Năm nay, Hà Nội sẽ trình Đề án quản lý phương tiện cá nhân
Dự kiến trong tháng 7/2017, Hà Nội sẽ trình HĐND thành phố Đề án quản lý phương tiện cá nhân.
- 25-10-2016Hà Nội hạn chế phương tiện cá nhân không phải để làm khó dân
- 29-09-2016Hạn chế phương tiện cá nhân ở Hà Nội: Chẵn - lẻ có hiệu quả?
- 09-09-2016[Video] Hà Nội quy hoạch hạn chế phương tiện cá nhân trong nội đô
Hà Nội: Thêm buýt mới, buýt nhanh, điều chỉnh luồng xe khách
Chia sẻ tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016, triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2017 của Bộ GTVT diễn ra vào sáng nay (10/1), Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, ùn tắc giao thông đang ngày càng phức tạp và trầm trọng hơn. Trong khi đó, các giải pháp kéo giảm ùn tắc gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Viện, năm 2016, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp giảm ùn tắc giao thông , trong đó tập trung phát triển xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đưa vào khai thác nhiều công trình, trong đó cầu vượt Nguyễn Khoái – Trần Khát Chân. Bên cạnh đó, thành phố cũng tập trung điều hành vận tải theo hướng công khai minh bạch, sắp xếp điều chỉnh luồng tuyến, được nhân dân đồng thuận đánh giá cao, đồng thời mở thêm 6 tuyến xe buýt mới và hình thành tuyến xe buýt nhanh (BRT), qua đó góp phần giảm ùn tắc.
Tuy nhiên, ông Viện cho rằng, việc đầu tư kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu, trong khi phương tiện giao thông cá nhân tăng nhanh, ý thức tham gia giao thông của người dân còn thấp. Cùng đó, công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý chưa kiên quyết; tình trạng xe khách dừng đón trả khách sai quy định trên các tuyến đường,... dẫn đến ùn tắc giao thông trên địa bàn trầm trọng hơn.
Năm 2017, ông Viện cho biết, Hà Nội sẽ triển khai 6 nhóm giải pháp giảm ùn tắc, trong đó tập trung nâng cao năng lực quản lý nhà nước về vận tải, tập trung sắp xếp điều chuyển luồng tuyến khoa học, hợp lý theo chỉ đạo của Bộ GTVT. Đồng thời, thành phố cũng nỗ lực khai thác hiệu quả xe buýt nhanh, để nâng cao hiệu quả kết nối khai giao thông công cộng, đặc biệt là khi tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động. Ngoài ra, Hà Nội đang quyết liệt triển khai Đề án quản lý phương tiện cá nhân, trong tháng 7 tới, sẽ trình HĐND thành phố thông qua.
“Nâng cao chất lượng tuyên truyền, trọng tâm tuyên truyền về văn hóa giao thông trong thanh thiếu niên, xử lý nghiêm vi phạm giao thông. Triển khai các chương trình giao thông thông minh (ITS). Trước mắt, trong dịp Tết này, Hà Nội sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng phối hợp với lực lượng công an, đảm bảo cho nhân dân đi lại an toàn trong dịp Tết và mùa lễ hội”, ông Viện nói.
T.P Hồ Chí Minh: Sẽ có cổng thông tin giao thông điện tử
Cũng tại Hội nghị, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho biết, năm 2016, ùn tắc giao thông trên địa bàn có chuyển biến. Tuy nhiên, năm qua ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố vẫn còn diễn biến phức tạp, năm 2016 đã xảy ra 37 vị trí ùn tắc, trong đó tập trung tại các khu vực nóng như Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất, Tân Cảng...
Nguyên nhân của thực trạng này, theo ông Cường là do hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu, diện tích hạ tầng giao thông của thành phố hiện có khoảng 7.000 ha, chiếm 8,5% diện tích đất dành cho đô thị, chỉ bằng 1/2 yêu cầu. Cùng đó là phương tiện giao thông tăng cao, đến cuối năm 2016, lượng phương tiện trên địa bàn thành phố đã tăng lên 7,9 triệu phương tiện, tăng 6% so với năm 2015.
"Năm 2017, TP sẽ ban hành kế hoạch với 7 nhóm công việc triển khai xuyên suốt trong 5 năm để giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2016-2020. Thành phố cũng sẽ tập trung hoàn thiện quy hoạch giao thông, xây dựng cơ chế chính sách, nâng cao năng thực thi pháp luật của lực lượng thực thi công vụ, điều phối phát triển giao thông vận tải hợp lý hơn. Thành phố sẽ áp dụng khoa học vào quản lý giao thông để tạo chuyển biến như cổng thông tin giao thông điện tử, thu phí không dừng, thu phí vào nội đô...", ông Cường nói.
Báo Giao thông