Nam Trung Bộ thiếu 'nhạc trưởng' dẫn dắt phát triển kinh tế vùng
Tại tọa đàm “Liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung Bộ trong bối cảnh mới”, nhiều đại biểu cho rằng việc liên kết vùng này còn rời rạc và thiếu “nhạc trưởng” dẫn dắt phát triển kinh tế cho toàn vùng.
Thiếu vai trò “nhạc trưởng”
Ngày 24/6, tại TP. Nha Trang, Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW (gọi tắt NQ39) phối hợp với Tỉnh ủy Khánh Hòa tổ chức tọa đàm “Liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung Bộ trong bối cảnh mới”. Ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết NQ39, chủ trì tọa đàm. Tham dự có lãnh đạo các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.
Tọa đàm nhằm đánh giá thực trạng liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung Bộ thời gian qua và thảo luận để tìm ra những giải pháp liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung Bộ trong thời gian tới. Tọa đàm nhằm trao đổi, thảo luận về các giải pháp nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt của tiểu vùng, cả vùng; đề xuất các cơ chế chính sách nhằm khai thông và bổ sung nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tiểu vùng Nam Trung bộ.
Các đại biểu, lãnh đạo dự toạ đàm về liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung bộ.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi toạ đàm, ông Trần Tuấn Anh - Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, cho biết: Thực hiện NQ39, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tiểu vùng Nam Trung bộ đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành. Nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của tiểu vùng đã nhiều thay đổi. Một số tiềm năng, lợi thế của tiểu vùng từng bước được khai thác hợp lý, phát huy hiệu quả. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ngày càng tăng. Kết cấu hạ tầng được dần đầu tư mở rộng theo hướng hiện đại. Hệ thống đô thị hình thành, phát triển. Các khu du lịch ven biển, sinh thái, chất lượng cao, có thương hiệu dần trở thành động lực quan trọng cho phát triển. Kinh tế biển, đảo được chú trọng và khai thác hiệu quả hơn.
Ông Trần Tuấn Anh cho rằng thiếu vai trò "nhạc trưởng" để phát triển tiểu vùng Nam Trung bộ |
Nhưng theo ông Trần Tuấn Anh, kinh tế - xã hội của một số địa phương trong tiểu vùng Nam Trung bộ vẫn còn những khó khăn, 3/4 địa phương trong tiểu vùng còn chưa tự cân đối được ngân sách. Trong lúc đó, quy mô nền kinh tế tiểu vùng còn nhỏ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, chưa có sự đột phá. Hệ thống cơ sở hạ tầng chưa hoàn chỉnh và không đồng bộ, chưa thích ứng với các tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu. Tình trạng mở rộng đô thị có mật độ thấp, sử dụng đất đai chưa hiệu quả, tính cạnh tranh của các đô thị không cao.
“Các đô thị chưa được liên kết tốt với nhau tạo thành một hệ thống thống nhất; tài nguyên chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả để trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển nhất là cảng biển. Phần lớn doanh nghiệp là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh thấp, dễ bị tổn thương trước các tác động bất lợi. Quá trình phát triển đã xuất hiện tình trạng xung đột lợi ích giữa các địa phương, lợi ích giữa từng địa phương với lợi ích tiểu vùng, toàn vùng. Liên kết vùng còn lỏng lẻo, thiếu vai trò “nhạc trưởng” định hướng, dẫn dắt của Nhà nước”, ông Trần Tuấn Anh cho hay.
Cần lập hội đồng phát triển vùng
Tại buổi toạ đàm, lãnh đạo 4 tỉnh gồm Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận đã ngồi lại với nhau, thẳng thắn chia sẻ thuận lợi, khó khăn trong quá trình tổ chức liên kết vùng, tiểu vùng Nam Trung Bộ. Các lãnh đạo này thẳng thắn cho biết, trong thời gian dài việc liên kết vùng còn rời rạc, mỗi địa phương chỉ tập trung gói gém riêng mình.
Lãnh đạo các tỉnh Nam Trung bộ trao đổi về giải pháp liên kết, phát triển vùng |
Ông Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết hiện tỉnh đang có một mục tiêu là trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030. Trước ý kiến cho rằng nên chăng quá trình Khánh Hoà trở thành thành phố trực thuộc trung ương, tỉnh Phú Yên, Ninh Thuận sẽ là thành phố vệ tinh... Việc này, ông Nguyễn Tấn Tuân cho rằng còn quá xa và chưa thể nói trước! Trong lúc đó, ông Trần Hữu Thế - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho rằng có thời điểm khâu quy hoạch của các tỉnh chỉ tập trung cho địa phương mình, chưa có không gian liên kết. Tuy vậy, đến nay khi bối cảnh đã thay đổi, các địa phương tiểu vùng Nam Trung Bộ đã nhận thức rõ tính tất yếu của liên kết vùng.
Để phát triển kinh tế vùng, lãnh đạo các tỉnh Nam Trung bộ và Bộ KH-ĐT cho rằng thời gian tới các địa phương trong vùng phải liên kết mạnh mẽ với nhau, còn Trung ương cần có một lãnh đạo tham gia điều phối việc này. Ông Nguyễn Văn Phong - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, dẫn chứng như tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận đã phối hợp để giải tỏa làm cao tốc, hay như 2 tỉnh có hệ thống kênh tiếp nước thì có thể điều phối chung để có nước sinh hoạt trong mùa khô hạn.
Đại biểu phát biểu tham luận tại toạ đàm về liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung bộ |
Cũng có đại biểu đặt vấn đề liên kết vùng theo kiểu “vượt vùng”. Ông Trần Quốc Nam - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận dẫn chứng như việc địa phương kết nối chương trình hợp tác trong lĩnh vực y tế với TP.HCM.
“Trước đây bệnh viện chúng tôi nhỏ nhoi, nhưng nhờ hỗ trợ của bộ y tế, TP.HCM, chúng tôi đã có bệnh viện hạng 1, nâng cao được năng lực đội ngũ y tế”, ông Nam cho hay. Còn ông Nguyễn Tấn Tuân nói rằng để tăng tính ràng buộc liên kết vùng, cần có Nghị quyết về liên kết vùng. “Nên chăng chúng ta cũng có Nghị quyết về liên kết vùng trong quá trình thực hiện. Trong nghị quyết này, vai trò của Ban cán sự Đảng, hội đồng vùng là điều quan trọng và xuyên suốt”, Tuân đề xuất.
Các lãnh đạo tiểu vùng Nam Trung Bộ cùng suy nghĩ đến việc đề xuất Quốc hội ban hành luật liên kết vùng, hoặc phát triển vùng. Trước đề xuất này, ông Trần Duy Đông - Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, cho biết: “Cơ chế về hội đồng điều phối vùng cũng cần cân nhắc khi đưa vào luật, nếu không trái với Hiến pháp thì điều chỉnh luật tổ chức chính quyền địa phương. Mục tiêu là hội đồng đủ pháp lý để triển khai thực hiện”. Thứ trưởng Trần Duy Đông cũng đưa ra giải pháp của liên kết vùng. Cụ thể, cần lập một quy hoạch vùng là trung tâm để điều tiết liên kết vùng và kiện toàn bộ máy chức năng thẩm quyền theo hướng Hội đồng vùng như vùng ĐBSCL.
Tiền phong