MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Năm của những... "lần đầu tiên"

Dù chưa có những con số chính thức, nhưng số liệu dự báo từ Ngân hàng Thế giới cho thấy, tăng trưởng của Việt Nam đang nằm trong Top đầu thế giới...

Khi dòng chảy của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 "tràn" vào Việt Nam và làm thay đổi nhanh chóng các vấn đề từ xã hội, kinh doanh tới chính sách và thể chế, người ta đã chứng kiến được dòng chảy "đổi mới" rất mạnh mẽ diễn ra ở một bộ chuyên làm vĩ mô, làm công tác tham mưu, hoạch định chính sách cho Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định.

Sức chống chịu và tính tự chủ được cải thiện

Nhiều chỉ tiêu kinh tế trong năm 2018 đã đạt và vượt mục tiêu Quốc hội đề ra. Ấn tượng của Bộ trưởng về kinh tế năm 2018 là như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bức tranh kinh tế năm 2018 gắn với những gam màu sáng. Tăng trưởng ước tính đạt 7,08%, mức cao nhất trong vòng 11 năm trở lại đây. Dù chưa có những con số chính thức, nhưng số liệu dự báo từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, tăng trưởng của Việt Nam đang nằm trong Top đầu thế giới, lần đầu tiên vượt qua Trung Quốc.

Năm của những... lần đầu tiên - Ảnh 1.

Tăng trưởng kinh tế năm 2018 ước đạt 7,08%, cao nhất trong 11 năm trở lại đây.

Sức chống chịu của nền kinh tế đã được cải thiện đáng kể cho dù độ mở của nền kinh tế rất lớn (gần 200% GDP) và phụ thuộc nhiều vào yếu tố bên ngoài. Biến động thế giới năm qua rất nhanh và phức tạp nhưng tác động tới nền kinh tế không lớn và chúng ta vẫn tăng trưởng cao.

Đồng thời, tính tự chủ của nền kinh tế trong năm 2018 cũng được thể hiện rõ khi tăng trưởng GDP vẫn ở mức cao, xuất khẩu tăng mạnh, gần gấp đôi so với chỉ tiêu ban đầu mà Quốc hội giao.

Tất nhiền, thời gian tới, chúng ta vẫn phải tiếp tục củng cố những yếu tố này để tạo nền tảng, tiềm lực nhằm nâng cao năng lực trong nước.

Với đà tăng trưởng của năm 2018, Bộ trưởng nghĩ như thế nào về những thách thức cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2019?

Dự báo tình hình kinh tế thế giới được các tổ chức quốc tế công bố gần đây đều cho thấy, tốc độ tăng trưởng sụt giảm, nhu cầu hàng hoá, thương mại chậm lại. Đây sẽ là những nhân tố tác động tới tăng trưởng của Việt Nam. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam hiện nay.

Đối với trong nước, những vấn đề tồn tại cố hữu tuy được cải thiện nhưng sẽ tiếp tục làm chậm bước tiến tăng trưởng của Việt Nam như năng lực cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao, năng suất lao động thấp, tiến trình cải cách, cơ cấu nền kinh tế vẫn ở giai đoạn đầu, ngoài ra là những vấn đề như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh...

Trong khi đó, nguồn lực nhà nước còn hạn chế, khu vực tư nhân dù phát triển mạnh nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu huy động nguồn lực từ xã hội cho đầu tư và phát triển.

"Bứt phá" tạo nền tảng cho giai đoạn tới

Trong bối cảnh như vậy, theo Bộ trưởng, đâu sẽ là động lực tăng trưởng trong năm 2019 để chúng ta có thể đạt mục tiêu 6,8%?

"Tinh thần" của Chính phủ trong năm 2019 là "kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả". So với 10 chữ năm 2018 "kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả", Chính phủ đưa thêm "bứt phá" vào phương châm hành động cho năm 2019.

"Bứt phá" là "từ khoá" quan trọng của năm 2019 khi chặng đường 5 năm 2016-2020 sắp kết thúc và chúng ta đang bước vào giai đoạn chuẩn bị cho kế hoạch phát triển 5 năm và 10 năm tới. Vì vậy, 2019 là năm bản lề để hoàn thành những mục tiêu được đặt ra trước đó và đặt nền tảng cho giai đoạn tới.

Vì vậy, "bứt phá" để tăng tốc là tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và cũng là tinh thần chỉ đạo của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Các nhiệm vụ, giải pháp cho một năm "bứt phá" đã được nêu rất rõ trong Nghị quyết 01/CP, trong đó nhấn mạnh tới việc tiếp tục duy trì cải thiện môi trường kinh doanh một cách thực chất, hiệu quả để tạo thuận lợi hơn nữa cho khu vực doanh nghiệp gia nhập thị trường, giảm chi phí kinh doanh, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

Phát triển khu vực kinh tế tư nhân cần tiếp tục được chú trọng. Năm qua, khu vực này đã phát triển mạnh mẽ, thể hiện ở số doanh nghiệp thành lập mới, tổng vốn đầu tư đóng góp vào nền kinh tế hay nhiều dự án, công trình lớn tạo ra hiệu quả lan toả...

Nhưng hiện nay vẫn còn nhiều rào cản cần được tháo bỏ, tạo sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn lực một cách công bằng, minh bạch, theo cơ chế thị trường. Đây chính là một trong những nhiệm vụ được Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 Khóa XII đặt ra.

Đổi mới khoa học - công nghệ trong năm 2019 và thời gian tới cần phải có quyết sách, hành động nhanh chóng, mạnh mẽ và cụ thể hơn nữa. Phải thúc đẩy việc nghiên cứu khoa học, tiếp thu công nghệ mới và tiếp tục sáng tạo, đổi mới để thúc đẩy quá trình ứng dụng khoa học - công nghệ ở cấp độ doanh nghiệp.

Đặc biệt, công tác chuẩn bị hội nhập sâu rộng phải thật tốt sau khi chúng ta phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), năng lực của nền kinh tế, năng lực của doanh nghiệp phải được cải thiện để có thể đón nhận và tận dụng tốt cơ hội, tránh tình trạng "thua trên sân nhà".

Dấu ấn của đổi mới

Năm 2018, lần đầu tiên "Diễn đàn cải cách và phát triển Việt Nam (VRDF)" được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức. Trong bối cảnh hiện nay, VRDF có ý nghĩa như thế nào, thưa Bộ trưởng?

VRDF lần đầu tiên được tổ chức song đây là diễn đàn kế tiếp của Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) và Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF). Hiện nay, nội hàm của đối thoại giữa Việt Nam với các đối tác quốc tế đã chuyển sang giai đoạn khác và cần được thay đổi vì tầm vóc, uy tín của Việt Nam đã khác. Những vấn đề được đặt ra không chỉ của riêng Việt Nam mà còn là của khu vực và thế giới. Nhu cầu cải cách và phát triển luôn đan xen và là một xu thế bắt buộc chúng ta phải hướng tới.

Chúng tôi lần đầu tiên đưa diễn đàn này thành nơi quy tụ của những nhà hoạch định chính sách, chuyên gia trong nước và quốc tế, doanh nghiệp hay bất kể ai quan tâm đến phát triển, thách thức, cơ hội của Việt Nam và thế giới để cùng chia sẻ tầm nhìn và giải pháp. Rất nhiều ý kiến đã được đưa ra có giá trị quan trọng đối với việc chuẩn bị tổng kết kế hoạch 5 năm 2016-2020 và chiến lược 10 năm 2011-2020.

2018 cũng là năm đầu tiên Bộ tổ chức hội nghị trực tuyến với địa phương. Điều gì thúc đẩy sự thay đổi này, thưa Bộ trưởng?

Hội nghị trực tuyến là khái niệm về một hội nghị dựa trên sự phát triển của công nghệ thông tin giúp tiết kiệm đáng kể chi phí tổ chức, nhất là chi phí đi lại, lưu trú, ăn ở... trong khi vẫn có thể kết nối được với những người ở rất xa nơi diễn ra hội nghị.

Vì vậy, so với hội nghị truyền thống, hội nghị này có sự tham gia đông đảo của nhiều người, ý kiến đóng góp vào quá trình xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế của địa phương và đất nước sẽ rộng rãi hơn. Động lực quan trọng nhất thúc đẩy Bộ tổ chức hội nghị trực tuyến chính là sự quyết tâm đổi mới, cải cách của cơ quan và của toàn ngành Kế hoạch và Đầu tư.

Trong năm qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lần đầu tiên khởi xướng, chủ trì và phối hợp để tổ chức sự kiện 100 tri thức trẻ Việt Nam ở nước ngoài về Việt Nam tham gia Mạng lưới kết nối đổi mới sáng tạo. Sự kiện này có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh đẩy mạnh Cách mạng công nghiệp 4.0 và sẽ diễn ra như thế nào trong năm 2019, thưa Bộ trưởng?

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi toàn diện và nhanh chóng các vấn đề từ xã hội, sản xuất, dịch vụ, phương thức kinh doanh tới thể chế. Đây là cơ hội vàng cho Việt Nam bứt phá. Chúng ta đã chậm ở những cuộc cách mạng công nghiệp trước. Cuộc cách mạng này mới bắt đầu nên chúng ta có thể đuổi kịp, tiến cùng và thậm chí có tham vọng vượt lên ở một số lĩnh vực. Muốn làm được điều đó, trước hết, chúng ta phải có chiến lược bài bản.

Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0 được chúng tôi xây dựng và đang trong giai đoạn cuối lấy ý kiến bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Đồng thời, chúng tôi cũng có ý tưởng hình thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia và cũng trong quá trình lấy ý kiến để hoàn thiện.

Về mạng lưới 100 tri thức trẻ, trong số 100 tri thức trẻ này có rất nhiều người thành danh, có tên tuổi trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trên thế giới. Vì vậy, việc họ về nước để giao lưu, gặp gỡ, chia sẻ về những giải pháp công nghệ trong xử lý ngập úng, rác thải, tắc nghẽn giao thông, thành phố thông minh... có ý nghĩa rất tốt cho Việt Nam trong việc tiếp cận và thực hiện Cách mạng công nghiệp 4.0. Đặc biệt, có nhiều dự án đã hình thành từ mạng lưới này.

Dự kiến chương trình kết nối năm 2019, chúng tôi tập trung xây dựng 2 hệ thống cơ sở dữ liệu quan trọng. Thứ nhất là, hệ thống quy tụ thông tin giữa trong nước và nước ngoài. Thứ hai là, hệ thống kết nối giữa nhu cầu trong nước và khả năng đáp ứng của bên ngoài. Hy vọng, trong năm 2019 một số dự án cụ thể cũng sẽ được thực hiện để tạo ra hiệu ứng lan tỏa và có đóng góp ngay cho phát triển đất nước.

Dự kiến trong năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ đẩy mạnh những nhiệm vụ gì, thưa Bộ trưởng?

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang được giao nhiệm vụ nghiên cứu những vấn đề chung của nền kinh tế nên chúng tôi tích cực triển khai tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về 3 đột phá chiến lược như cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh hay mô hình kinh tế mới phát sinh từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hay xây dựng Luật PPP để thu hút đầu tư xã hội, sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp để hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân theo chủ trương của Đảng, Chính phủ, sửa Luật Đầu tư công để quản lý, sử dụng vốn công hiệu quả hơn...

Đặc biệt, Bộ đang được giao là cơ quan thường trực của Tiểu ban Văn hóa – Xã hội nhằm tổng kết chiến lược phát triển giai đoạn 2011-2020 và xây dựng chiến lược giai đoạn 2021-2030, tổng kết kế hoạch 5 năm 2016-2020 và xây dựng kế hoạch 5 năm tới trình Đại hội Đảng lần thứ XIII sắp tới. Đây là trọng tâm nhiệm vụ của chúng tôi.

Theo Đặng Hương

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên