MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nắm giữ 80% thị phần, “miếng bánh” logistics trị giá 40 tỷ USD đang hấp dẫn các doanh nghiệp nước ngoài như thế nào?

Các doanh nghiệp logistics nước ngoài đang đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam. Một số doanh nghiệp nội địa đã chọn cách hợp tác với doanh nghiệp ngoại. Có công ty đã chủ động ứng dụng công nghệ Blockchain hiện đại. Tuy nhiên, doanh nghiệp nước ngoài vẫn nắm 80% thị phần.

Những gói hàng đặt trên băng tải dài hàng trăm mét. Chúng lần lượt đi qua máy đọc có khả năng phân tích cùng lúc 3 mã vạch trên gói hàng. Con lăn quay phải để xếp gói hàng cạnh những sản phẩm khác có chung điểm đến. Ngay sau đó, con lăn tự động trở lại vị trí ban đầu.

Đó là mô tả về hệ thống phân loại hàng hóa tự động của Amazon tại Mỹ. Và, chúng cũng giống với hệ thống đang có mặt tại Việt Nam.

Nắm giữ 80% thị phần, “miếng bánh” logistics trị giá 40 tỷ USD đang hấp dẫn các doanh nghiệp nước ngoài như thế nào? - Ảnh 1.

Những gói hàng trên băng tải,một phần của hệ thống phân loại hàng hóa tự động.

Tháng 5/ 2018, công ty LEL Express, đơn vị giao nhận của hãng thương mại điện tử Lazada đã khánh thành thêm một hệ thống phân loại hàng hóa tự động. Đây là hệ thống thứ hai của công ty, sau thành công của hệ thống đầu tiên đặt tại TP.HCM. Đáng chú ý, những hệ thống này được đầu tư ngay sau khi Alibaba (Trung Quốc) thâu tóm Lazada.


Tiki, doanh nghiệp thương mại điện tử 8 năm tuổi của Việt Nam cũng vừa nhận được khoản đầu tư trị giá 44 triệu USD từ JD (Trung Quốc). Quỹ đầu tư Warburg Pincus cũng hợp tác với Becamex IDC để lập liên doanh phát triển chuỗi logistics và bất động sản công nghiệp. Số vốn ban đầu của liên doanh là 200 triệu USD.

Trước đó, Đại biện Đại sứ quán CHLB Đức cũng đề nghị các doanh nghiệp nước này đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực logistics Việt Nam. Phát biểu này được đưa ra ngay tại buổi tìm hiểu cơ hội hợp tác và đầu tư giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Đức.

Những sự kiện trên cho thấy, thị trường logistics Việt Nam đang là miếng bánh hấp dẫn các doanh nghiệp nước ngoài.

Nắm giữ 80% thị phần, “miếng bánh” logistics trị giá 40 tỷ USD đang hấp dẫn các doanh nghiệp nước ngoài như thế nào? - Ảnh 2.

Cảng Hải Phòng.

Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, quy mô của ngành logistics Việt nam đạt khoảng 40-42 tỷ USD/năm, chỉ xếp sau Singapore, Malaysia, Thái Lan trong khu vực ASEAN.

Tuy nhiên, chỉ 20% thị phần nằm trong tay các doanh nghiệp trong nước. Phần lớn trong số đó là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, tập trung vào dịch vụ giao nhận, cho thuê bãi, gom hàng lẻ,… mà thiếu vắng doanh nghiệp lớn có khả năng điều hành cả chuỗi logistics như DHL (Đức), FedEx và UPS (Hoa Kỳ).

Trong bối cảnh đó, liên kết đầu tư và học hỏi các kinh nghiệm đang là việc được các doanh nghiệp logistics trong nước thực hiện. Sau khi Viglacera cho Woojin Global Logistics (Hàn Quốc) thuê đất tại Khu công nghiệp Yên Phong, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động hợp tác để khai thác tổ hợp dịch vụ logistics rộng 60.000m2 này.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), ứng dụng công nghệ cũng là một chuyện đang được đặt ra giữa các doanh nghiệp trong ngành. VLA cho rằng, chi phí logistics tại Việt Nam tương đương 16% GDP. Tỷ lệ này cho thấy chi phí logistics còn cao và ứng dụng công nghệ chính là chìa khóa cho vấn đề.

"Hiệp hội đang rất khuyến khích các hội viên trong ngành, ứng dụng công nghệ càng nhiều càng tốt. Tôi nghĩ, không có gì là khó, cũng không có gì là dễ. Vấn đề hiện nay cũng không phải là công nghệ, vì công nghệ đã có sẵn. Việc bây giờ là ứng dụng công nghệ phù hợp để nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ logistics" – ông Nguyễn Duy Minh, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam khẳng định.

Hiện tại, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) đang hoàn thiện các hồ sơ để tham gia Liên minh BiTA (Blockchain in Transport Alliance). Liên minh này đã thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới sau khi công nghệ Blockchain chứng minh được lợi ích mang đến cho lĩnh vực logistics. FedEx, UPS, hay JD cũng là thành viên của liên minh này.

Nắm giữ 80% thị phần, “miếng bánh” logistics trị giá 40 tỷ USD đang hấp dẫn các doanh nghiệp nước ngoài như thế nào? - Ảnh 3.

Hệ thống phân loại hàng hóa tự động của LEL Express tại Hà Nội.

Trở lại hệ thống phân loại hàng hóa tự động của LEL Express, đơn vị này cho biết, công suất phân loại tăng từ 3 - 5 lần, tỷ lệ sai sót giảm xuống gần bằng 0%. Mặc dù có công suất lên tới 10.000 sản phẩm/giờ, nhưng thời gian đáp ứng chỉ khoảng 2 năm. LEL Express sẽ phải tính toán phương án mở rộng và nâng công suất của hệ thống phân loại hàng hóa tự động tại cả Hà Nội và TP.HCM.

"Chúng tôi không muốn tiết lộ số tiền đầu tư cụ thể, chỉ có thể chia sẻ rằng, con số được tính theo đơn vị triệu USD… Logistics cho thương mại điện tử hoàn toàn khác với logistics truyền thống, đòi hỏi năng lực vận hành rất lớn. Do đó phải đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại mới có thể đáp ứng được" – ông Vũ Đức Thịnh, Giám đốc LEL Express cho biết.

An Bình

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên