Nạn nhân mới nhất của giá dầu cầu cứu IMF
Giống như nhiều nước giàu dầu mỏ khác ở châu Phi, nền kinh tế Angola không đủ đa dạng để có thể thích ứng với môi trường giá dầu thấp.
- 01-04-2016Tập đoàn dầu mỏ lớn nhất Bắc Mỹ trên bờ vực phá sản
- 28-03-2016Bằng cách này Trung Quốc và Ấn Độ đang thay đổi luật chơi trên thị trường dầu mỏ
- 24-03-2016Kỳ tích Ethiopia: Không dầu mỏ, hạn hán quanh năm... từ đống tro tàn trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu lục
Nền kinh tế lớn thứ ba ở châu Phi đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá dầu thấp và đã phải quay sang cầu cứu “người cho vay cuối cùng”, tức Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).
Theo IMF, Angola đã yêu cầu sự giúp đỡ trong đó có một “chương trình kinh tế với những hỗ trợ về tài chính”, hay nói cách khác nước này đang tìm kiếm một gói cứu trợ từ IMF.
Angola là nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai ở châu Phi và đã lâm vào tình cảnh thiếu hụt tiền mặt kể từ khi giá dầu bắt đầu lao dốc năm 2014. Dầu chiếm khoảng 75% nguồn thu ngân sách và 95% kim ngạch xuất khẩu của Angola.
Trong khi đó đồng nội tệ kwanza đã giảm 16% kể từ đầu năm đến nay, khiến những khoản nợ bằng USD ngày càng đắt đỏ hơn. 1,5 tỷ USD trái phiếu kỳ hạn 10 năm mà Angola phát hành năm ngoái có lợi suất lên tới 9,5%.
Angola cũng vay một lượng tiền lớn từ Trung Quốc bằng các thỏa thuận đổi dầu lấy nợ và những khoản nợ này đang khiến ngân sách cạn kiệt. Cân bằng ngân sách thực sự là một thử thách với Angola và đất nước này đã cắt giảm tới 20% chi tiêu công nhưng tình hình cũng không khá hơn.
Giống như nhiều nước giàu dầu mỏ khác ở châu Phi, nền kinh tế Angola không đủ đa dạng để có thể thích ứng với môi trường giá dầu thấp. Ngoài ra Angola còn thực hiện chính sách trợ giá nhiên liệu, điều mà IMF đã từng lên tiếng cảnh báo.
Lần gần nhất Angola xin cứu trợ từ IMF là năm 2009, để khắc phục những hậu quả của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nước này đã nhận được 1,4 tỷ USD.