Độc quyền nhiều giải bóng đá lớn, Truyền hình K+ vẫn lỗ thêm 350 tỷ năm 2018, nâng tổng lỗ lũy kế lên hơn 3.000 tỷ đồng
Không chỉ nắm trong tay giải Ngoại Hạng Anh, K+ cũng đang độc quyền phát sóng Champions League (C1), Europa League, đây đều là những giải đấu thu hút lượng người xem rất lớn tại Việt Nam.
Ra mắt từ năm 2009, dịch vụ truyền hình K+ của Công ty TNHH Truyền hình số Vệ tinh Việt Nam (VSTV) là sản phẩm kết hợp giữa Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và Canal+ (Pháp). Trong đó, VTV nắm 51% cổ phần tại VSTV, còn lại 49% là của đối tác Canal+.
Ngay năm 2010, chỉ một năm sau khi thành lập, K+ đã gây "sốc" khi bất ngờ thay thế những tên tuổi như VTV, VTC trở thành đơn vị độc quyền phân phối giải bóng đá Ngoại Hạng Anh, chương trình thu hút khán giả hàng đầu Việt Nam.
Kể từ đó tới nay, K+ liên tiếp là đơn vị chiến thắng trong các thương vụ đấu thầu mua bản quyền giải Ngoại Hạng Anh. Mới đây, sau khi Facebook rút lui khỏi thương vụ mua bản quyền Ngoại Hạng Anh tại Việt Nam trong 3 mùa giải 2019 – 2022, cái tên thay thế tiếp tục là K+.
Không chỉ nắm trong tay giải Ngoại Hạng Anh, K+ cũng đang độc quyền phát sóng Champions League (C1), Europa League, đây đều là những giải đấu thu hút lượng người xem rất lớn tại Việt Nam. Ngoài ra, nhà đài này cũng đầu tư khá nhiều vào chất lượng các kênh của mình khi hợp tác với các hãng phim lớn như BHD, CJ…để được phát sóng độc quyền sớm nhất các phim chiếu rạp. Đây cũng là điểm nổi bật của K+ so với các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình khác trong nước.
Những yếu tố trên đã giúp K+ mau chóng tạo dựng vị thế trong ngành truyền hình Việt Nam dù tuổi đời còn non trẻ.
Mạnh tay mua bản quyền, lỗ lũy kế hơn 3.000 tỷ đồng sau gần 1 thập kỷ hoạt động
Để chiếm lĩnh thị phần, bên cạnh nội dung hấp dẫn (nhiều chương trình độc quyền), K+ còn liên tục giảm giá cước thuê bao. Ngoài ra, nhà đài này cũng đẩy mạnh phát triển trên nền tảng OTT, giúp các thiết bị di động chỉ cần kết nối internet đều có thể xem được K+ và điều này giúp tăng trưởng mạnh số lượng khách hàng.
Theo số liệu chúng tôi có được, tính tới cuối năm 2018, số lượng thuê bao K+ lên tới 884.000, tăng 12% so với năm trước đó. Với sự tăng trưởng tốt về khách hàng, doanh thu K+ cũng ghi nhận mức tăng 9,5% lên 1.201 tỷ đồng.
Mặc dù thị phần liên tục được gia tăng nhưng hoạt động kinh doanh của K+ những năm qua là không thực sự tích cực. Năm 2016, K+ lỗ hơn 300 tỷ đồng và một năm sau đó số lỗ đã tăng vọt lên 447 tỷ đồng. Chưa dừng lại, năm 2018, K+ tiếp tục báo lỗ 350 tỷ đồng, nâng số lỗ lũy kế từ khi hoạt động tới nay lên 3.070 tỷ đồng.
Với khoản thua lỗ khổng lồ trên, K+ hiện đã âm vốn chủ sở hữu hơn 2.700 tỷ đồng. Dòng tiền hoạt động của K+ hiện đến từ nguồn vốn vay. Tính tới cuối năm 2018, nợ phải trả của K+ đã lên tới 3.281 tỷ đồng, tăng gần 370 tỷ đồng so với năm trước, trong đó nợ vay hơn 1.100 tỷ đồng.
Việc K+ thua lỗ lớn bên cạnh nguyên nhân hạ giá cước, phải cạnh tranh với nhiều đối thủ giàu tiềm lực như VTC, Viettel, SCTV, FPT...còn có nguyên nhân quan trọng từ việc đơn vị này chi ra khá nhiều tiền để sở hữu bản quyền truyền hình, đặc biệt là giải Ngoại Hạng Anh. Những năm gần đây, giá bản quyền giải bóng đá này tăng lên chóng mặt và điều này khiến các nhà đài trong nước "chùn tay" trong việc mua bản quyền, trong khi K+ vẫn chi ra hàng chục triệu USD để mua bản quyền Ngoại Hạng Anh trong nhiều năm qua.
Cụ thể, trong giai đoạn 2010 – 2013, số tiền K+ chi ra để sở hữu bản quyền Ngoại Hạng Anh là 13 triệu USD, gấp hơn 3 lần số tiền VTC bỏ ra trong giai đoạn 2007 – 2010 trước đó. Đến mùa giải 2013 – 2016, số tiền bản quyền Ngoại Hạng Anh mà K+ chi ra đã tăng hơn 3 lần lên 41 triệu USD. Chưa dừng lại, số tiền mà nhà đài này bỏ ra cho ba mùa giải 2016 – 2019 tiếp tục tăng lên con số khoảng 46 triệu USD.
Mới đây, K+ đã vượt qua Facebook để trở thành đơn vị phát sóng độc quyền giải Ngoại hạng Anh tại Việt Nam trong 3 mùa giải 2019 – 2022. Mức giá K+ bỏ ra cho thương vụ này không được tiết lộ, nhưng nhiều khả năng sẽ không thấp hơn số tiền mà Facebook từng đề nghị (Facebook được cho rằng có ý định chi 100 triệu USD để sở hữu độc quyền Ngoại Hạng Anh tại Việt Nam, cao hơn 2,2 lần số tiền mà K+ đã chi ra cho 3 mùa giải trước đó).
Có thể thấy, mặc dù liên tục thua lỗ nhưng K+ vẫn luôn sẵn sàng tham gia cuộc đua bản quyền. Theo giải thích của K+, bản quyền Ngoại Hạng Anh do Canal+ ứng tiền ra mua, sau đó chuyển giao cho K+ và K+ sẽ trả dần số tiền này theo từng mùa. Điều này khiến nợ phải trả của K+ luôn ở mức rất cao.
Những năm gần đây, VTV đã có kế hoạch thoái vốn khỏi K+. Việc rút khỏi K+ nằm trong lộ trình thoái vốn của VTV ra khỏi 3 doanh nghiệp truyền hình trả tiền mà VTV đang nắm giữ toàn bộ hoặc một phần vốn, gồm VTVcab, SCTV và K+. Tuy vậy, với tình hình thua lỗ hàng nghìn tỷ như hiện nay của K+, có lẽ việc thoái vốn của VTV tại nhà đài này sẽ không dễ dàng chút nào.