Nằm ở châu Phi xa xôi nhưng quốc gia này sẽ phần nào giúp ông Tập chống lại chiến tranh thương mại
Sau các cuộc đàm phán song phương, Senegal đã nhất trí trở thành quốc gia Tây Phi đầu tiên tham gia Sáng kiến Một Vành đai Một Con đường của Trung Quốc.
- 25-07-2018Trung Quốc tung loạt biện pháp hỗ trợ tăng trưởng
- 24-07-2018Căng thẳng với Mỹ, Trung Quốc rót vốn mạnh vào Brazil
- 24-07-2018Trung Quốc phá giá nhân dân tệ: Lần này có giống 3 năm trước?
Cuối tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm Senegal. Đất nước xa xôi nằm ở tận Tây Phi lại là chìa khóa cho vấn đề mà Trung Quốc đang phải đối đầu: xây dựng mối quan hệ thương mại với Senegal có thể đem lại khả năng tiếp cận thị trường Mỹ.
Trong chuyến thăm kéo dài hai ngày bắt đầu vào thứ Bảy, ông Tập đã gặp gỡ với Chủ tịch Macky Sall cũng như Thủ tướng Mohammed Dionne của Senegal.
Sau các cuộc đàm phán song phương, Senegal đã nhất trí trở thành quốc gia Tây Phi đầu tiên tham gia Sáng kiến Một Vành đai Một Con đường của Trung Quốc, một kế hoạch trị giá nghìn tỷ đô la để hồi sinh các tuyến giao dịch thương mại cổ đại tập trung vào Trung Quốc.
Senegal, với dân số chỉ 16 triệu người, có vẻ giống như một điểm dừng gây tò mò đối với ông Tập vì Nigeria, nền kinh tế lớn nhất châu Phi, cũng thuộc vùng Tây Phi. Nhưng theo Ibrahima Diong, người từng là cố vấn về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc cho Tổng thống Senegal, thì vị trí nằm ở bờ phía Tây của lục địa châu Phi của đất nước này đặc biệt hấp dẫn.
"Đối với bất kỳ công ty Trung Quốc nào muốn xuất khẩu sang Mỹ, không thể có lựa chọn nào tốt hơn Senegal," ông nói với CNBC qua điện thoại.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Senegal, sau đất nước mà Senagal từng là thuộc địa cũ - Pháp.
Chuyến thăm của ông Tập đến Senegal là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du rộng lớn hơn tới lục địa châu Phi. Ông đã hạ cánh tại Rwanda hôm thứ hai và sau đó sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Nam Phi, trước khi dừng lại ở Mauritius. Chủ tịch Trung Quốc đã đến thăm các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất hồi đầu tuần trước.
Đây là chuyến công du thứ tư của ông Tập đến lục địa này kể từ khi ông nhậm chức vào năm 2013, và chuyến đi nước ngoài đầu tiên của ông kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai với tư cách chủ tịch Trung Quốc vào tháng 3 năm nay.
Trong khi Senegal là quốc gia Tây Phi đầu tiên hợp tác với Trung Quốc như là một phần của Sáng kiến Một Vành đai Một Con đường, các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc đang mọc lên nhanh chóng tại khu vực này. Tuần trước, một mạng lưới đường sắt đã được xây dựng tại thủ đô Abuja của Nigeria, giúp giải quyết nhu cầu về cơ sở hạ tầng của đất nước.
Diong chỉ ra rằng Senegal là một nơi thuận lợi để Trung Quốc kinh doanh vì nền dân chủ ổn định. Ông nói thêm rằng Senegal đã là một nước xuất khẩu dầu và khí đốt ổn định, tuy nhiên có lẽ Trung Quốc không muốn chỉ có một mối quan hệ dựa trên hàng hóa đơn thuần.
Quan hệ đối tác với Senegal cho phép Trung Quốc "tạo một ảnh hưởng trong nhóm các nước pháp ngữ," Diong nói thêm. Ông nói rằng "người châu Phi đang rất thực dụng" trong các quyết định kinh doanh của họ, và không còn bị ràng buộc bởi các mối quan hệ thuộc địa.
Quan điểm đó được lặp lại trong một bài xã luận được công bố trên một số tờ báo Nam Phi cuối tuần qua, trong đó ông Tập viết rằng Nam Phi và Trung Quốc đã "dựng nên một tình bạn sâu sắc trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân và phân biệt chủng tộc."
"Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Nam Phi đã tăng hơn 80 lần và hiện tại tổng số đã vượt quá 10,2 tỷ USD".
Đối với Diong, sự xâm nhập thị trường của Trung Quốc ở châu Phi có dấu hiệu của một sự chuyển dịch trật tự địa chính trị, đặc biệt là sự chú ý của giới truyền thông toàn cầu tập trung chủ yếu vào Mỹ và mối quan hệ với Nga.
"Người châu Phi yêu thích câu chuyện Trung Quốc", ông nói. "Ngoài vấn đề tiền, Trung Quốc được nhiều người châu Phi nhìn nhận như một mô hình để khao khát hướng tới," ông nói thêm.