Nam sinh giành học bổng 8 tỷ tại ĐH Mỹ với tỷ lệ đỗ 6%: "Cả đợt ứng tuyển mình đã viết 40 bài luận"
Sở hữu thành tích học tập ấn tượng và cơ hội du học tại Mỹ, bí quyết nào cho sự thành công của nam sinh này?
- 04-05-2024Ngành được sếp Hoàng Nam Tiến dự đoán hot nhất thị trường đến năm 2030, thu nhập trung bình đến 35 triệu đồng: Thi 9 điểm/môn mới đỗ
- 30-04-2024Lọ Lem đỗ ĐH hàng đầu thế giới, đạt giải thưởng khủng cả trong và ngoài nước: Tất cả nhờ cách dạy con ĐỘC ĐÁO của MC Quyền Linh
- 28-04-2024Nữ sinh đỗ 7 đại học hàng đầu nước Mỹ nhờ bài luận xúc động về bà nội
Du học chính là đích đến mà nhiều người trẻ luôn mơ ước trong hành trình học tập và sự nghiệp của mình vì tương lai rộng mở. Tuy vậy, cũng ít ai biết được con đường mà các du học sinh từng đi qua cũng lắm chông gai, đặc biệt trong giai đoạn tìm kiếm cơ hội cho bản thân ở nước ngoài và đứng trước vô vàn những sự lựa chọn mang tính đánh đổi.
Câu chuyện của Lê Thanh Dũng (học sinh lớp 12A1 chuyên Anh, trường THPT chuyên Ngoại ngữ, ĐHNN, ĐHQGHN) cũng là minh chứng tương tự. Mang trong mình dự định đến nước ngoài nên trong suốt khoảng thời gian đi học, cậu bạn luôn chăm chỉ đạt được mục tiêu học tập của bản thân, đồng thời không ngừng “update” về profile lẫn những đam mê đang theo đuổi.
“Ván cờ” 50 - 50 từ trăn trở và đam mê
Bắt đầu xây dựng hồ sơ sớm từ lớp 10 khi định hướng kết hợp linh hoạt giữa yếu tố Âm nhạc và Tâm lý học, Thanh Dũng xuất sắc giành được suất học bổng hơn 8 tỷ đồng tại Colby College (Mỹ) - ngôi trường giáo dục khai phóng với tỷ lệ trúng tuyển chỉ chiếm khoảng 6%. Bên cạnh đó, cậu bạn còn được thêm suất học bổng nghiên cứu Presidential Scholar 3.000 USD cùng đặc quyền được học các lớp Âm nhạc miễn phí trong năm đầu tiên, suất học bổng 45000 CAD/năm tại Đại học Toronto (Canada)... và khoảng 10 trường đại học khác.
Thừa nhận không có quá nhiều thành tựu trong lĩnh vực âm nhạc ngoài niềm đam mê to lớn, Thanh Dũng cho biết mấu chốt không phải con số hay huy chương, mà quan trọng là qua bộ hồ sơ ứng viên có thể thể hiện được khả năng của mình. Trong lĩnh vực tâm lý, Dũng cho biết mọi thứ xuất phát từ trăn trở khi các vấn đề về sức khỏe tinh thần và tâm thần đang bị nhìn nhận sai lệch, đồng thời hiểu được rằng mỗi người bệnh đều là những cá thể riêng biệt với câu chuyện và cộng đồng độc đáo.
Chia sẻ về việc kết hợp hai yếu tố tưởng chừng không liên quan, Thanh Dũng tiết lộ: “Nghệ thuật, theo mình, là trường phái phụ thuộc nhiều vào cảm xúc, khi cảm xúc cao trào sẽ sản sinh ra nghệ thuật, nên mình nghĩ đây là hai yếu tố có tác động qua lại với nhau. Âm nhạc có thể ảnh hưởng tới tâm lý và tâm lý cũng là cội nguồn của âm nhạc”.
Theo cậu bạn, khó khăn lớn nhất trong quá trình chuẩn bị hồ sơ là việc viết luận vì các trường thường yêu cầu rất cao. Tổng cộng trong đợt ứng tuyển này, Thanh Dũng đã viết tròn 40 bài luận. Không những phải xử lý mọi thứ bằng tiếng Anh mà Dũng còn cần phải tìm ra câu chuyện đủ hấp dẫn để lôi cuốn người đọc mà vẫn chân thật. Cậu bạn thừa nhận đó là khoảng thời gian khá mệt mỏi vì không biết sẽ đỗ hay trượt, tất cả như ván cược 50 - 50.
Không áp lực mới là một dạng áp lực
Thanh Dũng cho biết bộ hồ sơ trúng tuyển của bản thân không bao gồm những yếu tố quá hoa mỹ nhưng thể hiện được hết con người, những mong muốn và dự định của bản thân một cách chân thật nhất. Mặc dù vậy, đó vẫn là một quá trình chông gai với sự cố gắng không ngừng nghỉ. Anh bạn tiết lộ có khoảng thời gian thức đến 1 - 2 giờ sáng để viết luận, “camping” ở trung tâm tư vấn hay phải ngủ không quá 4 tiếng mỗi ngày.
“Thật ra mình cũng muốn diễn tròn vai một học sinh chăm chỉ, cần mẫn mà vẫn có giờ giấc sinh hoạt lành mạnh, thế nhưng cuộc sống của mình chưa bao giờ lý tưởng như vậy. Thỉnh thoảng mình đi muộn vẫn bị cô mắng, đi học vẫn ngủ gật, lười quá thì chơi bời một chút… Nhưng mình chấp nhận vì không thể khiến cuộc sống tuân theo quỹ đạo hoàn hảo được, nếu như quá yêu cầu sự cân bằng sẽ khiến bản thân phải áp lực hơn nữa”, anh bạn cho hay.
Trong suốt hành trình này, Thanh Dũng chưa từng có ý niệm sẽ từ bỏ và quay trở lại cuộc sống tạm gọi là “bình thường” so với mặt bằng chung vì thử thách chính là cơ hội để phát triển bản thân. Đồng thời, nam sinh cũng sớm xem áp lực là một phần cuộc sống của mình bởi “không áp lực mới là một dạng áp lực”.
Tiết lộ về “đòn bẩy” tinh thần trong những giai đoạn không ổn định, cậu bạn chia sẻ chúng đến từ những người xung quanh. Khi nhìn thấy bạn bè đang cố gắng thì bản thân cũng tự nhiên có nhiều động lực để không bị tụt lại. Thừa nhận tư tưởng này khá “toxic” nhưng với Dũng thì đây đều là những “hình mẫu vô hình” góp sức vào sự bền bỉ của bản thân trong suốt thời gian qua.
Không muốn bản thân “hữu danh vô thực”
Thành quả hiện tại đồng nghĩa với việc phải bỏ ra nhiều thời gian và buộc phải đánh đổi một vài thứ. Thanh Dũng cho biết bản thân luôn cố gắng để không bị việc học, làm việc ảnh hưởng đến cuộc sống riêng vì chuyện có một đời sống xã hội cân bằng cũng quan trọng không kém vấn đề đỗ đại học.
“Có những khoảng thời gian mình phải đánh đổi thật, có những điều không được làm và hối tiếc nhưng với mình, những hi sinh ấy đều xứng đáng. Mình không bao giờ nghi ngờ hay đánh giá những quyết định của bản thân vì đã đánh đổi thì không quay đầu nhìn lại. Nếu bản thân cứ tiếc, chạnh lòng thì sẽ không thể cố gắng được, mà sẽ từ bỏ luôn”, Dũng bày tỏ.
Thời điểm hiện tại, Thanh Dũng đã quyết định sẽ đến Mỹ du học vào tháng 8 năm nay tại Colby College vì trường phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình, cũng như có sự đồng điệu về “gu” trong văn hóa giao tiếp. Để chuẩn bị cho hành trang sắp tới, cậu bạn cũng tranh thủ trải nghiệm mọi thứ từ vui chơi đến ăn uống tại Việt Nam, đồng thời không quên học cách làm việc nhà, tập lái xe…
Sở hữu cho mình những dấu mốc ấn tượng khi còn ngồi “trên ghế nhà trường”, song Dũng vẫn cho thấy sự khiêm tốn và tầm nhìn của bản thân về “cái mác” trường Chuyên Ngoại ngữ. Cậu bạn cho biết: “Nó mang đến cho mình cơ hội thật nhưng tiên quyết vẫn là khả năng giao tiếp, kỹ năng mềm, vận dụng… Nếu như chỉ là ‘cái mác’ thì ai cũng có thể có được, mấu chốt đó là năng lực hay chỉ hữu danh vô thực”.
Ảnh: NVCC
Phụ nữ số