MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nắm quyền chi phối SASCO, đế chế hàng hiệu của ông Hạnh Nguyễn như "hổ mọc thêm cánh"

26-04-2017 - 10:22 AM | Doanh nghiệp

Không phải ngẫu nhiên mà các công ty con và tập đoàn IPP của ông Johnathan Hạnh Nguyễn liên tục gia tăng sở hữu tại SASCO và mới đây là việc “vua hàng hiệu” được bổ nhiệm vào chức danh Chủ tịch HĐQT của đơn vị này.

Ngày 20/4/2017, Hội đồng quản trị CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất – SASCO (SAS) đã bổ nhiệm ông Johnathan Hạnh Nguyễn vào vị trí Chủ tịch thay cho bà Đoàn Thị Mai Hương, sau hơn 1 năm kể từ khi ông tham gia vào HĐQT doanh nghiệp này. Vợ ông Hạnh Nguyễn, bà Lê Hồng Thủy Tiên cũng tham gia vào HĐQT SASCO ngay từ cuối năm 2014 khi doanh nghiệp này tiến hành cổ phần hóa.

Mặc dù chỉ là quyết định thay đổi nhân sự thông thường trong HĐQT, nhưng đây sẽ là tín hiệu cho thấy một sự thay đổi trong phương hướng của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không lớn nhất cả nước, bởi cả hai vợ chồng ông Johnathan Hạnh Nguyễn trước đây chỉ xuất hiện trong HĐQT SASCO với tư cách thành viên HĐQT không điều hành.

Duyên nợ với ngành hàng không

Được giới truyền thông gọi với danh xưng vua hàng hiệu - ông Johnathan Hạnh Nguyễn và Tập đoàn Liên Thái Bình Dương - Imex Pan Pacific (IPP) – đơn vị nắm giữ danh mục hàng loạt thương hiệu xa xỉ, cũng đang có nhiều mối duyên nợ liên quan đến lĩnh vực hàng không và dịch vụ hàng không.

IPP Group hiện còn là cổ đông lớn nhất sở hữu 30% cổ phần của CTCP Nhà ga Quốc tế Cam Ranh (CRTC) – chủ đầu tư Nhà ga hành khách quốc tế tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh. Đơn vị này trước đây cũng từng đặt vấn đề trở thành cổ đông chiến lược của ACV nhưng chưa thành công.

Nhóm các công ty liên quan đến vợ chồng ông Johnathan Hạnh Nguyễn gồm IPP Group, ACFC và DAFC cũng đang sở hữu tổng cộng 43,7% cổ phần của SASCO và là cổ đông lớn thứ hai tại doanh nghiệp này chỉ sau Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – ACV.

Lĩnh vực hàng không cũng không phải quá xa lạ với ông chủ của Tập đoàn IPP, khi việc buôn bán, kinh doanh siêu thị và các cửa hàng miễn thuế từng được đánh giá như giai đoạn thứ hai trong quá trình xây dựng đế chế hàng hiệu như hiện tại của ông Johnathan Hạnh Nguyễn.

Những năm cuối của thế kỷ 20, không chỉ dừng lại ở việc xây dựng các cửa hàng miễn thuế tại sân bay, ông Johnathan Hạnh Nguyễn còn phát triển mạng lưới cửa hàng miễn thuế tại nhiều cửa khẩu như Tịnh Biên, Mộc Bài, Lao Bảo, Lào Cai, Dinh Bà. Những siêu thị có tên tuổi tại khu vực miền Nam thời gian đó như Citimart, Maximark, Miền Đông hay Bình Dân đều do gia đình ông mở và điều hành.

SASCO sẽ mang lại gì cho đế chế của “vua hàng hiệu”?

Không phải ngẫu nhiên mà các công ty con và tập đoàn IPP của ông Johnathan Hạnh Nguyễn liên tục gia tăng sở hữu tại SASCO và mới đây là việc “vua hàng hiệu” được bổ nhiệm vào chức danh Chủ tịch HĐQT của đơn vị này.

Là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thương mại tại sân bay lớn nhất cả nước, nguồn thu chính của SASCO đến từ 3 hoạt động chính là kinh doanh hàng miễn thuế, bán lẻ tại trung tâm thương mại và dịch vụ phòng chờ thương gia sân bay. Đây cũng là ba lĩnh vực hoạt động mà ông Johnathan Hạnh Nguyễn từng thực hiện trước đây khi xây dựng lên đế chế hàng hiệu như ngày nay.

Bên cạnh đó, với danh mục hàng chục thương hiệu thời trang hàng đầu như Burberry, Chanel, Versace, CK, Salvatore Ferragamo, phân phối rượu cao cấp Moet-Hennessy, Camus cho tới nhượng quyền thương mại Burger King, Donimo Pizza, Illy Café... mà IPP đang nắm giữ, việc kết hợp với hoạt động kinh doanh tại sân bay như bán hàng hay cung cấp dịch vụ cũng trở nên dễ dàng hơn.

Theo báo cáo tài chính năm 2016 của SASCO, 3 hoạt động kinh doanh chính đem về hơn 1.600 tỷ đồng doanh thu, chiếm gần 80% tổng doanh thu của đơn vị này.

SAS hiện nắm giữ 100% thị phần lĩnh vực bán hàng miễn thuế tại Sân bay Tân Sơn Nhất và khả năng xuất hiện đối thủ cạnh tranh là rất thấp do khó khăn trong việc cấp phép. Biên lợi nhuận gộp lĩnh vực này trở nên ổn định trong những năm qua theo điều khoản hợp đồng của SASCO với các nhà cung cấp chính tại Singapore, cũng là đối tác của IPP.

Trong khi đó, bên cạnh việc giữ mức tăng ổn định đối với hoạt động cung cấp hàng hóa, một số dịch vụ cao cấp dành cho phân khúc khách hàng có thu nhập cao như cung cấp phòng chờ thương gia ghi nhận mức tăng trưởng liên tục trong những năm gần đây.

Nếu như năm 2014 hoạt động này chỉ đem về hơn 200 tỷ đồng doanh thu và gần 80 tỷ đồng lợi nhuận thì đến hết năm 2016, doanh thu bộ phận này tăng lên hơn 300 tỷ với gần 150 tỷ đồng lợi nhuận. Mức tăng đạt trên hai con số mỗi năm. Không chỉ tăng về kết quả tuyệt đối, hiệu suất hoạt động của mảng kinh doanh này cũng tăng đều qua các năm. Năm 2014, biên lợi nhuận của hoạt động phòng chờ chỉ đạt xấp xỉ 37% thì đến cuối năm 2016 đã tăng lên lên gần 50%.


Cơ cấu doanh thu 3 lĩnh vực hoạt động chính của SASCO trong 3 năm gần đây.

Cơ cấu doanh thu 3 lĩnh vực hoạt động chính của SASCO trong 3 năm gần đây.

Trong một báo cáo được CTCK Bản Việt đưa ra giữa tháng 8/2016, nhóm phân tích đã đánh giá rằng với vai trò cổ đông chiến lược, tập đoàn kinh doanh hàng hiệu của ông Johnathan Hạnh Nguyễn đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong hoạt động của SASCO. Thậm chí với kinh nghiệm trong quản lý kinh doanh hàng miễn thuế và hàng xa xỉ, IPP cũng trở thành trụ cột để cải thiện hoạt động kinh doanh của đơn vị này trong năm 2016 sau một năm 2015 kinh doanh sụt giảm.

IPP cũng được đánh giá là nhân tố chính hỗ trợ SASCO cải thiện kết quả lợi nhuận bằng cách điều chỉnh cơ cấu sản phẩm trong lĩnh vực thương mại, cũng như tăng đóng góp doanh thu từ lĩnh vực CIP lounge vốn có biên lợi nhuận cao.

Tuyết Lan

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên