Nam sinh mất 1 núi tiền sau 4 năm học "đại học ma", tá hỏa nhận ra chưa từng trúng tuyển
Sau 4 năm học đại học, nam sinh Trung Quốc mới phát hiện ra sự thật khiến gia đình phải sững sờ.
- 24-07-2023Chuyên gia khuyên: Buổi sáng kiểm tra ga trải giường và gối để phát hiện sớm triệu chứng cảnh báo ung thư
- 23-07-20233 điều không được tiết lộ để tránh thị phi, người khôn khéo đều hiểu, ai thiếu tầm nhìn mới mang đi nói khắp nơi
- 22-07-2023Cha mẹ làm 2 việc này với con cái trước khi ngủ 1 tiếng, IQ, EQ của trẻ sẽ phát triển vượt bậc, tương lai xán lạn
Tháng 6 năm 2011, gia đình nam sinh Trương Bằng ở Tô Châu, Giang Tô, Trung Quốc, ngồi trước máy tính hồi hộp chờ đợi kết quả kỳ thi tuyển sinh đại học. Tuy nhiên, điểm số không như mong đợi khiến ai nấy đều thở dài, không khí ảm đạm bao quanh lấy căn nhà. Lúc đó, chàng trai Trương Bằng phải đứng giữa 2 lựa chọn. Một là học lại thêm một năm rồi thi lại đại học, hai là chọn một trường cao đẳng tốt ở địa phương để theo học.
Thế nhưng cục diện thay đổi khi một người họ hàng cùng làng tự tin nói rằng chỉ cần gia đình cậu sẵn sàng trả 150.000 NDT, họ có thể gửi Trương Bằng đến Đại học Vũ Hán để học tập. Bốn năm sau đó, cậu sẽ nhận được bằng đại học chính quy. Nghe vậy, Trương Bằng như tìm được phao cứu sinh. Vì khát khao được vào đại học quá lớn, cậu đặt hết hy vọng vào lần đặt cược này.
Bỗng dưng đậu đại học
Thấy con trai có thể vào được một trường danh giá, nhà họ Trương vui mừng khôn xiết nên tin tưởng dồn tiền đưa cho người họ hàng. Quả nhiên sau đó, Trương Bằng nhận được thông báo nhập học đính kèm con dấu của Đại học Vũ Hán, thông báo cậu trúng tuyển vào khoa Tài chính của trường.
Đến tháng 9 năm đó, Trương Bằng đến Đại học Vũ Hán để học tập. Cậu được một giáo viên hướng dẫn tên là Trương Kiệt chào đón ngay ở cổng trường, hỗ trợ các thủ tục cần thiết. Xong xuôi, cậu cùng một số người bạn khác cũng thuộc diện đỗ đại học thông qua kênh đặc biệt đến KTX để nhận phòng và được dặn dò quá trình học tập tại trường.
Người hướng dẫn Trương Kiệt liên tục nhắc nhở Trương Bằng và nhóm bạn này không được tiết lộ cách thức mà họ được nhận vào trường với người khác. Tiếp đó, anh ta đưa cho họ tài khoản ngân hàng rồi yêu cầu những tân sinh viên này nộp học phí càng sớm càng tốt để kịp tiến độ học tập.
Học phí cần đóng là 18.500 NDT(hơn 61 triệu đồng), bao gồm 3.500 NDT tiền ăn ở. Chi phí này cao hơn nhiều so với những sinh viên khác khiến Trương Kiệt rất khó hiểu. Tuy nhiên khi được người hướng dẫn cho biết vì cậu được đỗ đại học theo cách khác nên học phí cũng sẽ đắt hơn mọi người, Trương Bằng cũng không còn thắc mắc nữa.
Đợt huấn luyện quân sự là khóa học đầu tiên của mỗi sinh viên đại học khi bước vào môi trường đại học. Tuy nhiên, vào ngày huấn luyện, người chỉ dẫn Trương Kiệt đã yêu cầu Trương Bằng không tham gia huấn luyện tại trường mà gửi cậu đến vùng ngoại ô gần trường để được huấn luyện cá nhân. Cậu kể lại rằng có hơn 20 sinh viên đã cùng huấn luyện với mình trong môi trường đặc biệt đó. Sau đó khóa học này, Trương Bằng cùng 5 người khác trong nhóm được chỉ định vào "Lớp Tài chính 6" và sống trong Phòng 3301 tại tòa nhà dành cho nghiên cứu sinh.
Khi tham gia học các tiết học ở trường, cậu nhận thấy giảng viên chưa bao giờ điểm danh hay gọi tên cậu trả lời câu hỏi. Sau khi tìm hiểu, chàng trai này phát hiện ra mình và những người bạn trong nhóm đều không có tên trong danh sách lớp học. Vì không phụ trách những vấn đề này, giảng viên bộ môn cũng không thực sự quan tâm mà chỉ nhắc nhở Trương Bằng nên tìm hiểu xem có sai sót gì không.
Tuy nhiên sau đó, cậu còn nhận ra rằng mình có rất nhiều điểm khác biệt với những sinh viên khác trong trường. Trương Bằng không có thẻ sinh viên, không được vào thư viện, không có thẻ ăn uống và không được thi cùng với các sinh viên khác.
Cảm thấy kỳ lạ, nam sinh này lại đến hỏi người phụ trách là Trương Kiệt. Tuy nhiên, khi được cho biết đây là “bí mật” và là cơ chế riêng của những sinh viên đậu đại học theo “kênh đặc biệt” nên Trương Bằng và những người bạn khác cũng “bất lực”, không hỏi thêm gì và cứ thế thực hiện theo.
Sự thật được sáng tỏ
Năm 2015 là kỳ học cuối cùng của Trương Bằng tại trường Đại học Vũ Hán. Tuy nhiên lúc này, cậu không còn liên hệ được với người hướng dẫn là Trương Kiệt để hỏi về việc làm khóa luận tốt nghiệp trong khi những bạn bè khác thì đang tất bật cho việc đó. Nếu không tham gia buổi bảo vệ tốt nghiệp, Trương Bằng sẽ không ra được trường, 4 năm học của cậu cũng trở nên uổng phí.
Lúc này, cậu mới lo lắng và tìm đến Văn phòng Học vụ của trường để hỏi về việc không được thông báo cũng như không có người hướng dẫn bảo vệ tốt nghiệp. Sau khi kiểm tra thông tin, Trương Bằng được giáo viên thông báo rằng thông tin học tập của cậu không có trên hệ thống của nhà trường. Điều đó có nghĩa là cậu chưa từng được nhận vào học tại đại học Vũ Hán.
Quá hoang mang, Trương Bằng lập tức báo cho những người bạn cùng phòng. Họ lần lượt đến văn phòng nhà trường để kiểm tra thì đều nhận được kết quả tương tự. Nghi ngờ mình bị lừa, Trương Bằng gọi điện thông báo cho cha mình để tìm hiểu rõ sự việc. Tuy nhiên lúc này, những người từng giúp đỡ cậu đậu đại học năm xưa đều mất liên lạc.
Vào ngày 19 tháng 5 năm 2015, bố mẹ của Trương Bằng mang theo giấy báo nhập học của Đại học Vũ Hán đến văn phòng tuyển sinh của trường để làm rõ sự việc. Sau khi kiểm tra, Vương Phúc - Giám đốc tuyển sinh của Đại học Vũ Hán cho biết giấy báo nhập học của Trương Bằng là giả. Kể từ năm 2011, Đại học Vũ Hán đã áp dụng nhiều hạng mục tuyển sinh và không còn chia nhỏ chuyên ngành tài chính.
Thấy sự việc ngày càng phức tạp, gia đình Trương Bằng lập tức trình báo vụ việc với cảnh sát Vũ Hán. Đối tượng Trương Kiệt nhanh chóng bị bắt giữ. Theo điều tra, có tổng cộng 32 học sinh đã bị người đàn ông này và đồng bọn lừa đảo, thu về số tiền lên tới 4 triệu NDT (khoảng 13 tỷ đồng). Chúng đã lợi dụng tâm lý muốn con đỗ đại học và cả tin của các bậc phụ huynh học sinh để thực hiện hành vi sai trái.
Theo Toutiao, đối tượng Trương Kiệt thú nhận đã cùng một người đàn ông khác mở công ty kinh doanh dịch vụ, là đối tác của Trường Giáo dục thường xuyên tại Đại học Vũ Hán, có thể sắp xếp sinh viên ở ký túc xá và lấy lịch học. Do đó, những đối tượng này mới có thể thực hiện hành vi lừa đảo một cách trót lọt trong thời gian lâu như vậy.
Nhờ những nỗ lực từ phía cảnh cảnh sát, cuối cùng những đối tượng trong đường dây lừa đảo này cũng đã bị tóm gọn và bị pháp luật trừng trị thích đáng.
Về phía chàng sinh viên Trương Bằng, sau khi sự việc xảy ra, cậu sống kín tiếng hơn. Không rõ cuộc sống của chàng trai sau này, thế nhưng câu chuyện của cậu đến nay vẫn là bài học cảnh tỉnh cho nhiều bậc phụ huynh và học sinh mỗi dịp tuyển sinh đại học. Đậu đại học là mục tiêu quan trọng, song các bậc phụ huynh và các em học sinh cần nâng cao hiểu biết của mình để tránh việc bị kẻ xấu lợi dụng và lừa đảo. Trong bất cứ trường hợp nào, chỉ có nâng cao nhận thức, chúng ta mới có thể bảo vệ quyền lợi và an toàn cho bản thân và gia đình.
(Theo Toutiao)
Nhịp sống thị trường