MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nằm dưới mực nước biển và đang chìm dần nhưng quốc gia này vẫn "sống khỏe" và còn kiếm tiền từ lũ lụt

14-07-2020 - 19:08 PM | Tài chính quốc tế

Ở vùng đất trũng Hà Lan, biến đổi khí hậu không được coi là kịch bản xa vời hay lực cản lớn đối với nền kinh tế. Thay vào đó, họ coi biến đổi khí hậu là 1 cơ hội.

Gió mạnh thổi qua kênh đào tạo ra các con sóng bạc đầu và khiến những chiếc ô che nắng của các quán cà phê rung lắc dữ dội. Những tay chèo thuyền gắng gượng đi tới đích trong khi khán giả hò reo cổ vũ 2 bên bờ kênh. Theo dõi cuộc đua từ vị trí VIP, Henk Ovink vẫn liên tục để mắt tới điện thoại của mình.

Ông là "nhà buôn" tài ba kinh doanh trên những kinh nghiệm của Hà Lan trong việc đối phó với nước biển dâng và biến đổi khí hậu. Giống như phô mai của Pháp hay xe hơi của Đức, biến đổi khí hậu đang trở thành sản phẩm kinh doanh đặc trưng của Hà Lan. Hàng tháng đều đặn có những đoàn tham quan từ Jakarta, TP Hồ Chí Minh, New York và New Orleans tới thành phố cảng Rotterdam. Thông thường cuối cùng họ sẽ thuê các công ty Hà Lan vốn đang đứng đầu thế giới về trị thủy và kỹ sư công trình công nghệ cao.

Ở vùng đất trũng Hà Lan, biến đổi khí hậu không được coi là kịch bản xa vời hay lực cản lớn đối với nền kinh tế. Thay vào đó, họ coi biến đổi khí hậu là 1 cơ hội. Trong khi Mỹ khiến thế giới ngỡ ngàng trước quyết định rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, người Hà Lan đang tiên phong cho 1 cách tiếp cận hoàn toàn mới.

Nằm dưới mực nước biển và đang chìm dần nhưng quốc gia này vẫn sống khỏe và còn kiếm tiền từ lũ lụt - Ảnh 1.

Quan điểm của đất nước này là thuận theo "Mẹ thiên nhiên", để cho nước chảy vào bất cứ nơi nào có thể, sống chung với nước chứ không phải cố gắng chống lại sức nước. Những ao hồ, công viên, quảng trường và thậm chí là những bãi đỗ ô tô có thể dễ dàng trở thành những nơi trữ nước khổng lồ khi có lũ. Không ít người tin rằng nước biển dâng chỉ là tin vịt được phát tán bởi giới khoa học và báo chí, hay chúng ta có thể đối phó lại đơn giản bằng cách xây dựng tầng tầng lớp lớp rào chắn. Nhưng người Hà Lan cho rằng sự thực là đến cuối cùng thì không có cách nào để chống lại thiên nhiên.

Henk Ovink tự hào giới thiệu về tuyến đường thi chèo thuyền mới ở ngay ngoại ô Rotterdam, nơi tổ chức Cúp đua thuyền thế giới năm 2016. Tuyến đường thủy này là 1 phần của khu vực Eendragtspolder, 1 vùng rộng 22 mẫu Anh với nhiều kênh đào và cánh đồng, là ví dụ tiêu biểu cho những khuân viên công cộng có thể dễ dàng sử dụng làm nơi gom nước lũ trong trường hợp khẩn cấp.

Eendragtspolder thấp hơn khoảng 20 feet so với mực nước biển, nằm gần điểm thấp nhất của Hà Lan. Với những con đường nên thơ dành cho người đi xe đạp và là địa điểm lý tưởng cho các môn thể thao dưới nước, nơi đây trở thành nơi thư giãn được nhiều người ưa thích nhưng cũng là điểm trữ nước khi lũ dâng cao trên sông Rhine.

Nằm dưới mực nước biển và đang chìm dần nhưng quốc gia này vẫn sống khỏe và còn kiếm tiền từ lũ lụt - Ảnh 2.

Trên khắp Hà Lan có hàng chục dự án như vậy, nằm trong chương trình có tên gọi "Room for the River" được triển khai trên khắp cả nước. Mấy trăm năm trước người Hà Lan cũng đi theo chiến lược xây đập và đê để chặn đứng những con sông và kênh rạch, nhưng suy nghĩ của họ đã thay đổi sau khi những cơn lũ buộc hàng trăm nghìn người phải di tản trong suốt những năm 1990. Theo Harold van Waveren, cố vấn cao cấp của chính phủ Hà Lan, những trận lũ "là lời cảnh tỉnh kêu gọi chúng tôi phải trả lại lãnh thổ cho các con sông".

"Chúng tôi không thể cứ xây những bức tường chắn ngày càng cao mà phải cho những con sông nhiều không gian hơn để chảy. Công tác bảo hộ trước biến đổi khí hậu chỉ có sức mạnh tương đương với điểm yếu nhất trong sợi dây xích, mà sợi dây của chúng tôi không chỉ bao gồm những con đập khổng lồ mà đó là quy hoạch đồng bộ, xử lý khủng hoảng, giáo dục, các ứng dụng online và không gian công cộng.

Ông van Waveren đang muốn nói đến ứng dụng quốc gia có tích hợp GPS để người dân Hà Lan luôn luôn có thể biết chính xác đất nước của họ đang ở dưới mực nước biển bao nhiêu. Để sử dụng các bể bơi công cộng không hạn chế, trẻ em Hà Lan phải có chứng chỉ bắt buộc công nhận khả năng bơi mà không cần cởi quần áo và giày. "Đó là kỹ năng cơ bản, giống như kỹ năng đi xe đạp vậy", Koolhaas, 1 kỹ sư, nói.

Ở Hà Lan, những bài viết học thuật về tình trạng tan băng ở Bắc Cực thường được đăng ở trang nhất. Các kỹ sư chuẩn bị cho những kịch bản thiên tai tồi tệ nhất, ví dụ như cơn bão 10.000 năm mới có 1 lần.

Rotterdam không hút khách và cổ kính như Amsterdam, nhưng thành phố này rất hấp dẫn trong mắt những doanh nhân và các nhà thiết kế trẻ. Gần đây thành phố đã tự chuyển mình thành nơi tiên phong về xây dựng những công trình thích ứng với lũ. Đó là những bãi đỗ xe có thể trở thành hồ chứa nước khẩn cấp, các quảng trường đều có đài phun nước, các khu vườn và sân bóng ở những khu vực thấp hơn mực nước biển có thể dễ dàng thành nơi chứa nước.

Nằm dưới mực nước biển và đang chìm dần nhưng quốc gia này vẫn sống khỏe và còn kiếm tiền từ lũ lụt - Ảnh 3.

Nói đến đê biển Hà Lan không thể không nhắc đến hai dự án hoành tráng nhất là Zuider Works và Delta Works.

Sau cơn bão năm 1916 khiến 300km2 ngập lụt và gây thiệt hại kinh tế lớn, chính phủ Hà Lan lên kế hoạch đóng kín cửa vịnh để ngăn lũ bằng một con đê dài hơn 30km, có tên Zuider Works. Dự án đầy tham vọng được hoàn thành trong vòng hơn nửa thế kỷ (1920 – 1975) với rất nhiều hạng mục quan trọng, trong đó nổi bật nhất là con đê biển Afsluitdijk khánh thành vào tháng 9/1933. Con đê này lớn đến nỗi có 4 làn xe chạy, xóa sổ biển Zuider và thay bằng hồ nước ngọt Ijsselmeer rộng 1100km2. Các làng mạc và đô thị lớn nhỏ bắt đầu được mọc lên ven hồ tạo nên cả 1 tỉnh mới.

Trong khi đó Delta Works là dự án thể hiện tư duy sống chung với nước của Hà Lan. Ban đầu mục tiêu của dự án là chặn tất cả cửa sông nhằm hạn chế tối đa khả năng tấn công của nước biển vào trong đất liền, tuy nhiên sau 1 trận siêu bão gây thiệt hại lớn chưa từng có về kinh tế, dự án được điều chỉnh và có hai cửa sông không bị đóng hoàn toàn là Tây Scheldt và New Waterway.

Nằm dưới mực nước biển và đang chìm dần nhưng quốc gia này vẫn sống khỏe và còn kiếm tiền từ lũ lụt - Ảnh 4.

Thay vì những con đê sẽ gây ra những tác động tiêu cực về môi trường cũng như đe dọa ngành khai thác thủy sản địa phương, Hà Lan đã xây dựng những cửa ngăn triều khổng lồ Oosterscheldekering và Measlantkering.

Đặc biệt, Measlantkering có ý nghĩa quan trọng đối với kinh tế Hà Lan vì nhờ đó cửa sông dẫn vào cảng Rotterdam sầm uất nhất châu Âu không bị đóng lại hoàn toàn. Với hai cánh cửa ngăn triều hình rẻ quạt, mỗi cánh cao 22m, dài 210m, nặng 6800 tấn, Measlantkering bảo vệ cảng Rotterdam và thành phố triệu dân phía trong.

Measlantkering được hoàn thành vào năm 1997, là hạng mục cuối cùng trong dự án Delta Works với 16.500km đê chính và phụ, hệ thống cống thoát nước, cửa ngăn triều và nhiều công trình phụ trợ khác. Hệ thống đê biển của Hà Lan được Hiệp hội kỹ sư dân dụng Mỹ miêu tả là một trong 7 kỳ quan thế giới hiện đại.

Nằm dưới mực nước biển và đang chìm dần nhưng quốc gia này vẫn sống khỏe và còn kiếm tiền từ lũ lụt - Ảnh 5.

Bài: Thu Hương - Thiết kế: Thạch Linh

Tổ Quốc

Trở lên trên