Nam sinh 9x mất đôi tay, ngày làm thiết kế cuối tuần bán hàng rong nuôi mẹ mắc 8 căn bệnh
Chàng trai Dương Hữu Phúc (sinh năm 1995, quê ở Lạng Sơn) bị mất 2 tay nhưng vẫn “bằng mọi cách” vừa kiếm việc làm, vừa bán hàng rong để kiếm tiền mua thuốc cho mẹ chữa bệnh.
- 15-03-2022Bài Toán hình loạn não, ai ngờ qua tay học sinh Việt Nam "nhắm mắt" giải vèo 2 giây là ra
- 15-03-2022Nam sinh Yên Bái "vượt mặt" sinh viên Harvard, Stanford để thực tập tại công ty TOP ĐẦU THẾ GIỚI: Tiết lộ kỹ năng cần luyện để thành công
- 13-03-2022Nam sinh Việt mệnh danh "thiên tài", được chính phủ Úc PV trong chiến dịch quảng bá quốc gia, hiện làm việc tại công ty Luật số 1 thế giới
“Bùm!” - tiếng nổ lớn vang cả một không gian yên tĩnh...
Phúc lạnh buốt người, dây thần kinh bị tê liệt đột ngột, cậu sụp xuống và không còn một âm thanh nào bên tai. 15 phút sau, tiếng còi xe cấp cứu hú vang con đường nhỏ đưa cậu đi cấp cứu. Bác sĩ tiêm 2 mũi giảm đau tạm thời cho cậu nhưng nam sinh vẫn cảm thấy “không thấm vào đâu”.
Nam 9x bị mất đôi tay, vừa làm kiến trúc sư vừa bán hàng rong nuôi mẹ mắc 8 bệnh
28 đêm không ngủ
“Mẹ ơi, cứ cố gắng, mẹ con mình động viên nhau thôi. Hoàn cảnh nhà mình cũng không có điều kiện, không biết cuộc sống sau này của con sẽ ra sao…”, chị Hoàng Thị Phượng (mẹ của Phúc) rưng rưng nhớ lại câu nói của đứa con bị mất đi đôi tay của mình.
Vào tháng 5/2014, Phúc đi học lớp 11, vừa đi làm thêm cơ khí để kiếm thêm thu nhập phụ giúp mẹ thì tai nạn lớn ập đến. Trong quá trình làm việc, em không may bị nổ bình oxy.
Vào bệnh viện tỉnh Lạng Sơn cấp cứu được 2 tiếng, Phúc được chuyển xuống Bệnh viện Việt Đức Hà Nội để tiếp tục điều trị. Trên đường đi xuống Hà Nội, cậu nhớ như in hình ảnh các chị y tá lau máu chảy ra sàn hết 2 cuộn giấy, kèm những lời nói động viên.
“Xuống đến bệnh viện, khi em bước ra khỏi xe, em thấy có rất nhiều người đứng xung quanh… và sau đó… trước mắt em tối sầm lại, em chìm vào cơn mê sâu khoảng 5,6 tiếng”, Phúc nhớ lại.
7h sáng, sau một ngày xảy ra vụ nổ, thuốc mê hết tác dụng, Phúc tỉnh dậy và gào khóc gọi mẹ. Là một chàng trai vốn mạnh mẽ và khó để mọi người thấy nước mắt của mình nhưng Phúc nhớ mãi ngày hôm đó, em đã khóc rất to và liên tục kêu đau với mẹ.
5 ngày đầu Phúc điều trị ở Bệnh viện Việt Đức, sau đó được chuyển về bệnh viện tỉnh Lạng Sơn điều trị tiếp 23 ngày. Hằng đêm ở viện, Phúc đau không ngủ được, cố gắng lắm em cũng chỉ ngủ được 2 tiếng/ngày.
Nhớ lại 28 đêm không ngủ sau biến cố ấy, Phúc nghẹn ngào khi nhắc về mẹ: “Cả ngày lẫn đêm, chỉ có bóng dáng mẹ túc trực chăm sóc em. Trước đó bố đã bỏ 3 mẹ con em từ khi em mới lên 5 tuổi. Nhiều lúc em khóc vì thương mẹ nhưng lại chỉ biết kêu đau với mẹ mà chưa thể làm được gì. Suốt quá trình điều trị, tuy em có bảo hiểm nhưng mẹ cũng phải chạy vạy lo tiền để chi trả chi phí phát sinh”.
Hoàn thành ước mơ còn dang dở
Mất đi đôi tay, Phúc khi ấy chẳng thể hình dung được về một cuộc sống hay một công việc cụ thể mình sẽ theo đuổi trong tương lai. Từ việc ăn uống đến vệ sinh cá nhân, Phúc phải nhờ đến mẹ trợ giúp khoảng 2 tháng mới có thể làm quen được.
Biến cố tai nạn xảy ra trước khi thi Đại học 12 ngày nên Phúc bị lỡ mất ước mơ thi và theo học trường cơ khí năm đó. Nhưng chỉ sau tiếng nổ ám ảnh ấy, Phúc hoàn toàn không dám nghĩ đến ước mơ làm cơ khí nữa bởi đó là điều không thể khi đã bị mất 2 tay.
Mong muốn có được một công việc ổn định để nuôi mẹ, Phúc được định hướng và có hứng thú với công việc thiết kế nội thất. Không chần chừ, em nghĩ đến chuyện đi học lại lớp 12 để thi đại học ngành Kiến trúc.
"Con muốn đi học lại và thi đại học mẹ ạ
Con đi học được thì mẹ sẽ đi theo con."
Vậy là cuộc hành trình mới của hai mẹ con bắt đầu. Với chị Phượng, chỉ cần con đam mê và yêu thích chị sẽ mãi đồng hành với con của mình.
Năm 2016, Phúc đỗ vào Đại học Kinh doanh Công nghệ khoa Kiến Trúc, 2 mẹ con liền khăn gói xuống Hà Nội nhập học và sống trong căn phòng trọ 6m2. “Mới ngày đầu đến lớp, các bạn và thầy cô đều hướng sự chú ý đến em. Mỗi giờ ra chơi, các bạn lại đến hỏi thăm và tò mò xem em viết, vẽ như thế nào. Em cảm thấy khá vui vì được các bạn quan tâm, giúp đỡ nhiệt tình”, Phúc kể.
Còn mẹ, khó khăn nào cũng sẽ vượt qua
Câu chuyện không dừng lại việc theo đuổi đam mê Đại học, mà Phúc biết xuống Hà Nội còn tạo thêm cơ hội cho cậu kiếm tiền để chữa bệnh cho mẹ.
Biết mẹ bị suy tim, suy thận và biếu cổ lại bị nhiều bệnh (suy thận độ 3, suy tim, teo thận, tụt canxi đường huyết, tiền đình…), Phúc xin đi bán hàng rong trên phố đi bộ vào 3 buổi tối cuối tuần.
Ban đầu, em chỉ được giao nhiệm vụ nhẹ nhàng như mời khách vào mua hàng, lấy hàng cho khách khi xem đồ… Dần dần, thấy Phúc có duyên bán hàng nên được ông chủ giao cho đi bán vòng nguyệt quế. Trông em hai tay xâu đầy vòng, dáng vẻ nhanh nhẹn, miệng cười tươi nói: “Mua vòng nguyệt quế ủng hộ em đi anh chị ơi…!”
Sau một thời gian làm thuê, Phúc nảy ra ý định tự nhập hàng về làm và bán. Em bắt đầu tìm hiểu và nhờ những người có kinh nghiệm đặt hàng chỉ giúp. Đa số Phúc nhập đồ chơi trẻ em và phụ kiện làm vòng hoa nguyệt quế về tự làm rồi bán. Đều đặn vào 3 buổi tối cuối tuần, em và mẹ sẽ mang hàng lên phố đi bộ Hoàn Kiếm để mưu sinh.
Có hôm, Phúc mướt mải mồ hôi vì đông khách. Em nói: “Vì mẹ bị bệnh nên chỉ được ngồi một chỗ ở điểm bán, còn em sẽ thay mẹ đi bán ở các đoạn đường đông hay mời khách mua hàng. Mỗi buổi đi bán, em cũng thu lời được khoảng 200 nghìn đủ để trang trải sinh hoạt”.
Tốt nghiệp đại học năm 2020, Phúc được nhận vào công ty thiết kế nội thất làm việc. Ban đầu, bạn bè và đồng nghiệp đều ngỡ ngàng và không biết Phúc sẽ duy trì công việc ra sao với “khuyết”. Nhưng, chỉ trong ngày đầu đến thử việc, Phúc đã “biểu diễn” cho mọi người xem bằng tài sử dụng máy tính hay vẽ tay mô phỏng mẫu thiết kế một cách thành thạo.
Đi làm thử việc không lương 4 tháng, Phúc được nhận làm việc chính thức. Chàng trai 9x bắt đầu duy trì công việc ổn định với mức lương cơ bản (7 triệu đồng/tháng) và vẫn bán hàng rong phụ mẹ vào cuối tuần.
Với thu nhập 7 triệu đồng/tháng, Phúc dành cho mẹ 4 triệu, phần còn lại lo cho cuộc sống của mình. Khi được hỏi từng đó có đủ để chi tiêu khi ở thành phố? Phúc cười "Chỉ cần mẹ đủ thì em thế nào cũng là đủ".
Đằng sau dáng vẻ “khua múa” với những chiếc vòng nguyệt quế đan vào “cánh tay khuyết” của Phúc là ánh mắt của mẹ em ngồi ở bên đường.
“Mua vòng nguyệt quế ủng hộ em đi anh chị ơi…!”
Nhịp sống Việt