MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nam sinh lớp 9 và nghề tay trái độc đáo: "Hồi sinh" sự sống từ cái chết

23-04-2022 - 13:01 PM | Sống

Sau giờ học, Duy mặc bộ đồ bảo hộ, đeo kính, găng tay và khẩu trang phòng độc bước vào phòng thí nghiệm của mình, làm bạn với chất hóa học và những động vật đã chết.

Ngày ngày tỉ mẩn với xác chết trong phòng thí nghiệm

Nguyễn Tiến Minh Duy, 15 tuổi, ở Buôn Ma Thuột, là học sinh lớp 9 Trường THCS Tân Lợi. Duy có niềm yêu thích đặc biệt với khoa học hóa thạch và sinh vật từ lâu.

Hai năm trước, Duy bắt đầu tìm tòi kiến thức về nhuộm xương từ Internet và nghiên cứu các tài liệu sinh học, hóa học từ nước ngoài. Với vốn tiếng Anh phong phú, chàng trai 15 tuổi dễ dàng học hỏi và áp dụng để làm các tiêu bản nhuộm xương (Diaphonization).

Sau một thời gian nuôi thú cưng, các con vật mà Duy yêu thích lần lượt qua đời, chàng học sinh lớp 9 càng trăn trở làm sao để lưu lại chúng vĩnh viễn.

Minh Duy sau đó nhờ người quen đặt mua và gửi về các loại hóa chất từ Canada, Mỹ và Trung Quốc để thử nghiệm trên xác động vật xin từ tiệm cá cảnh, thú cưng và xin từ bạn bè, họ hàng.

“Em tiết kiệm tiền lì xì và tiền “công” làm việc nhà để mua hóa chất. Bố mẹ cũng giúp em mua máy lọc không khí và hỗ trợ làm phòng thí nghiệm”, Duy nói và cho biết hồi mới bắt đầu cậu bị cha mẹ phản đối việc này.

“Bố mẹ sợ em lơ là việc học và giết động vật. Em phải thuyết phục bố mẹ bằng sự nỗ lực học tập và cam kết không sát sinh. Mỗi ngày em dành ít nhất 1 giờ đồng hồ trong phòng thí nghiệm.”

Để làm ra một tiêu bản hoàn chỉnh rất khó và vất vả, lại mất nhiều thời gian. Bộ môn này đòi hỏi sự kiên nhẫn và tỉ mỉ rất cao, quy trình cũng có nhiều bước phức tạp nhưng Duy rất kiên trì.

Sau khi đeo đồ bảo hộ, Duy cặm cụi trước bàn thí nghiệm cùng những xác chết của động vật. Cậu dùng hóa chất tẩy phần da thịt cho trong suốt, sau đó nhuộm phần sụn và xương. Nam sinh lớp 9 liên tục căn chỉnh nhiệt độ, nồng độ PH, hóa chất bảo quản và hóa chất nhuộm sao cho phù hợp.

“Hồi mới bắt tay vào làm, em xin được 3 con cá làm mẫu vật. Con đầu tiên bị nát thịt, con thì không còn nguyên vẹn, có con thì nhuộm màu quá lố. Sau đó em thử nghiệm trên rắn và một số con vật khác thì trình độ cũng tăng dần. Từ đó, em nhận ra điều quan trọng nhất là phải căn chỉnh làm sao cho lượng hóa chất phù hợp”, Duy nói.

Ngoài công đoạn tạo ra thành phẩm, Duy còn tìm cách để xử lý các chất thải, đặc biệt là chất thải hóa học. “Về phần thịt của mẫu vật, em để cho sâu ăn xác xử lý. Với các hóa chất, em đưa cho công ty môi trường hoặc tự xử lý trong phòng thí nghiệm vì nếu không may bị rò rỉ nó sẽ gây hại môi trường cũng như phá hủy hệ sinh thái”, nam sinh lớp 9 cho biết.

Đến nay, Duy sở hữu 50 tiêu bản nhuộm xương của các loại động vật như cá ngựa, rắn, bọ cạp, kỳ đà... Các xác động vật qua xử lý đều trở nên trong suốt, nhìn thấu phần xương với đủ thứ màu xanh, hồng bắt mắt. Tiêu bản nhuộm xương này có giá trị vĩnh viễn, không bị hư hại hay bay màu.

Nam sinh lớp 9 và nghề tay trái độc đáo: Hồi sinh sự sống từ cái chết - Ảnh 1.

Tiêu bản cá và cá ngựa được Minh Duy tỉ mỉ nhuộm màu sắc đẹp và tinh tế.

Trung bình mỗi tiêu bản, Duy mất khoảng 2 tuần đến 3 tháng để hoàn thành, tùy kích thước của con vật. Tiêu bản Duy mất nhiều thời gian làm nhất là một con rắn dài 1m2, hiện đang được bán với giá 8 triệu đồng.

Những tiêu bản khác, Duy bán được từ 200.000 đồng đến 4 triệu đồng. “Số tiền này em dùng để đóng học phí, ăn uống, mua dụng cụ học tập hoặc mua đồ cho bố mẹ. Ngoài ra, em góp một phần vào quỹ từ thiện của bố để giúp các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn”, Duy kể.

“Sự khởi đầu từ cái chết”

Bằng chất giọng, tư tưởng của một chàng trai có ảnh hưởng bởi nhạc Trịnh Công Sơn, Minh Duy điềm tĩnh nói về vẻ đẹp của cái chết.

“Theo em, cái chết cũng có vẻ đẹp riêng. Nó có thể là sự kết thúc, nhưng cũng là khởi đầu cho những cái khác. Nếu động vật có tâm linh, chắc hẳn chúng cũng thấy vui khi xác của chúng có thể giúp cho việc nghiên cứu. Hơn nữa, xác của chúng sẽ trở thành tác phẩm nghệ thuật cho con người quan sát, chiêm ngưỡng”, Duy chia sẻ.

Về mặt tình cảm, chàng trai này cũng muốn lưu giữ lại vẻ đẹp của những con vật đã từng gắn bó với mình. “Ai mất đi thú cưng cũng tiếc nuối. Họ hàng nhà em nếu có con vật nào xấu số cũng gửi qua cho em làm”.

Nam sinh lớp 9 và nghề tay trái độc đáo: Hồi sinh sự sống từ cái chết - Ảnh 2.

Minh Duy rất tâm đắc trước những tiêu bản rắn bởi làm ra thành phẩm này không hề đơn giản.

Không chỉ dừng lại ở việc nhuộm xương, Duy còn nghiên cứu, mày mò, thử sức mình với tiêu bản định hình (độn xác). Cách làm này giúp động vật đã chết trở nên sống động như lúc còn sống mà vĩnh viễn không bị phân hủy.

Mặc dù mới thử nghiệm môn độn xác nhưng chàng trai này đã cho ra tác phẩm giống như thật và nhận được không ít lời khen từ cộng đồng mạng.

Về tương lai, Duy dự định sẽ học và làm kinh tế, nhưng nhuộm xác động vật vẫn là “nghề tay trái” của cậu. “Dù có làm việc gì thì đó vẫn là đam mê suốt đời của em, cho đến khi em “trở về cát bụi”, chàng trai 15 tuổi khẳng định.

Những tác phẩm “vẻ đẹp của cái chết” được Duy đăng trên một diễn đàn lớn ở Facebook và nhanh chóng thu được hơn 26.000 lượt like và hơn 1.600 chia sẻ. Hiện những con số này vẫn tăng và có không ít người bày tỏ sự ngưỡng mộ trước đam mê của chàng trai 15 tuổi.

Với Duy, đây cũng là một động lực để cậu tiếp tục theo đuổi “nghề tay trái” của mình, cũng là bước đánh dấu sự khởi đầu tuyệt vời cho quãng đường “làm bạn với xác chết”.

Minh Duy nhuộm xác động vật trong phòng thí nghiệm  

https://soha.vn/nam-sinh-lop-9-va-nghe-tay-trai-doc-dao-hoi-sinh-su-song-tu-cai-chet-20220422003759628.htm

Theo Phương Anh

Trí thức trẻ

Trở lên trên