Nam sinh nhà nghèo thi đỗ vào trường Y, 5 năm sau nhận thông báo: "Em không được tốt nghiệp" - Sự mở đầu của chuỗi bi kịch!
Nhiều người vẫn xót xa khi nhắc đến câu chuyện này.
- 27-12-2024Phía sau bức ảnh nam sinh đẹp trai động lòng người là một câu chuyện rơi nước mắt
- 21-12-2024Tốn 700 triệu đồng để vào đại học, miệt mài học suốt 4 năm, đến khi ra trường, nam sinh bàng hoàng phát hiện sự thật: “Đi tong” tuổi trẻ!
- 13-12-2024Đỗ ĐH top đầu, nam sinh được ông chú hàng xóm thưởng nóng 3,5 tỷ đồng, biết danh tính của "nhà tài trợ", ai cũng đứng hình
Sinh viên đại học gánh vác hy vọng của cả gia đình
Liêu Ngân Siêu sinh ra trong một gia đình nông dân ở Trùng Khánh (Trung Quốc). Cha mẹ cậu đều là những người nông dân chất phác. Cả gia đình có hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Nghèo khó từ sớm đã giống như một thứ bám chặt vào xương tủy, ăn sâu vào ký ức của Liêu Ngân Siêu, trở thành một điều không thể xóa nhòa.
Hồi nhỏ, Liêu Ngân Siêu toàn phải nhìn những đứa trẻ khác trong làng có quần áo mới để mặc, còn mình chỉ có thể mặc những bộ đồ rách vá chằng chịt. Người ta có đồ ăn ngon, còn cậu chỉ có thể ăn bánh bao với dưa muối.
Cha mẹ của Liêu Ngân Siêu luôn tin rằng "tri thức thay đổi vận mệnh" và không muốn con mình phải sống cuộc đời khốn khỏ mãi mãi. Vì vậy, họ dốc hết sức mình để cho Liêu Ngân Siêu được đi học. Bản thân Liêu Ngân Siêu cũng hiểu rằng, học hành chăm chỉ là con đường duy nhất để vượt lên nghịch cảnh. Cậu quyết tâm học thật giỏi để sau này tìm được một công việc tốt.
Cậu biết rằng mình không có quyền được lãng phí thời gian dành cho việc vui chơi, nên từ nhỏ đã chăm chỉ học hành, không dám lơ là dù chỉ một chút. Ở trường, cậu luôn là học sinh xuất sắc mọi mặt, năm nào cũng nhận được rất nhiều giấy khen. Mỗi lần nhận được giấy khen, cậu đều mang về nhà và trân trọng đưa cho cha mẹ xem.
Cha mẹ cậu thường dán những tấm giấy khen đó lên tường trong nhà. Mỗi lần nhìn thấy lên bức tường, họ lại cảm thấy ấm lòng. Dù cuộc sống có khó khăn đến đâu, họ vẫn cắn răng vượt qua, luôn giữ niềm tin rằng con trai họ sẽ thoát khỏi cảnh nghèo, thay đổi số phận của gia đình.
Không phụ lòng kỳ vọng của cha mẹ, năm 2000, ở tuổi 18, cậu đỗ vào một trường đại học y khoa ở Tứ Xuyên. Liên Ngân Siêu tin rằng, đỗ đại học đồng nghĩa với việc mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn, tương lai sẽ ngập tràn ánh sáng. Và cứ thế, cậu mang theo hy vọng của cả gia đình, bắt đầu hành trình đến giảng đường đại học.
Quyết định bỏ nhà ra đi trong cơn giận
Nhưng hiện thực thường khắc nghiệt. Để cho con trai được nhập học, cha mẹ của Liêu Ngân Siêu đã dốc toàn bộ số tiền họ có, thậm chí phải vay mượn khắp nơi từ người thân, bạn bè mới đủ đóng học phí và sinh hoạt phí cho năm đầu tiên của cậu. Tuy nhiên, chi phí cho 5 năm học y khoa là điều mà gia đình khó lòng gánh vác nổi.
Ở trường, Liêu Ngân Siêu cố gắng giảm thiểu mọi chi tiêu trong cuộc sống, ăn những bữa cơm rẻ nhất và không tham gia các buổi tụ họp vui chơi. Để giảm bớt gánh nặng cho gia đình, cậu cũng tranh thủ thời gian rảnh để làm thêm. Dù rất ghét những ngày tháng khó khăn này, nhưng cậu luôn tự nhủ rằng, chỉ cần vượt qua là mọi thứ sẽ ổn, sau khi tốt nghiệp đại học, mọi chuyện sẽ trở nên tốt đẹp.
Liêu Ngân Siêu có một cô em họ tên là Liêu Anh. Trong ký ức của cô, anh họ là một trong số ít sinh viên đại học của làng. Vì vậy, việc trở lại trường để nhận bằng tốt nghiệp là một sự kiện quan trọng, gần như tất cả bà con họ hàng đều biết đến. Gia đình ai cũng mong chờ ngày anh họ lấy được bằng tốt nghiệp rồi trở về quê mở một phòng khám.
Thế nhưng, gia đình không hề hay biết rằng, khi Liêu Ngân Siêu mang sự kỳ vọng đến trường để nhận bằng tốt nghiệp, cậu lại bị từ chối vì chưa đóng đủ học phí. Khoảnh khắc bị thông báo không thể nhận bằng tốt nghiệp, Liêu Ngân Siêu cảm thấy như mọi thứ sụp đổ hoàn toàn. Những giây phút cắn răng chịu đựng, kiến thức từ sách vở, từng khoảnh khắc nỗ lực học tập, ánh mắt tràn đầy hy vọng của cha mẹ, và cả những tấm giấy khen đầy trên tường ở nhà – tất cả đều tan vỡ.
Cậu đã khẩn khoản cầu xin ban lãnh đạo nhà trường, mong được nhận bằng trước rồi sau đó sẽ đóng đủ học phí, nhưng yêu cầu này đã bị từ chối.
Liêu Ngân Siêu chìm trong nỗi đau buồn và thất vọng. Con đường phía trước dường như mịt mù, cậu không biết phải đi đâu, cũng không biết làm thế nào để đối diện với cha mẹ. Trong cơn tuyệt vọng, cậu quyết định đến Quảng Đông (Trung Quốc) để làm thuê. Đây cũng là khởi đầu cho 16 năm lang bạt đầy khó khăn của cậu.
16 năm lang thang, tóc bạc trắng, thân thể đầy bệnh tật
Cha mẹ của Liêu Ngân Siêu không thể ngờ rằng, sau khi đi nhận bằng tốt nghiệp, con trai họ lại biến mất không để lại một dấu vết nào. Cả gia đình chìm trong nỗi đau đớn tột cùng, không ngừng tìm kiếm tung tích con trai. Chỉ cần kiếm được chút tiền, họ lại nhờ người dò hỏi khắp nơi nhưng vẫn không thể gặp lại con. Mỗi lần nhìn vào những tấm giấy khen vẫn còn treo trên tường, họ lại không cầm được nước mắt, khóc đến đau lòng.
Lâu dần, mẹ của Liêu Ngân Siêu vì quá thương nhớ con, không chịu nổi cú sốc, đã bắt đầu có dấu hiệu rối loạn tâm thần. Bà thường tự nói chuyện một mình, và mỗi khi nhìn thấy ai đó ngoài đường trạc tuổi con trai, bà lại chạy đến ôm người đó, coi như con của mình. Trong khi đó, cha của Liêu Ngân Siêu nhiều lần có ý định tự tử, nhưng đều được người khác kịp thời ngăn lại.
Gia đình sống trong cảnh nghèo khó, trong căn nhà chỉ còn lại mỗi một chiếc giường, hầu như không có đồ đạc gì khác. Dù vậy, họ chưa bao giờ từ bỏ việc tìm kiếm con trai. Mãi đến 16 năm sau, cha mẹ cậu, sau bao khổ đau và biến cố, mới được gặp lại con trai mình.
Liêu Ngân Siêu lúc này đã là một người đàn ông trung niên 41 tuổi, tóc bạc trắng, khuôn mặt đầy vẻ mệt mỏi. Anh còn mắc bệnh suy thận mãn tính, phải chịu đựng bệnh tật trong thời gian dài.
Người ta tìm thấy Liêu Ngân Siêu khi anh ngất xỉu tại một công trường, được đưa đến bệnh viện và được một nhóm tình nguyện viên nhận ra nhờ những thông báo tìm kiếm trước đó. Trong suốt 16 năm, anh đã sống ẩn danh, làm thuê khắp các tỉnh Quảng Đông, không có giấy tờ tùy thân cũng như bằng cấp, chỉ có thể kiếm sống qua những công việc tại nhà máy hoặc công trường. Anh sống phiêu bạt không nơi ở cố định, cho đến khi bệnh tình trở nặng, anh mới chịu tiết lộ câu chuyện thực sự của mình.
Khi được hỏi tại sao nhiều năm qua không liên lạc với gia đình, Liêu Ngân Siêu nói rằng anh muốn gây dựng sự nghiệp ở bên ngoài, không muốn trở thành gánh nặng cho cha mẹ. Thế nhưng, anh không ngờ rằng chính việc ra đi không lời từ biệt của mình lại đẩy cha mẹ vào vực thẳm đau khổ.
Liêu Ngân Siêu được đưa về một bệnh viện ở quê nhà. Ngoài bệnh suy thận mãn tính, anh còn mắc thêm nhiều căn bệnh khác. Hiện tại, cả gia đình đang lo lắng xoay xở tiền thuốc men cho anh. Song việc đứa con đã thất lạc nhiều năm trở về bên cạnh là niềm an ủi lớn nhất với cha mẹ anh.
Ngày gặp lại con, cha mẹ của Liêu Ngân Siêu đã khóc nức nở. Những năm tháng dài đằng đẵng đầy nỗi nhớ mong và đau đớn cuối cùng cũng tan chảy thành những giọt nước mắt.
Người từng là một sinh viên y khoa mang trong mình vô số hy vọng, cuối cùng lại trở thành một người đàn ông trung niên lang thang suốt nhiều năm, mắc bệnh hiểm nghèo, rơi vào cảnh tay trắng – điều này khiến người ta không khỏi chua xót. Bức tường căn nhà lợp ngói của gia đình đã nhuốm màu thời gian, nhưng những tấm giấy khen vẫn còn đó, nhưng nỗi buồn còn mãi.
Điều khiến chúng ta trăn trở chỉ là cách đối diện với những khó khăn trong cuộc sống. Mỗi người đều phải đối mặt với những nỗi đau khác nhau, nhưng không có khó khăn nào là không thể vượt qua. Chỉ khi dũng cảm đối mặt với nghịch cảnh, ta mới có thể nhìn thấy vẻ đẹp của tương lai.
Theo Sohu
Đời sống & pháp luật