MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nắm trong tay "của trời cho": Láng giềng Việt Nam muốn tận dụng thiên thời, bứt tốc thành nước giàu có bằng chính sách khắt khe

14-03-2023 - 16:14 PM | Tài chính quốc tế

Nắm trong tay "của trời cho": Láng giềng Việt Nam muốn tận dụng thiên thời, bứt tốc thành nước giàu có bằng chính sách khắt khe

Để thoát khỏi "lời nguyền tài nguyên" và "bẫy thu nhập trung bình", Indonesia đã đề ra các chiến lược mới nhằm nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu.

Mục tiêu tham vọng

Giá trị xuất khẩu niken của Indonesia đã tăng gấp 10 lần trong 5 năm sau khi Jakarta buộc bên mua phải thành lập các nhà máy tinh chế niken ở nước này. Giờ đây, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á có kế hoạch sử dụng phương pháp này để đưa quốc gia vào hàng ngũ các nền kinh tế có thu nhập cao bằng cách chế biến mọi thứ từ quặng đồng đến cá.

Đặt mục tiêu tăng gấp đôi GDP bình quân đầu người lên 10.000 USD vào năm 2045, việc này sẽ đưa Indonesia đến gần ngưỡng thu nhập cao theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới. Đồng thời, sự thay đổi sẽ tạo ra các trung tâm tăng trưởng mới bên ngoài Java, hòn đảo giàu có và đông dân cư nhất của Indonesia.

Bộ trưởng Đầu tư Indonesia Bahlil Lahadalia cho biết: "Chúng tôi đang sử dụng niken làm hình mẫu. Thật là ngớ ngẩn khi chúng ta có nguyên liệu thô nhưng lại bán ra nước ngoài để tinh chế rồi nhập khẩu về. Chúng ta để đầu óc ở đâu vậy?".

Tổng thống Joko Widodo chỉ ra các mô hình kinh tế như Hàn Quốc, một ví dụ tiêu biểu trong số ít quốc gia thoát khỏi cái gọi là bẫy thu nhập trung bình bằng cách xây dựng cơ sở sản xuất và nâng cao năng suất. Trong nhiều thập kỷ, Indonesia đã dựa vào xuất khẩu hàng hóa thô - một chiến lược kinh tế dễ bị gọi là "lời nguyền tài nguyên", nơi các quốc gia giàu khoáng sản hút đầu tư vào khai thác trong thời kỳ bùng nổ, nhưng lại phải chịu thiệt hại khi giá hàng hóa sụt giảm.

Nắm trong tay của trời cho: Láng giềng Việt Nam muốn tận dụng thiên thời, bứt tốc thành nước giàu có bằng chính sách khắt khe - Ảnh 1.

Lộ trình mới để chế biến trong nước sẽ bắt đầu với dầu khí trong năm nay, sau đó là thủy sản. Cuối cùng, Indonesia sẽ chỉ xuất khẩu dầu cọ tinh chế, các sản phẩm từ dừa, gỗ, rong biển và thậm chí cả muối. Chính phủ ước tính nỗ lực này có thể thu về 545 tỷ USD đầu tư — khoảng một nửa GDP danh nghĩa hiện tại của đất nước.

"Chúng tôi từng quảng bá câu chuyện về Indonesia bằng những con số: 280 triệu dân, hàng nghìn hòn đảo,... Đó là quảng bá lịch sử, không phải đầu tư", Lahadalia nói. "Bây giờ chúng tôi nói với họ: 'Bạn muốn làm ngành nào? Đây là những gì bạn có thể làm và đây là nơi bạn có thể làm."

Bộ Đầu tư Indonesia công bố một danh sách các dự án mà các nhà đầu tư có thể lựa chọn, hoàn thành với tỷ lệ hoàn vốn dự kiến, thời gian hòa vốn và các ưu đãi của nhà nước có sẵn. Ví dụ, trong danh sách có một nhà máy sản xuất hạt ca cao trị giá 49,8 tỷ rupiah (3,3 triệu USD) ở Trung Sulawesi với tỷ suất sinh lợi 22%, hoặc một nhà máy luyện đồng trị giá 1,13 tỷ USD ở Đông Java với tỷ suất sinh lợi kỳ vọng là 16%.

Có những dấu hiệu chính sách này có thể có hiệu quả. Quốc gia này đã ghi nhận thặng dư thương mại lớn nhất từ trước đến nay vào năm ngoái, với các khoản đầu tư tăng 44% lên mức kỷ lục 80 tỷ USD, được củng cố bởi niken và đồng chủ yếu được tìm thấy trên các đảo bên ngoài Java.

Ở Bắc Maluku, các khoản đầu tư vào tinh chế niken đã mở rộng nền kinh tế của tỉnh thêm 29% vào năm ngoái.

Bộ trưởng Lahadalia cho biết: "Các công ty đã khai thác niken ở đó trong nhiều thập kỷ, nhưng chỉ đến bây giờ chúng ta mới thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ này. Cùng với tăng trưởng, việc làm sẽ đến. Mọi người không cần phải đến Java để tìm kiếm công việc tốt nữa."

Thay đổi chiến lược

Ở Tây Papua, một trong những tỉnh nghèo nhất của đất nước, các nhà máy đang được xây dựng để biến khí đốt tự nhiên thành metanol, urê và amoniac để sử dụng làm phân bón. Và trên khắp quần đảo, các nhà máy đang được thiết lập để chế biến và đóng gói cá ngừ và tôm chế biến sẵn cho người tiêu dùng, thay vì vận chuyển sản phẩm đánh bắt đến các cơ sở ở Thái Lan hoặc Việt Nam.

Lượng niken khổng lồ của Indonesia trở nên quan trọng một phần nhờ vào nhu cầu toàn cầu tăng đột ngột từ việc tăng cường sản xuất pin cho xe điện. Ngoài ra, tình hình trên Sàn giao dịch kim loại London đã mang lại cho Indonesia một vị thế thương lượng mạnh mẽ để buộc các công ty khai thác tới xây dựng lò luyện kim.

Cũng có những câu hỏi về cách chính phủ sẽ biến hàng tỷ USD đầu tư vào nhà máy luyện kim thành khoản đầu tư rộng rãi hơn vào công nghệ và việc làm tay nghề cao để tăng năng suất tổng thể.

Ngoài ra còn có những rủi ro pháp lý. Tổ chức Thương mại Thế giới gần đây đã ra phán quyết ủng hộ lời kêu gọi của Liên minh Châu Âu chống lại lệnh cấm xuất khẩu quặng niken. Tổng thống Jokowi tuyên bố sẽ không tuân theo phán quyết và từ chối thay đổi chính sách của Indonesia.

Trong khi Indonesia cho đến nay vẫn dựa vào các lệnh cấm xuất khẩu để buộc các công ty xây dựng các cơ sở tinh chế tại địa phương, chính phủ cho biết họ muốn có một cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn, dần dần loại bỏ các ưu đãi đối với hàng hóa kém tinh chế hơn. Đối với niken, điều đó có nghĩa là không còn thời gian miễn thuế cho các nhà máy luyện kim đưa ra các sản phẩm có hàm lượng niken dưới 40% khi chính phủ thúc đẩy mức ít nhất 70% -80%.

Nắm trong tay của trời cho: Láng giềng Việt Nam muốn tận dụng thiên thời, bứt tốc thành nước giàu có bằng chính sách khắt khe - Ảnh 2.

Đối với công ty khổng lồ về đồng Freeport-McMoRan Inc., công ty có đơn vị địa phương khai thác một trong những mỏ đồng và vàng lớn nhất thế giới kể từ những năm 1970, việc xuất khẩu tinh quặng sẽ dừng lại vào cuối năm nay, khi một nhà máy luyện kim mới đi vào hoạt động.

Bộ trưởng Lahadalia tự tin rằng chiến lược xây dựng như vậy sẽ không bị chệch hướng bởi cuộc bầu cử vào tháng 2 năm sau, khi ông Jokowi kết thúc nhiệm kỳ thứ hai. Ông nói, sự thay đổi này đã tác động vào nền kinh tế khi các nhà máy và lò luyện kim đang được xây dựng.

"Bên cạnh đó, bất cứ ai đảo ngược chiến lược này sẽ bị chỉ trích," ông nói. "Chúng ta đã đi được nửa đường (tới thành công). Tại sao chúng ta phải quay lại?".

Theo Tất Đạt

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên