MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nâng cấp hạ tầng-cánh cửa mới cho nhiều hãng hàng không cất cánh

Cơ hội bay dành cho tất cả mọi người sắp trở thành hiện thực, khi hạ tầng của ngành không được nâng cấp hiện đại và có thêm các hãng hàng không mới sắp cất cánh.

Tiềm năng hàng không Việt

Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam sẽ trở thành thị trường hàng không phát triển nhanh thứ 5 thế giới, đạt 150 triệu lượt hành khách vận chuyển vào năm 2035. Còn ở trong nước, tỉ lệ người dân đi máy bay của Việt Nam đang tăng nhanh. Với dân số gần 100 triệu người, hàng không nội địa Việt Nam được IATA dự báo sẽ tăng trung bình 15%/năm trong thời gian tới.

Các chuyên gia kinh tế nhận định Việt Nam sẽ cần khoảng 10 hãng hàng không mới đáp ứng được nhu cầu và tạo sự cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường, thay vì chỉ có 4 hãng như hiện nay. Đặt trong so sánh, một quốc gia ít dân hơn như Thái Lan có tới hơn 10 hãng hàng không, trong đó có 5 hãng hàng không giá rẻ.

Nhằm giải quyết vấn đề hạ tầng cho ngành hàng không, mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư mới và tạo cơ sở cho thời kỳ phát triển tiếp theo, tháng 2/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 236, phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch Phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Thị trường hàng không Việt Nam đặt mục tiêu đứng trong nhóm 4 quốc gia hàng đầu ASEAN về sản lượng vận chuyển. Ba trung tâm vận chuyển hành khách, hàng hóa ngang tầm ASEAN tại Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng sẽ được nâng cấp và hình thành thêm 3 cụm vận tải là Vân Đồn, Chu Lai, Long Thành.

Dự báo, tổng thị trường vận chuyển hành khách của các hãng hàng không Việt Nam tăng trung bình 16%/năm trong giai đoạn đến năm 2020 và 8%/năm giai đoạn 2020 – 2030. Hàng hóa tăng trung bình 18%/năm giai đoạn đến 2020 và 12%/năm giai đoạn 2020 – 2030. Sản lượng vận chuyển đạt 64 triệu lượt hành khách/năm vào năm 2020 và 131 triệu lượt hành khách vào năm 2030.

Liên quan đến việc phát triển đội tàu bay, theo quy hoạch, số lượng tàu bay khai thác của các hãng hàng không đến năm 2020 là trên 220 chiếc và đến năm 2030 là 400 chiếc (hiện tại có 173 chiếc).

Nâng cao công suất các cảng hàng không và nới quy mô phát triển đội tàu bay trong vòng 3 năm tới là hai điều kiện cần, để mở ra cơ hội gia nhập thị trường cho các nhà đầu tư mới.

Mọi người đều có thể bay

Quyết định này đã mở ra cơ hội bay thương mại cho các nhà đầu tư mới như Bamboo Airways thuộc tập đoàn FLC, hay trước đây là Vietstar Airlines, SkyViet... Đây là những doanh nghiệp hội đủ các tiêu chí về năng lực bay, nhưng chưa được cấp phép.

Đại diện hãng hàng không Bamboo Airways, Tổng giám đốc Đặng Tất Thắng cho biết nếu được cấp phép, hãng sẽ khai thác 24 đường bay nội địa và 16 đường bay quốc tế nối Việt Nam với một số nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản… đến năm 2023.

Với chiến lược tập trung vào những thị trường chưa phát triển, có nhiều tiềm năng nhưng còn bỏ ngỏ, mục tiêu của Bamboo Airways là mang tới cơ hội tiếp cận các dịch vụ hàng không giá cả hợp lý, chất lượng cao. Người dân sẽ có cơ hội bay thẳng đến những địa danh mình mong muốn, thay vì phải chuyển tiếp nhiều chặng, lãng phí thời gian, số chuyến bay ít và giá cả đắt đỏ.

Khách hàng ở bất cứ phân khúc nào, bất cứ vị trí địa lý nào, cũng sẽ tìm được gói dịch vụ chất lượng, phù hợp của Bamboo Airways.  Như vậy, mọi người sẽ có thêm sự lựa chọn mới, được hưởng lợi từ dịch vụ bay với giá cả cạnh tranh hơn.

Cũng theo ông Thắng, Bamboo Airways nghiên cứu lựa chọn loại máy bay có công nghệ mới nhất, hiện đại nhất, chi phí nhiên liệu tiết kiệm nhất.  Đó là mẫu Airbus A321NEO, A321 LR, Boeing Dreamliners… đây đều là những dòng sản phẩm tân tiến nhất, được các hãng hàng không đặt hàng số lượng lớn.

Bộ tiêu chuẩn khắt khe

Để trở thành hãng hàng không đạt tiêu chuẩn, đủ năng lực bay, các doanh nghiệp cần đầu tư tập trung vào 4 điểm quan trọng đó là: Chất lượng dịch vụ, mạng đường bay, cơ sở vật chất và đảm bảo an toàn bay.

Chất lượng dịch vụ là yếu tố được hành khách quan tâm nhất khi sử dụng dịch vụ của bất kỳ hãng hàng không nào. Để tối ưu hóa sự hài lòng của khách hàng, tất cả dịch vụ từ mặt đất đến trên không đều được chú trọng đầu tư.

Mạng đường bay là yếu tố thứ hai quyết định đến sự lựa chọn của hành khách. Hành khách thường lựa chọn những hãng hàng không có chuyến bay thẳng từ điểm đi tới điểm đến, hạn chế chuyển tiếp, như vậy sẽ tiết kiệm thời gian và chi phí.

Về cơ sở vật chất, những hàng hàng không cần đầu tư để mua hay thuê về đội tàu bay thế hệ mới, chất lượng cao, mang đến sự khác biệt và sự thoải mái cho người ngồi thường được khách hàng lựa chọn.

Cuối cùng là đảm bảo an toàn bay. An ninh sân bay và an toàn trên máy bay là vấn đề được chú ý nhất hiện nay. Hành khách có thể an tâm hơn nếu hãng được trao Chứng nhận an toàn khai thác (IOSA), của IATA.

Ngành vận tải hàng không Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng trưởng mới thông qua các chính sách tự do hóa và mở cửa bầu trời. Việc gia nhập "sân chơi" của các nhà đầu tư mới, hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều hơn nữa sự cạnh tranh trên thị trường hàng không. Nó không chỉ đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng mà còn mở ra cơ hội bay cho mọi người.

Anh Tuấn

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên