MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Nằm sàn" sau vụ bỏ cọc đất Thủ Thiêm, thời bùng nổ của cổ phiếu bất động sản đã chấm hết?

"Nằm sàn" sau vụ bỏ cọc đất Thủ Thiêm, thời bùng nổ của cổ phiếu bất động sản đã chấm hết?

Lực bán tháo ồ ạt bung ra, dư bán sàn lên đến hàng triệu đơn vị trong khi khối lượng khớp lệnh nhỏ giọt khiến cổ đông bất lực nhìn tài khoản bị "bào mòn".

Chấm dứt chuỗi ngày tăng sốc, nhóm bất động sản có một phiên "quay xe" ngoạn mục sau vụ hủy cọc lô đất rúng động tại Thủ Thiêm. Hàng loạt cổ phiếu giảm sâu, nhiều mã đáp sàn trong tình trạng trắng bên mua khiến nhà đầu tư nắm giữ hoang mang. Lực bán tháo ồ ạt bung ra, dư bán sàn lên đến hàng triệu đơn vị trong khi khối lượng khớp lệnh nhỏ giọt khiến cổ đông bất lực nhìn tài khoản bị "bào mòn".

Thảm hại nhất là CII và NBB – hai mã từng tím lịm nhiều phiên liên tục khi được mệnh danh là "trùm đất" Thủ Thiêm. Cụ thể, hơn 20 triệu cổ phiếu của CII đang trong cảnh bị "nhốt sàn" khi khớp lệnh mới chỉ đạt 977.000 cổ phiếu. Trong khi trước đó khối lượng giao dịch bình quân của cổ phiếu này lên đến khoảng 13 triệu đơn vị. Tương tự, cổ phiếu NBB cũng lao dốc mạnh về mức giá sàn, khớp lệnh 3,6 triệu đơn vị song vẫn dư bán sàn gần 1,8 triệu cổ phiếu.

Bên cạnh đó, hàng loạt cổ phiếu bất động sản từng là tâm điểm chú ý của thị trường như LDG, DIG, CEO, TCH, QCG, ITA,... đều giảm kịch sàn. Đối với những nhà đầu tư "đua lệnh" những cổ phiếu này phiên trước đó cũng đành ngậm ngùi ôm lỗ khi cổ phiếu chưa về tài khoản, cơ hội để "thoát hàng" vô cùng ít ỏi.

Nằm sàn sau vụ bỏ cọc đất Thủ Thiêm, thời bùng nổ của cổ phiếu bất động sản đã chấm hết? - Ảnh 1.

Không bất ngờ về đà giảm sâu của nhóm cổ phiếu bất động sản, chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp cho rằng đà tăng của một số cổ phiếu trong nhóm này vốn đến từ những kỳ vọng tươi sáng về giá đất ở khu Thủ Thiêm. Do đó, khi những kỳ vọng đó sụp đổ, tâm lý bán tháo dồn dập để bảo vệ thành quả là hết sức bình thường.

Mặc dù cho rằng mức định giá đất Thủ Thiêm là bất hợp lý, song chuyên gia vẫn cho rằng mặt bằng chung của giá bất động sản vẫn sẽ có xu hướng tăng trong năm 2022. Vì vậy một số cổ phiếu doanh nghiệp có tiềm năng lớn vẫn còn cơ hội hấp dẫn dòng tiền trong thời gian tới.

"Tôi cho rằng hiện tượng cổ phiếu bất động sản đồng loạt giảm mạnh trong phiên hôm nay sẽ không kéo dài, song sẽ có sự phân hóa mạnh giữa các doanh nghiệp. Bong bóng kỳ vọng đã vỡ, hàng loạt cổ phiếu bị thổi giá lên mức cao đột biến thì đà giảm có thể vẫn chưa kết thúc. Tuy nhiên, với những mã có tiềm năng thực sự về quỹ đất lớn, khả năng triển khai dự án và mức định giá hợp lý vẫn còn dư địa tăng trưởng tốt", ông Nguyễn Hồng Điệp đánh giá.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cho rằng sự kiến bỏ cọc rúng động tại đất Thủ Thiêm đã kích hoạt tâm lý thất vọng của nhà đầu tư.

"Tuy giảm sàn đồng loạt, song tôi cho rằng mặt bằng giá của nhiều cổ phiếu bất động sản vẫn đang vượt quá xa so với giá trị thực. Khi nhà đầu tư nhận ra sự kỳ vọng của mình là thái quá, dòng tiền chốt lời bung ra dồn dập khiến dòng cổ phiếu bất động sản có thể giảm sâu hơn nữa. Tôi nghĩ, một cổ phiếu bất động sản mang tính chất đầu cơ thì "lên" ở đâu rất dễ "xuống" ở đó khi không có yếu tố cơ bản để bấu víu", vị chuyên gia đánh giá.

Nằm sàn sau vụ bỏ cọc đất Thủ Thiêm, thời bùng nổ của cổ phiếu bất động sản đã chấm hết? - Ảnh 2.

Ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI)

Đưa ra khuyến nghị cho nhà đầu tư, các chuyên gia đều chung nhận định dòng tiền sắp tới có thể sẽ dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu có mức chiết khấu hấp dẫn như ngân hàng, công nghệ, bán lẻ,...để đón sóng kết quả kinh doanh quý 4. Do đó, đối với những nhà đầu tư đang cầm cổ phiếu bất động sản nên tranh thủ những nhịp hồi để sớm rút ra khỏi những cổ phiếu bất động sản đã tăng quá "nóng" trong thời gian qua.

Trao đổi với chúng tôi trước đó, ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng đã đưa ra dự báo không nên mua mới, đồng thời nên hạ tỷ trọng margin cổ phiếu bất động sản trong thời điểm này vì rủi ro khá lớn.

"Mua cổ phiếu bất động sản thời điểm này không khác gì đánh bạc. Trong những "ván bạc" đầu tiên, nhà đầu tư thường mua với tỷ trọng nhỏ, nhưng khi giá cổ phiếu tiếp tục tăng đẩy tài khoản tăng gấp đôi gấp ba sẽ khiến nhiều người đặt ra kỳ vọng "đây là cơ hội lớn để làm giàu". Tâm lý FOMO đẩy lên cao sẽ khiến nhiều nhà đầu tư mạnh tay all in trong những "ván bạc" tiếp theo. Đây cũng là lúc mức độ rủi ro lên đến đỉnh điểm và nếu không tuân thủ kỷ luật có thể "cháy tài khoản" trong phút chốc", Giám đốc Yuanta đánh giá.

https://cafef.vn/nam-san-la-liet-sau-vu-bo-coc-dat-thu-thiem-thoi-cua-co-phieu-bat-dong-san-da-cham-het-20220112180351611.chn

Minh Minh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên