Năm tới 2022, tăng thu và chi thường xuyên, giữ nguyên mức bội chi
Bộ Tài chính đề xuất, năm 2022, chi thường xuyên chiếm khoảng 62% tổng chi ngân sách nhà nước, tăng 5% so với dự toán của năm trước và tiếp tục giữ mức bội chi tương đương 4% GDP. Dự toán chi được xây dựng trên cơ sở tính toán số thu ngân sách nhà nước năm tới sẽ tiếp tục tăng hơn 3% so với năm nay.
- 27-10-2021Lệ phí trước bạ ô tô có thể giảm 50% từ 15/11 năm nay đến giữa tháng 5 năm sau
- 27-10-2021Đề xuất giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu, giúp người lao động dễ được hưởng lương hưu
- 21-10-2021Ngân sách Trung ương năm nay có thể hụt thu tới 29 nghìn tỷ đồng
Bộ Tài chính vừa lấy ý kiến người dân về Báo cáo công khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 của Chính phủ trình Quốc hội.
Theo đó, về dự toán ngân sách nhà nước năm tới, Bộ Tài chính cho biết, đã xây dựng trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện năm nay, đánh giá tình hình năm tới, trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp.
Dự toán ngân sách năm 2022 xây dựng trên cơ sở dự kiến tăng trưởng kinh tế 6-6,5% so với năm nay, giá tiêu dùng tăng bình quân 4%, xuất khẩu tăng 5,2%, giá dầu thô khoảng 60 USD/thùng.
Từ đó, Bộ Tài chính dự kiến tổng thu ngân sách năm tới khoảng 1,41 triệu tỷ đồng, tăng 3,4% so với ước tính thực hiện năm 2021 (tương đương huy động khoảng 15% GDP). Trong đó, số thu từ thuế, phí khoảng 12,7% GDP.
Chi ngân sách nhà nước năm tới dự kiến khoảng 1,78 triệu tỷ đồng, tăng 4,5% so dự toán năm 2021. Trong đó, chi đầu tư phát triển chiếm 29,5% tổng chi ngân sách nhà nước (khoảng 526 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với năm nay); chi trả nợ chiếm khoảng 5,8% tổng chi (tương đương hơn 103 nghìn tỷ đồng), giảm 5,8% so với năm nay
Đặc biệt, Bộ Tài chính đề xuất chi thường xuyên khoảng 1,11 triệu tỷ đồng, chiếm 62,2% tổng chi ngân sách nhà nước, tăng hơn 5% so với dự toán năm nay. Phần tăng chi chủ yếu bố trí hỗ trợ lực lượng phòng chống dịch COVID-19, hỗ trợ an sinh, tăng lương hưu, trợ cấp người có công...
Mức bội chi dự kiến trên 372 nghìn tỷ đồng, tương ứng 4% GDP (bằng tỷ lệ dự toán năm nay).
Đến cuối năm 2022, nợ công bằng khoảng 43-44% GDP.
Thu năm nay vẫn vượt dự toán
Về thu ngân sách nhà nước năm 2021, Bộ Tài chính cho hay, dù chịu tác động lớn bởi dịch COVID-19, số thu nội địa các tháng gần đây có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, bằng nhiều nỗ lực, tới hết tháng 9 vừa qua, tổng thu ngân sách nhà nước đạt hơn 1,07 triệu tỷ đồng, tăng 9,2% so cùng kỳ năm trước.
Dự kiến, trong năm nay, thu ngân sách nhà nước sẽ đạt khoảng 1,36 triệu tỷ đồng, tăng 1,7% so với dự toán, nhưng giảm 9,4% so với thực hiện năm 2020.
Ở phần chi, ước chi ngân sách cả năm nay khoảng 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 1,3% so dự toán (dự toán chi cả năm nay khoảng 1,68 triệu tỷ đồng).
Trong đó, giải ngân đầu tư phát triển tới hết tháng 9 mới đạt hơn 47,3%, phấn đấu hết năm tài chính giải ngân đạt khoảng 76% kế hoạch, số còn lại chuyển nguồn sang năm tiếp theo.
Chi trả nợ trong năm nay gần 105,9 nghìn tỷ đồng.
Chi thường xuyên tới hết tháng 9 hơn 725 nghìn tỷ đồng, ước cả năm nay khoảng 1,05 triệu tỷ đồng (tăng 2,2% so dự toán).
Bộ Tài chính lý giải, chi thường xuyên vượt dự toán do tăng chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, khắc phục hậu quả thiên tai, thực hiện các chế độ, chính sách đảm bảo an sinh xã hội. Trong đó, riêng tăng chi cho phòng chống dịch bệnh, mua vắc xin COVID-19 khoảng 127 nghìn tỷ đồng (cả ngân sách trung ương và địa phương).
Theo Bộ Tài chính, để ứng phó với dịch COVID-19, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do dịch bệnh gây ra, nhiều chính sách về thu, chi ngân sách đã được ban hành.
Tới ngày 15/10, tổng tiền thuế, phí, lệ phí đã miễn giảm, gia hạn khoảng 95,1 nghìn tỷ đồng.
Ngân sách chi hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động đến đầu tháng 10 trên 13,6 nghìn tỷ đồng; các quỹ bảo hiểm đã chi trả hỗ trợ khoảng 5 nghìn tỷ đồng.
Tiền phong