Năm mới khoe gì thì khoe nhưng tuyệt đối đừng khoe thứ này nếu không muốn "tiền mất tật mang"
Câu chuyện muôn thuở mà về bảo mật thông tin thanh toán mà không phải ai cũng nắm rõ.
- 08-02-20247 bước giúp bảo vệ an toàn hệ thống dịp Tết
- 08-02-2024Top tin tức nổi bật nhất mạng xã hội 2023
- 08-02-2024Số dư tài khoản từ 300 triệu đồng về 0 chỉ sau 1 đêm, thậm chí mắc thêm khoản nợ 240 triệu, cô gái trình báo nhưng ngân hàng nói làm đúng quy định
Sự bùng nổ của thương mại điện tử cùng với việc thanh toán không tiếp xúc đã đưa thẻ thanh toán quốc tế trở thành công cụ không thể thiếu trong giao dịch hàng ngày. Tuy nhiên, đi kèm với đó là những rủi ro tiềm ẩn mà không phải ai cũng nhận thức rõ. Một trong những hành động phổ biến nhưng lại cực kỳ nguy hiểm chính là việc khoe thẻ ngân hàng trên các nền tảng mạng xã hội.
Ngày càng có nhiều trường hợp người dùng tại Việt Nam bị lấy cắp thông tin thẻ thanh toán quốc tế và mất tiền oan uổng. Những tình huống này thường xảy ra do sự chủ quan trong việc bảo quản thông tin cá nhân, đặc biệt là qua các kênh thanh toán trực tuyến không đảm bảo.
Trước thực trạng đó, việc nâng cao nhận thức và cẩn trọng trong việc sử dụng thẻ là điều cần thiết, để không trở thành nạn nhân tiếp theo của tội phạm mạng.
Nguy cơ tiềm ẩn
Trong xã hội hiện đại, việc khoe thành quả cá nhân trên mạng xã hội là điều không hiếm gặp. Tuy nhiên, nếu khoe hình ảnh của một chiếc thẻ thanh toán thì nó lại không chỉ thu hút sự chú ý mà còn thu hút cả những ánh nhìn không mong muốn. Mạng xã hội, không khác gì một không gian công cộng, nơi mà thông tin có thể dễ dàng bị sao chép và lạm dụng.
Các sự việc liên quan đến việc mất tiền qua thẻ thanh toán không còn xa lạ. Thông tin thẻ lộ ra từ những hình ảnh đăng tải trực tuyến, đặc biệt là số thẻ và ngày hết hạn, đã trở thành chìa khóa mở cửa cho các giao dịch gian lận. Kỹ thuật "brute force" còn có thể bẻ khóa được cả mã CVC/CVV chỉ trong thời gian ngắn, khiến nguy cơ mất tiền trở nên hiện hữu hơn bao giờ hết.
Lướt mạng xã hội, không hiếm bắt gặp những story khoe thẻ thanh toán như này. Trong cả 3 trường hợp trên, số thẻ, tên chủ thẻ, ngày hết hạn của thẻ đều được công khai - Ảnh chụp màn hình đã dược làm mờ thông tin
Thậm chí, không chỉ với thẻ thanh toán quốc tế, vốn thanh toán không cần nhập mã PIN hay OTP, thẻ nội địa ATM cũng có nguy cơ bị "hack" nếu để lộ thông tin thẻ. Chẳng đâu xa, vụ bị mất trộm hơn 40 triệu đồng của một Facebooker thông qua thẻ nội địa Napas đã khiến nhiều người dùng lo ngại về các vấn đề bảo mật.
Hậu quả của việc này không chỉ dừng lại ở việc mất tiền trong tài khoản. Nó còn ảnh hưởng đến tín dụng, danh tiếng cá nhân và gây ra những rắc rối pháp lý không cần thiết. Đối với nhiều người, việc giải quyết những vấn đề này còn tỏ ra khó khăn và mệt mỏi hơn việc mất tiền.
Cách phòng tránh
Phòng bệnh hơn chữa bệnh, và thông tin thẻ thanh toán cũng không ngoại lệ. Các biện pháp đơn giản như không chia sẻ thông tin thẻ trên mạng, che đi mã CVC/CVV, đăng ký dịch vụ thông báo giao dịch qua SMS hoặc email, ký tên trên mặt sau của thẻ, và chỉ sử dụng thẻ tại các trang web uy tín đã được chứng minh là hữu hiệu trong việc giảm thiểu rủi ro. Ngoài ra, người dùng cũng có thể thiết lập hạn mức chi tiếp xuống thấp nhất, hoặc thậm chí khoá thẻ khi không dùng để phòng trường hợp bị tin tặc "hack" mất tiền.
Để giảm thiểu rủi ro khi sử dụng thẻ thanh toán quốc tế, người dùng cần áp dụng một loạt các biện pháp bảo mật:
- Không tiết lộ thông tin thẻ: Đây là quy tắc cơ bản và tối quan trọng nhất. Người dùng không nên chụp ảnh thẻ hay chia sẻ số thẻ, ngày hết hạn, và mã CVC/CVV trên bất kỳ kênh truyền thông nào.
- Bảo mật mã CVC/CVV: Che giấu hoặc xoá số CVC/CVV ở mặt sau của thẻ và chỉ lưu giữ nó ở nơi an toàn, không thể truy cập từ internet.
- Dịch vụ thông báo giao dịch: Đăng ký nhận thông báo qua SMS hoặc email mỗi khi có giao dịch từ tài khoản, giúp nắm bắt kịp thời các hoạt động bất thường.
- Ký tên trên thẻ: Điều này giúp nhân viên cửa hàng kiểm tra chữ ký trên thẻ với chữ ký trên biên lai khi thực hiện giao dịch.
- Không đưa thẻ cho bất cứ ai: Nhiều người có thói quen đi ăn uống lúc thanh toán thì đưa thẻ cho nhân viên để quẹt. Tuyệt đối không làm điều này mà hãy yêu cầu nhân viên mang máy quẹt thẻ (máy POS) ra tận nơi để tự tay bạn quẹt.
- Sử dụng thẻ tại các website uy tín: Tránh nhập thông tin thẻ vào các trang web không có các biện pháp bảo mật đầy đủ.
- Thiết lập hạn mức giao dịch: Giới hạn số tiền tối đa có thể giao dịch trong một khoảng thời gian nhất định để hạn chế tổn thất trong trường hợp thẻ bị đánh cắp thông tin.
- Khoá thẻ khi không sử dụng: Hầu hết ngân hàng hiện nay đều cung cấp tính năng khoá và mở khoá thẻ tạm thời qua ứng dụng di động hoặc trực tuyến.
- Phản ứng nhanh khi có dấu hiệu bất thường: Khoá thẻ ngay lập tức và liên hệ ngân hàng phát hành nếu phát hiện giao dịch đáng ngờ.
Chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích mà thẻ thanh toán quốc tế mang lại trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, cùng với sự tiện lợi đó là trách nhiệm phải bảo vệ thông tin cá nhân khỏi những rủi ro tiềm ẩn. Sự cảnh giác và các biện pháp an ninh thông tin là chìa khóa để sử dụng thẻ một cách an toàn và thông minh.
Đời sống pháp luật