kinh tế cửa khẩu, động lực thúc đẩy kinh tế biên mậu, dịch vụ logistics, góp phần hoàn chỉnh hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài và sự phát triển kinh tế của địa phương.
Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh và Tân Cảng Sài Gòn thực hiện nghi thức khởi công
Dự kiến đến tháng 5-2024, cảng cạn tân cảng Mộc Bài sẽ đi vào khai thác và cung cấp đầy đủ các dịch vụ về kiểm tra, hoàn tất thủ tục hải quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu bằng container; kho tạm chứa hàng xuất nhập khẩu và container.
Ngoài ra, nơi đây còn sửa chữa và bảo dưỡng container; giao nhận hàng hóa khác (hàng rời, hàng bách hóa…); gom và chia hàng lẻ đối với hàng chung chủ trong cùng container; đóng hàng vào và dỡ hàng ra khỏi container; vận chuyển hàng container từ cảng cạn đến cảng biển và ngược lại; nhận và gửi hàng hóa vận chuyển bằng container.
Cảng cạn tân cảng Mộc Bài là cơ sở thứ 28 trong hệ thống các cơ sở cảng, hạ tầng dịch vụ logistics của đơn vị và là cảng cạn đầu tiên của Tân cảng Sài Gòn gắn với cửa khẩu biên giới.
Mộc Bài nằm trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam - vùng kinh tế năng động, có tốc độ phát triển nhanh với đầu tàu kinh tế là TP HCM.
Trục kết nối giữa cảng Cái Mép - Thị Vải, sân bay Long Thành và khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài hình thành bộ ba cửa khẩu, cảng quan trọng hội đủ yếu tố "đường biển - đường hàng không và đường bộ" của vùng.
Phát triển khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài góp phần mở rộng không gian phát triển cho TP HCM và vùng Đông Nam Bộ gắn với củng cố quốc phòng - an ninh và đối ngoại của quốc gia
Tây Ninh đã kiến nghị Trung ương nghiên cứu có cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội để tạo đột phá phát triển khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài theo mô hình Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ hiện đại, xanh và bền vững, cơ chế chính sách ưu đãi về đất đai, đầu tư; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược, doanh nghiệp đầu đàn...
NLĐ