MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nam sinh 18 tuổi khiến MXH bùng nổ tranh cãi khi muốn đưa mẹ lên KTX sống cùng vì không dám ở một mình

24-10-2024 - 07:22 AM | Sống

Chia sẻ của nam sinh này đã gây bão mạng xã hội.

Cuộc sống đại học có nhiều bỡ ngỡ, và để giải đáp tất cả các thắc mắc, các tân sinh viên thường lên các hội nhóm để xin ý kiến của các "tiền bối" đi trước. Có những câu hỏi đúng trọng tâm khiến ai đọc xong cũng muốn giúp đỡ, song lại có những câu hỏi "ối dồi ôi", làm thổi bùng tranh luận.

Trên Dcard - cộng đồng ẩn danh lớn nhất dành cho giới trẻ ở Đài Loan (Trung Quốc), một sinh viên đã đăng tải câu hỏi của mình và thu hút rất nhiều bình luận. Theo chia sẻ, nam sinh này vừa nhập học đại học không lâu. Sau khi cân nhắc, nam sinh và gia đình đã "chốt" sẽ ở ký túc xá (KTX) của trường. Sẽ không có gì đáng nói nếu như nam sinh này không bất ngờ tiết lộ rằng vì KTX của mình nằm ở ngoại ô nên mẹ của cậu bạn không yên tâm để con ở trong đó một mình. Bản thân nam sinh cũng rất sợ hãi, nên đã xin ý kiến của dân tình rằng "có thể đưa mẹ đến trường để ở trong KTX cùng được không?".

Bài viết này nhanh chóng đã gây bão mạng xã hội, trở thành chủ đề được dân tình bàn tán rôm rả vào thời điểm đó.

- Đúng là mama boy đây rồi.

- Làm ơn tự thuê nhà ở ngoài mà ở, hoặc mua nhà luôn đi. Làm thế thì bạn cùng phòng chịu sao nổi, đây còn là phòng con trai nữa chứ?

- Nếu không muốn bị bắt nạt, làm ơn đừng làm vậy.

- Đọc xong bài này mà sốc ngang luôn, không hiểu các em nghĩ gì luôn.

Nam sinh 18 tuổi khiến MXH bùng nổ tranh cãi khi muốn đưa mẹ lên KTX sống cùng vì không dám ở một mình- Ảnh 1.

Một nam sinh tại Trung Quốc muốn mẹ lên KTX ở cùng gây tranh cãi. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, cũng có người cho rằng, đây chỉ là "content" thôi vì các tình tiết quá kỳ quặc. Bài đăng chắc là sản phẩm do ai tạo ra để "câu like", "câu view" chứ làm gì có ai lại ngây thơ đến mức đưa ra thắc mắc như vậy.

Đối diện với phản ứng dữ của cộng đồng mạng, chủ nhân bài viết cũng lên tiếng rằng bản thân từ nhỏ đã khá nhút nhát, chưa từng dám rời xa gia đình. Vì không kiếm được phòng trọ nào gần trường nên mới ở KTX. Nam sinh cũng đã hỏi ý kiến của nhà trường và được nhà trường cho phép, nhưng vì bạn cùng phòng khó xử nên mới lên mạng xin ý kiến mọi người như vậy.

Đối với bài viết này, một Giáo sư đến từ Khoa Kỹ thuật Điện tử của Đại học Quốc Gia Đài Loan (Trung Quốc) cũng để lại quan điểm của mình trên Facebook. Ông cảm thấy rất sốc khi nhìn thấy bài đăng của nam sinh này, và cho rằng trừ khi có điều kiện sức khỏe đặc biệt cần sự chăm sóc từ gia đình, nếu không việc để mẹ đồng hành cùng con vào KTX của trường là khó lòng chấp nhận. Vị Giáo sư này cũng bày tỏ nỗi băn khoăn: "Khi nào thì cha mẹ nên buông tay con?".

Vậy khi nào thì cha mẹ nên "buông tay" để con tự lập?

Trong hành trình nuôi dưỡng và giáo dục con cái, mỗi bậc cha mẹ đều mong muốn con mình có một tương lai tươi sáng và hạnh phúc. Tuy nhiên, một trong những bài học lớn nhất mà mọi phụ huynh cần học là biết "buông tay" đúng lúc, để con cái có thể tự lập và tự chủ trong cuộc sống.

"Buông tay" không hẳn là từ bỏ trách nhiệm hay không quan tâm đến con cái mà là chấp nhận rằng con đã đến tuổi và có khả năng tự quyết định và chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình. Điều này không có nghĩa là con cái sẽ không cần sự hỗ trợ hay tư vấn của cha mẹ, nhưng họ cần được tôn trọng như những cá nhân độc lập, có quyền lựa chọn và hành động theo cách của riêng mình.

Thời điểm "buông tay" phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm sự phát triển về mặt tâm lý và cảm xúc của con cái, khả năng tự đối mặt với thế giới bên ngoài của con. Cha mẹ cần "buông tay" con một cách từ từ, bằng cách cho con cơ hội thể hiện khả năng tự lập qua các quyết định và hành động nhỏ trong cuộc sống hàng ngày, từ việc tự quản lý thời gian học tập, tài chính cá nhân, đến việc tự giải quyết các mối quan hệ xã hội và làm việc nhóm. Sự hỗ trợ của cha mẹ nên là những lời khuyên, thay vì trực tiếp can thiệp.

Nam sinh 18 tuổi khiến MXH bùng nổ tranh cãi khi muốn đưa mẹ lên KTX sống cùng vì không dám ở một mình- Ảnh 2.

Khi nào thì cha mẹ nên "buông tay" để con tự lập? (Ảnh minh họa)

Cần có sự cân nhắc giữa việc bảo vệ và thả lỏng, vì nếu quá bảo vệ, con cái khó có thể hình thành nên khả năng tự chủ và tự lập, nhưng nếu buông lỏng quá mức, con có thể cảm thấy bị bỏ rơi và thiếu hướng dẫn. Sự cân bằng này là chìa khóa để giúp con cái trưởng thành và chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc sống tương lai.

Mỗi gia đình, mỗi cá nhân đều có hoàn cảnh và nhu cầu riêng. Không có công thức chung cho việc này. Nhưng cha mẹ có trách nhiệm quan sát, đánh giá và phản hồi trước khả năng tự lập của con, từ đó điều chỉnh sự hỗ trợ cho phù hợp. Quan trọng nhất, cha mẹ cần nuôi dưỡng lòng tin và khuyến khích con cái theo đuổi đam mê và lắng nghe tiếng nói của chính mình, đồng thời chuẩn bị hành trang cần thiết để con có thể đứng vững trên đôi chân của mình.

Theo Đông

Đời sống & pháp luật

Trở lên trên