MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Nắn" dòng vốn vào thị trường chứng khoán

Mỗi ngày, thị trường chứng khoán Việt Nam có hàng ngàn tài khoản được mở mới. Trong đó, rất nhiều nhà đầu tư đổ vốn vào cổ phiếu đầu cơ, nghe lời hô hào của đội, nhóm... thay vì tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp trước khi "xuống tiền".

Một tuần sau vụ ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, "bán chui" gần 75 triệu cổ phiếu của tập đoàn này, nhiều nhà đầu tư vẫn như ngồi trên lửa. Bởi lẽ, không chỉ FLC mà hàng loạt cổ phiếu cùng dòng như ROS, HAI, AMD, ART, KLF... cũng "nằm sàn" liên tục, không có thanh khoản.

"Khóc ròng" vì cổ phiếu rớt không phanh

Ngày 16-1 - chủ nhật, thị trường chứng khoán Việt Nam đóng cửa giao dịch nhưng trên khắp các diễn đàn, cộng đồng đầu tư chứng khoán tranh luận về số phận của nhóm cổ phiếu FLC lẫn tiền trong tài khoản các nhà đầu tư trót mua cổ phiếu của nhóm này vẫn diễn ra sôi nổi.

Trên một diễn đàn đầu tư chứng khoán có hơn 439.000 người tham gia, tài khoản tên N.L.T viết: "Tôi năm nay 35 tuổi, số tiền 1,5 tỉ đồng mua cổ phiếu FLC và ROS là tất cả những gì tôi có...". Cùng với bài đăng, màn hình chụp tài khoản của nhà đầu tư này cho thấy 2 cổ phiếu FLC và ROS đã lỗ hơn 350 triệu đồng, tương đương khoảng 23%.

Hàng ngàn nhà đầu tư khác cũng đang mắc kẹt với cổ phiếu của dòng FLC khi liên tục bị bán giá sàn, không có thanh khoản. Chỉ tính riêng ngày 10-1, ông Trịnh Văn Quyết bán ra gần 75 triệu cổ phiếu cho khoảng 20.000 nhà đầu tư nhưng có tới 135 triệu cổ phiếu FLC được khớp lệnh trong phiên này.

Nắn dòng vốn vào thị trường chứng khoán - Ảnh 1.

Nhiều nhà đầu tư đang lỗ nặng vì lỡ “đu đỉnh” cổ phiếu đầu cơ Ảnh: HOÀNG TRIỀU

TS Hồ Quốc Tuấn, giảng viên Đại học Bristol (Anh), nhận định vụ ông chủ FLC "bán chui" gần 75 triệu cổ phiếu là vi phạm việc công bố thông tin đăng ký giao dịch của cổ đông nội bộ. Thực tế, ở nhiều nước cũng có tình trạng tương tự và người vi phạm có thể bị phạt nặng.

Không chỉ "chết đứng" với cổ phiếu họ FLC, nhà đầu tư chứng khoán trong tuần qua còn "khóc ròng" khi nhiều cổ phiếu bất động sản cũng bị giảm sàn nhiều phiên. Lệnh đặt bán giá sàn mỗi phiên lên đến hàng triệu cổ phiếu sau thông tin Tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ cọc đấu giá "đất vàng" ở khu đô thị Thủ Thiêm (TP HCM).

Sóng gió trên thị trường những ngày qua khiến nhiều nhà đầu tư F0 (người mới chơi chứng khoán lần đầu) chưa có kinh nghiệm đầu tư, mua bất chấp theo các đội, nhóm mà không phân tích, không hiểu về doanh nghiệp (DN)... bị thiệt hại nặng nề. Nhiều người mất sạch lãi đã kiếm được cả năm 2021 chỉ trong 2 tuần đầu tiên của năm 2022.

Chị Bảo Tâm (ở quận 7, TP HCM), một nhà đầu tư F0, cho biết cách đây vài tuần, chị nhận được tin nhắn của một trưởng nhóm chat trên Zalo với vài trăm thành viên, chia sẻ thông tin về cổ phiếu A, B... Trưởng nhóm chat khẳng định cổ phiếu được "phím" (được nhận định và khuyến nghị mua) sẽ tăng giá trong giai đoạn tới vì chủ tịch công ty này sẽ tìm cách đẩy giá lên.

"Tôi mua thăm dò vài ngàn cổ phiếu. Năm ngày sau, khi cổ phiếu này tăng 15%, tôi tính bán ra chốt lời nhưng lại nghĩ nó sẽ còn lên gấp đôi như lời tư vấn nên tiếp tục mua thêm với số tiền nhiều hơn khi thấy cổ phiếu điều chỉnh giảm... Đến giờ, giá giảm liên tục và tôi đang lỗ ngược 30% nhưng không dám bán vì tiếc" - chị Bảo Tâm kể.

Trên nhiều cộng đồng đầu tư chứng khoán từ Facebook đến TiTok, YouTube..., nhiều người môi giới, chuyên gia liên tục đưa ra những phân tích, khuyến nghị nhóm cổ phiếu, mã chứng khoán nên đầu tư tốt trong tuần này, tuần tới, quý tới... Nghe theo khuyến nghị, nhiều nhà đầu tư F0 lập tức đặt mua dù chưa tìm hiểu DN đó làm ngành nghề gì, kết quả kinh doanh ra sao.

"Tháng trước, một bạn gái đưa 3 mã chứng khoán tăng mạnh trong tuần tới, trong đó có GEX. Tôi mua xong, cổ phiếu chưa kịp về tài khoản thì giảm mạnh liên tục. Tôi tiếc, không cắt lỗ nên để luôn một tháng sau mới hòa vốn. Cũng chưa kịp bán thì gặp "bão" vụ Tân Hoàng Minh bỏ cọc và vụ "bán chui" cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết, mã này tiếp tục giảm sàn. Tôi ngồi nhìn tài khoản lỗ 14% mà đau lòng" - anh T.Đ.T (ở quận Bình Thạnh, TP HCM) nhớ lại.

Vỡ mộng với cổ phiếu đầu cơ

Khoảng 2 tháng trước, hàng ngàn nhà đầu tư từng "chết ngộp" vì ôm cổ phiếu liên quan nhóm Louis Capital của ông Nguyễn Thành Nhân. Đây cũng là một điển hình của câu chuyện nhà đầu tư lướt sóng cổ phiếu rồi mua đúng đỉnh trước khi bị "thả rơi tự do", không có thanh khoản.

Với nhóm cổ phiếu "họ" Louis Capital như BII, TGG, APG, AGM, TDH, DDV..., ban đầu, nhóm cổ đông lớn này dùng tiền tập trung thâu tóm một số mã chứng khoán trên sàn, kéo giá tăng trần liên tục, kèm nhiều thông tin tốt đưa ra. Lãnh đạo công ty này còn tuyên bố giá cổ phiếu sẽ tăng mạnh gấp 2-3 lần trong thời gian tới kèm lời hứa chắc chắn. Nhà đầu tư ban đầu chưa mua vội nhưng thấy nó tăng trần liên tục nên đã "fomo" (tâm lý của những người sợ bỏ lỡ cơ hội) và đua đặt lệnh mua. Kết quả, không ít người "đu đỉnh" rồi ôm quả đắng...

Các cổ phiếu trong nhóm trên như TGG đã chạy từ 1.200 đồng lên đến hơn 70.000 đồng khi kết quả kinh doanh không khả quan, kiểm toán còn nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục. Đến giờ, nhóm cổ phiếu này đã được nhiều nhà đầu tư liệt vào danh sách "tởn tới già" vì khiến họ thua lỗ 30%-40%.

Giám đốc một quỹ đầu tư nhận định nhóm cổ phiếu bất động sản tăng khá nóng trong thời gian dài, sau đó gặp sự cố Tân Hoàng Minh bỏ cọc đấu giá "đất vàng" hay việc ông Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu FLC mà chưa công bố thông tin... là những vụ việc góp phần cảnh tỉnh nhà đầu tư, nhắc nhở họ không nên "fomo" để tránh rủi ro. Với thị trường chứng khoán hiện tại, việc giảm giá là cần thiết vì đã có thời gian dài nhóm cổ phiếu bất động sản, đầu tư công, xây dựng nhảy vọt bởi thông tin tích cực từ việc nhà nước triển khai gói kích thích kinh tế, đẩy mạnh vốn cho đầu tư công; thông tin đấu giá cổ phiếu Tân Hoàng Minh cũng là tác nhân thúc đẩy thêm, kéo giá cổ phiếu bất động sản đi lên.

Chuyên gia tài chính - TS Đinh Thế Hiển cho rằng tâm lý phổ biến trên thị trường chứng khoán hiện nay là rất nhiều nhà đầu tư mua cổ phiếu xong muốn có lợi nhuận nhanh, muốn mua xong thì giá phải tăng ngay. Có mã cổ phiếu tăng 700%-800% trong 1-2 năm mà DN không có đột phá về kết quả kinh doanh... Vậy là những cổ phiếu đầu cơ trở nên hấp dẫn, đặc biệt trong bối cảnh có nhiều thông tin "bơm thổi", hô hào. Nhà đầu tư chỉ quan tâm lợi nhuận mình sẽ đạt được thay vì tìm hiểu kỹ về DN.

"Nhưng nếu tăng quá nóng thì chứng khoán sẽ giống "canh bạc", thị trường mỗi phiên thanh khoản có thể đạt 30.000 - 40.000 tỉ đồng nhưng không bền vững vì dòng tiền chảy vào nhóm cổ phiếu đầu cơ, không phản ánh đúng giá trị của DN" - TS Đinh Thế Hiển nhận xét.

"Bán đứng" cổ đông

Theo TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng Khoa Đầu tư Tài chính - Trường ĐH Kinh tế TP HCM, để quyết định đầu tư một mã chứng khoán, nhà đầu tư nên cân nhắc nhiều yếu tố. Ngoài yếu tố chung của nền kinh tế, tác động từ bên ngoài ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh thì giá trị cốt lõi của DN, năng lực tài chính, uy tín, tầm nhìn của ban lãnh đạo DN là điều rất quan trọng. Ở câu chuyện của FLC, rõ ràng chính chủ DN đã "bán đứng" nhà đầu tư của mình và hệ lụy là cả bản thân ông cũng không lường trước được.

Cẩn trọng, cân nhắc kỹ

Cách đây 2 tuần, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã cảnh báo về việc rất nhiều hội, nhóm đầu tư chứng khoán được tạo ra trên mạng xã hội làm nơi trao đổi, tham khảo thông tin, hỗ trợ nhà đầu tư trong việc ra quyết định mua bán trên thị trường. Trong đó, xuất hiện hiện tượng lợi dụng các diễn đàn, nhóm mạng xã hội để tung tin đồn, phát tán tài liệu giả mạo, thông tin không đúng sự thật nhằm lôi kéo, xúi giục nhà đầu tư mua bán chứng khoán.

Do vậy, cơ quan này khuyến cáo nhà đầu tư cần cẩn trọng, cân nhắc kỹ để tránh bị lôi kéo, cuốn theo các luồng thông tin trên không gian mạng, các nhóm chat nêu trên. Việc đầu tư cần phải xem xét thấu đáo dựa trên đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh và tiềm năng phát triển của DN.

Không lâu sau cảnh báo của Ủy ban Chứng khoán nhà nước, nhà đầu tư lại tiếp tục gặp "sóng gió" với vụ việc của cổ phiếu FLC và hiệu ứng "cháy lan" trên thị trường.

(còn tiếp)


Theo Sơn Nhung - Thái Phương

Người lao động

Trở lên trên